Nghị quyết mới giúp TPHCM tháo gỡ 2 'điểm nghẽn' lớn nhất

28/06/2023 17:30

(Chinhphu.vn) - TS. Trần Du Lịch kỳ vọng với nghị quyết mới và tất cả sự chuẩn bị về đầu tư, hạ tầng đô thị, nhất là giao thông thì 2 điểm nghẽn lớn nhất của TPHCM là thể chế và hạ tầng sẽ được tháo gỡ trong thời gian tới để hướng tới giai đoạn phát triển mới.

Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM vừa được thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Theo TS. Trần Du Lịch, hiện quá trình chuẩn bị để hiện thực hóa ngay các cơ chế trong Nghị quyết được TPHCM thực hiện khá tốt.

Ngoài ra, vị chuyên gia này cho rằng để nâng cao chất lượng nền hành chính công vụ thì cần sự triển khai đồng bộ thể chế, tổ chức bộ máy vận hành và cán bộ công chức bởi chế độ đãi ngộ đối với cán bộ vẫn chưa đủ, chưa kể, bộ máy của TP, Thủ Đức cũng chưa tương xứng với quy mô, cần phải tính toán lại.

Ông cũng bày tỏ kỳ vọng với nghị quyết mới và tất cả sự chuẩn bị về đầu tư, hạ tầng đô thị, nhất là giao thông thì 2 điểm nghẽn lớn nhất của TPHCM là thể chế và hạ tầng sẽ được tháo gỡ trong thời gian tới để hướng tới giai đoạn phát triển mới.

Thúc đẩy doanh nghiệp vào chương trình kích cầu

Theo ông Nguyễn Quang Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM (HFIC), Nghị quyết 98 cho phép nguồn thu từ cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trên địa bàn được dùng để tăng vốn điều lệ cho HIFC. HĐND TPHCM được bố trí vốn đầu tư công từ ngân sách Thành phố để hỗ trợ lãi suất cho các dự án đầu tư được HFIC cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Đây là chương trình kích cầu mà Thành phố mong muốn phát triển ngay trong năm nay. 

Ông Thanh cho biết, trước đó, giai đoạn từ 2016-2020, tổng nguồn vốn huy động được từ chương trình kích cầu này lên tới 30.000 tỷ đồng, vốn được hỗ trợ khoảng 15.000 tỷ đồng.

"Hy vọng chương trình này sắp tới sẽ thúc đẩy các DN tham gia mạnh mẽ hơn vào chương trình kích cầu trong lĩnh vực giáo dục, y tế, công nghệ cao, đổi mới sáng tạo; các lĩnh vực về môi trường như sử dụng phương tiện sạch, xe buýt chạy điện, phương tiện công cộng chạy điện, các ngành công nghiệp như tự động hóa, hóa dược, công nghệ thực phẩm, dệt may và da giày…", ông Thanh bày tỏ.

Với Nghị quyết mới, TPHCM đã đưa ra chương trình tiếp sức cho DN để cùng Thành phố phát triển mạnh mẽ hơn nữa và bổ sung vốn điều lệ cho HFIC từ nguồn thu cổ phần hóa của DNNN.

"Chúng tôi đang tiếp cận WB, IFC, ADB để huy động nguồn lực trái phiếu, nguồn vốn giá rẻ. Ngay từ đầu tháng 5, HFIC đã phối hợp với Sở KH&ĐT TPHCM soạn dự thảo trình HĐND Thành phố. Đến nay, dự thảo này đã cơ bản hoàn thành để dự kiến trình UBND và HĐND TPHCM trong kỳ họp gần nhất. Sắp tới, với nhiều cơ chế như thế thì sẽ giúp TPHCM phát triển vượt bậc hơn", ông Thanh nhấn mạnh.

Trình HĐND TPHCM thông qua danh mục dự án BOT trong tháng 7

Còn theo ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM, theo nội dung đột phá chiến lược để huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn Thành phố, tổng kinh phí dự kiến trong giai đoạn 2021-2025 là khoảng 266.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Thành phố khoảng 92.000 tỷ đồng và vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) là 174.000 tỷ đồng.

Như vậy, đối với cơ chế đề xuất áp dụng hình thức hợp đồng BOT, Thành phố sẽ tập trung đối với các tuyến đường trục chính đô thị, kết nối vùng, quốc lộ đi qua địa phận TPHCM như Quốc lộ 1, Quốc lộ 13, Quốc lộ 22… Quy mô đầu tư mở rộng thông qua việc thu hút được vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng từ khu vực tư nhân, thông qua hình thức BOT là rất cần thiết. 

Ông An nhấn mạnh, Thành phố đã có sự chuẩn bị ngay khi dự thảo Nghị quyết được Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua. Về phía Sở Giao thông vận tải TPHCM, đã chủ động bám sát kế hoạch của UBND Thành phố để xây dựng kế hoạch triển khai.

Hiện Sở đã rà soát, đánh giá và đề xuất quy định, tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm, kỹ thuật, tài chính của các doanh nghiệp tham gia đầu tư và danh sách các dự án BOT để UBND TPHCM trình HĐND Thành phố trong kỳ họp tháng 7/2023.

Đối với cơ chế áp dụng mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD), Sở đã chủ động rà soát, xác định phạm vi vùng phụ cận các nhà ga thuộc các tuyến đường sắt đô thị, các nút giao thông dọc tuyến đường Vành đai 3, phối hợp Sở Quy hoạch và Kiến trúc (đơn vị chủ trì đề án) đề xuất danh mục các dự án đầu tư công độc lập để khai thác quỹ đất.

Anh Thơ


Bạn đang đọc bài viết "Nghị quyết mới giúp TPHCM tháo gỡ 2 'điểm nghẽn' lớn nhất" tại chuyên mục Tin tức - Thời sự. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 08 6883 9892) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).