Cảnh báo rủi ro khi mua vàng online ở các kênh không chính thức

19/04/2025 13:30

Trong khi các kênh mua vàng chính thống khó tiếp cận, nhiều người dân đã chuyển hướng sang các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Telegram… để mua bán vàng. Tuy nhiên, phương thức này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.

Trong bối cảnh giá vàng trong nước liên tục thiết lập đỉnh mới, nhu cầu giao dịch vàng của người dân ngày càng gia tăng. Nhiều người đã chuyển sang hình thức mua vàng online qua ứng dụng của các ngân hàng và doanh nghiệp kinh doanh vàng để tránh cảnh xếp hàng chen lấn. Tuy nhiên, không ít trường hợp gặp khó khi giao dịch qua ứng dụng chính thống này, từ đó chuyển sang mua vàng qua mạng xã hội mà không lường trước những rủi ro pháp lý và nguy cơ mất tiền.

Chú thích ảnh Người dân đến mua vàng ngày vía Thần Tài tại Công ty Bảo Tín Minh Châu. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN

Hiện nay, các ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank và các công ty vàng bạc đá quý như DOJI, SJC… đều đã triển khai ứng dụng giao dịch vàng online. Theo lý thuyết, người dân có thể đặt mua vàng miếng, vàng nhẫn chỉ bằng vài thao tác trên điện thoại và nhận vàng trực tiếp tại quầy. Tuy nhiên, không ít người dùng phản ánh rằng quá trình giao dịch không hề dễ dàng. 

Chị Phạm Thu Thủy (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: "Tôi tải app mua vàng của ngân hàng, nhưng mỗi khi đặt mua thì đều nhận được thông báo đã hết khối lượng đăng ký trong ngày. Giá vàng thì biến động theo phút, nên không thể chờ đến ngày hôm sau để mua theo giá mong muốn".

Tương tự, chị Nguyễn Thu Hà (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng chia sẻ: "Nhiều thời điểm giá vàng tăng mạnh, các ứng dụng còn bị quá tải, rất khó giao dịch".

Lý giải về tình trạng này, giới chuyên gia cho rằng số lượng vàng phân phối online mỗi ngày có hạn và hệ thống công nghệ chưa đủ mạnh để đáp ứng lượng truy cập lớn cùng lúc.

Chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, trong thời đại công nghệ số, việc giao dịch vàng online là xu hướng tất yếu. Để thúc đẩy kênh giao dịch vàng trực tuyến, các tổ chức tài chính cần đầu tư mạnh vào hạ tầng công nghệ, đồng thời đề xuất Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sớm hoàn thiện hành lang pháp lý cho giao dịch vàng online, tương tự như với chứng khoán hay ngoại tệ. Bên cạnh đó, cần xây dựng một hệ thống giao nhận vàng có độ phủ rộng, giúp người mua dễ dàng lựa chọn điểm nhận vàng, giảm thiểu các thủ tục hành chính không cần thiết, rút ngắn thời gian giao dịch và tăng độ an toàn.

Trong khi các kênh mua vàng chính thống khó tiếp cận, nhiều người dân đã chuyển hướng sang các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Telegram… để mua bán vàng. Tuy nhiên, phương thức này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw cảnh báo: "Việc mua vàng online chỉ hợp pháp nếu thực hiện qua các đơn vị được cấp phép bởi Ngân hàng Nhà nước. Nếu thực hiện trên các nền tảng không rõ nguồn gốc, người dân rất dễ bị lừa, mất tiền mà không nhận được vàng hoặc nhận vàng kém chất lượng".

Ông Hà nhấn mạnh, người tiêu dùng cần kiểm tra kỹ thông tin về các đơn vị giao dịch, đảm bảo sàn có giấy phép hoạt động, chế độ bảo mật thông tin tốt và cung cấp đầy đủ hóa đơn, chứng từ theo quy định.

Liên quan đến biến động trên thị trường vàng gần đây, tại báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước cho biết, giá vàng tăng cao là diễn biến chung của cả thị trường quốc tế lẫn trong nước, tuy nhiên, chênh lệch giữa trung bình giá mua, bán vàng trong nước và giá thế giới đã giảm đáng kể so với thời điểm năm 2024, từng có thời điểm chênh lệch lên mức cao nhất trong năm 2024 khoảng 18 triệu đồng/lượng, tương đương 25%, đến nay còn khoảng 2-4 triệu đồng/lượng, tương đương khoảng 3-5%, nhiều thời điểm giá mua vàng miếng SJC thấp hơn giá vàng quốc tế quy đổi. Diễn biến này cho thấy với những biện pháp quản lý thị trường vàng thời gian qua, chênh lệch giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng thế giới quy đổi được kiểm soát trong biên độ phù hợp.

Về quản lý thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước cho hay đã có tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03/4/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục triển khai quản lý thị trường vàng trên cơ sở bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các quy định của pháp luật; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương trong quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Đồng thời, sẽ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động quản lý kinh doanh vàng, trong đó trọng tâm là tổng kết Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng để đề xuất, sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình thực tiễn.

Ngày 18/4, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc về diễn biến giá vàng trong nước. Trong đó, Phó Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan theo dõi sát tình hình và diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ, ngoại hối, thị trường vàng trong nước và quốc tế để khẩn trương thực hiện ngay các giải pháp theo quy định để ổn định thị trường vàng; tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định, không để xảy ra việc trục lợi, thao túng, làm giá, đầu cơ... trên thị trường vàng theo đúng ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ tại văn bản số 1483/VPCP-KTTH ngày 04/4/2025; chủ động thực hiện ngay các biện pháp thông tin truyền thông để ổn định tâm lý xã hội.

Cập nhật lúc 9h10 sáng 19/4, giá vàng bán ra tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC được niêm yết ở mức 113,5 - 117,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). So với mức giá kỷ lục chiều qua, giá vàng SJC đã giảm mạnh tới 3,5 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 2,5 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.

Trong tuần vừa qua, giá vàng SJC bán ra đã lập đỉnh ở mức 120 triệu đồng/lượng, tăng tới 13 triệu đồng/lượng so với thời điểm mở bán ngày đầu tuần 14/4. Đáng chú ý, chỉ riêng trong ngày 16/4, giá vàng đã tăng tới 7,5 triệu đồng/lượng.

Bạn đang đọc bài viết "Cảnh báo rủi ro khi mua vàng online ở các kênh không chính thức" tại chuyên mục Tài chính - Chứng khoán. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).