Năm 2025, trên 50% giáo viên có trình độ nghe nói Tiếng Anh từ 6.5 IELTS trở lên

20/06/2020 23:10

Kết quả rà soát giáo viên tiếng Anh theo chuẩn quốc tế IELTS được Sở GD&ĐT sử dụng làm căn cứ phân loại, xếp lớp đào tạo nâng chuẩn tiếng Anh theo chuẩn quốc tế cho giáo viên.

Năm 2025, trên 50% giáo viên có trình độ nghe nói Tiếng Anh từ 6.5 IELTS trở lên - Ảnh 1.
Năm 2025, ngành Giáo dục Hà nội có trên 50% giáo viên có trình độ nghe nói Tiếng Anh từ 6.5 IELTS trở lên.

Nhằm nâng cao năng lực ngoại ngữ theo chuẩn quốc tế cho giáo viên ngoại ngữ toàn Thành phố, từ ngày 18/6/2020 đến ngày 5/7/2020, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ triển khai việc kiểm tra rà soát để xếp lớp đào tạo nâng chuẩn quốc tế cho giáo viên tiếng Anh đã đạt chuẩn theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc Việt Nam đối với giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX). Việc đào tạo nâng chuẩn quốc tế (IELTS) cho giáo viên tiếng Anh ở tất cả các cấp học đáp ứng yêu cầu của ngành giáo dục và đào tạo trong giai đoạn mới.

IELTS là một trong những hệ thống bài kiểm tra về khả năng sử dụng thành thạo tiếng Anh theo 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và hiện nay đang được đánh giá uy tín nhất trên thế giới. Sở GD&ĐT lựa chọn hình thức này để hỗ trợ cho giáo viên tiếng Anh phát triển tốt nhất 4 kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng nghe nói.

Theo đó, 100% giáo viên của Hà Nội đã đạt chuẩn Tiếng Anh theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc Việt Nam sẽ tham dự kỳ kiểm tra, rà soát đánh giá theo chuẩn quốc tế IELTS. Mỗi giáo viên tham dự sẽ đăng ký trực tiếp tại đường link do tổ chức khảo thí quốc tế cung cấp để nhập thông tin và cập nhật các hướng dẫn về nội dung chủ yếu của bài kiểm tra.

Bài kiểm tra IELTS gồm 2 phần, kiểm tra Viết (3 kỹ năng Nghe – Đọc – Viết), thời gian làm bài phần Nghe: 40 phút, phần Đọc: 60 phút, phần Viết: 60 phút; kiểm tra Nói thời gian từ 11-14 phút. Đối với những giáo viên có chứng chỉ IELTS từ năm 2019 trở lại đây đạt kết quả 6.5 trở lên có thể lấy kết quả đó để phân lớp đào tạo.

Kết quả rà soát giáo viên tiếng Anh theo chuẩn quốc tế IELTS được Sở GD&ĐT sử dụng làm căn cứ phân loại, xếp lớp đào tạo nâng chuẩn tiếng Anh theo chuẩn quốc tế cho giáo viên. Vì thế, giáo viên không cần phải tham gia các lớp luyện IELTS trước khi tham dự rà soát, việc này có thể tạo nên áp lực về công việc không cần thiết.

Lớp đào tạo được chia làm nhiều đợt, mkỗi đợt giáo viên được thực hiện 400 tiết thực học (khóa học chuẩn để nâng 1 bậc IELTS) với giảng viên nước ngoài. Ngoài ra, mỗi giáo viên được cấp 01 tài khoản online để tự học. Sau thời gian đào tạo, giáo viên sẽ tham dự kì thi IELTS với mục tiêu lên được tối thiểu 0,5 điểm. Từ năm 2020 đến năm 2025, bình quân cứ cách 1 năm giáo viên lại được tham gia đợt bồi dưỡng để tiếp tục nâng chuẩn (tùy theo kết quả cụ thể đạt được của từng giáo viên). Mục tiêu tiến tới năm 2025, toàn Ngành GD&ĐT Hà Nội có trên 50% giáo viên các cấp học có trình độ nghe nói Tiếng Anh từ 6.5 IELTS trở lên.

Kế hoạch của Sở GD&ĐT tổ chức cho 100% giáo viên ngoại ngữ đã đạt chuẩn theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc Việt Nam các cấp học của Thành phố được tham dự rà soát theo chuẩn quốc tế. Sau đó theo lộ trình sẽ tổ chức đào tạo nâng chuẩn quốc tế cho toàn bộ giáo viên đã được rà soát. Việc kiểm tra, rà soát nhằm xếp lớp đào tạo nâng chuẩn quốc tế, trang bị kỹ năng, năng lực, rèn luyện khả năng phản xạ, đồng thời tăng sự tự tin khi giao tiếp bằng tiếng Anh cho giáo viên đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Giáo viên tham gia lớp đào tạo được hỗ trợ toàn bộ kinh phí (bao gồm cả công tác phí trong quá trình học tập bồi dưỡng), giảm thời gian giảng dạy tại trường.

Cùng với việc chuẩn bị các điều kiện đáp ứng việc rà soát xếp lớp theo chuẩn quốc tế, Sở GD&ĐT đã chuẩn bị, bố trí lịch kiểm tra theo các các cấp học hợp lý, đảm bảo giáo viên được rà soát đủ 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết theo quy định của tổ chức khảo thí quốc tế. Do vậy, giáo viên có thể hoàn toàn yên tâm nâng cao năng lực ngoại ngữ cũng như kỹ năng sư phạm của mình sau đợt khảo sát này.

Việc chuẩn bị tổ chức kiểm tra rà soát này Sở GD&ĐT đã thông tin đến các đơn vị để có sự chuẩn bị từ năm 2019. Ngay từ đầu năm học 2019 – 2020, Sở GD&ĐT không chỉ ban hành kế hoạch, công văn mà còn triển khai trong các cuộc họp giao ban với các phòng GD&ĐT, các đơn vị trường học trên địa bàn Thành phố chuẩn bị cho đợt kiểm tra rà soát để xếp lớp đào tạo bồi dưỡng cho giáo viên tiếng Anh.

Cụ thể, từ ngày 24/9/2019, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có công văn gửi các đơn vị đề nghị gửi danh sách giáo viên tiếng Anh chuẩn bị cho đợt rà soát, đào tạo bồi dưỡng. Sau đó, Sở GD&ĐT Hà Nội đã thông báo danh sách rà soát đến các trường, đề nghị gửi danh sách chốt vào cuối tháng 3/2020. Tuy nhiên, kế hoạch khảo sát theo dự kiến ban đầu phải thay đổi do các trường học, các trung tâm khảo thí trên địa bàn Thành phố tạm nghỉ để phòng, chống dịch Covid-19.

Đến ngày 29/5/2019, Sở GD&ĐT đã gửi công văn số đề nghị các đơn vị rà soát theo chuẩn quốc tế cho giáo viên Tiếng Anh, thông báo tới toàn thể đội ngũ giáo viên tiếng Anh các trường phổ thông, trung tâm GDNN-GDTX chuẩn bị tham dự kiểm tra rà soát năng lực theo chuẩn quốc tế IELTS.

Việc rà soát và triển khai bồi dưỡng đội ngũ giáo viên Tiếng Anh theo chuẩn quốc tế trong Kế hoạch số 28/KH-UBND ngày 23/01/2019 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội thể hiện sự quan tâm đến đội  ngũ giáo viên giúp nâng cao hơn nữa chất lượng dạy học môn Tiếng Anh, nhất là kỹ năng nghe, nói của học sinh phổ thông của Thủ đô.

Theo báo Dân Sinh

Bạn đang đọc bài viết "Năm 2025, trên 50% giáo viên có trình độ nghe nói Tiếng Anh từ 6.5 IELTS trở lên" tại chuyên mục Văn hóa - Giáo dục. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).