Muốn trở lại mốc lãi 1.000 tỷ đồng, "trùm chăn nuôi" Dabaco kinh doanh ra sao?

15/04/2025 12:16

Trải qua các khó khăn từ dịch bệnh đến giá cả thị trường, Dabaco đã dần hồi phục doanh nghiệp với mục tiêu doanh thu năm 2025 cao nhất lịch sử với 2.8759 tỷ đồng.

Từ sau Tết Nguyên đán 2025, thị trường thịt heo hơi liên tục chứng kiến sự điều chỉnh theo hướng đi lên ở nhiều địa phương. Điều này đã tạo ra cơn sốt giá lợn với mức giá trung bình tại các địa phương có thời điểm lên tới 80.000/kg trong tháng 3/2025, tăng tới 40% so với giá lợn hơi tại đầu tháng 3/2024.

Giá lợn hơi tăng trưởng đã tạo động lực tăng trưởng cho nhiều doanh nghiệp chăn nuôi vốn đã lao đao sau biến động giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và cơn càn quét của Dịch tả lợn châu Phi.

Kế hoạch doanh thu cao nhất lịch sử kinh doanh

Dần phục hồi sau đáy lợi nhuận vào năm 2022, Dabaco đặt mục tiêu năm 2025 với doanh thu đạt 28.759 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.007 tỷ đồng. Nếu công ty có thể hoàn thành mục tiêu thì đây sẽ là mức doanh thu cao nhất lịch sử kinh doanh của Dabaco. Đồng thời cũng là mốc lợi nhuận nghìn tỷ đầu tiên sau 5 năm kinh doanh khó khăn của công ty.

Đáng chú ý, chỉ trong quý đầu năm 2025, Dabaco đã công bố thương mại vắc-xin Dacovac-ASF2 và khánh thành nhà máy vắc-xin Dacovet với công suất 200 triệu liều/năm tại Bắc Ninh.

Điều đáng nói, trong nhiều năm, Dabaco vẫn ôm giấc mộng chạm mốc doanh thu tỷ USD (tương đương 23.500 tỷ đồng). Tuy nhiên, trong 3 năm 2021, 2022, 2023, công ty đều không đạt kế hoạch doanh thu. Đến năm 2024, dù doanh thu tăng lên 13.574 tỷ đồng, Dabaco cũng chỉ hoàn thành 54% kế hoạch đề ra.

Muốn trở lại mốc lãi 1.000 tỷ đồng, "trùm chăn nuôi" Dabaco kinh doanh ra sao?- Ảnh 1.

Trải qua các khó khăn từ dịch bệnh đến giá cả thị trường, Dabaco đã dần hồi phục doanh nghiệp với mục tiêu doanh thu năm 2025 cao nhất lịch sử với 2.8759 tỷ đồng.

Theo dự kiến, ngoài việc sản xuất vắc-xin Dacovac-ASF2, Nhà máy vắc-xin Dacovet sẽ còn sản xuất vắc-xin phòng bệnh tai xanh và vắc-xin phòng bệnh lở mồm long móng. Đây đều là những dịch bệnh có tác động nghiêm trọng, thường xuyên bùng phát trên đàn gia súc của Việt Nam. Chứng khoán MB đánh giá mảng vắc-xin thú y có thể ghi nhận biên lợi nhuận lên đến 47%, tạo ra nguồn lợi nhuận ổn định cho Dabaco.

Về dài hạn, Dabaco đặt mục tiêu đến năm 2030 tăng trưởng doanh thu lên mức 38.000–40.000 tỷ đồng, tức gấp 1,5 lần năm 2024. Lợi nhuận trước thuế giai đoạn 2026–2030 dự kiến tăng trưởng bình quân tối thiểu 7%/năm.

Thăng trầm của Dabaco

Được mệnh danh là "đại gia nuôi lợn" miền Bắc, hành trình kinh doanh của Tập đoàn Dabaco gắn liền với dấu ấn cá nhân đậm nét của ông Nguyễn Như So – Chủ tịch Hội đồng quản trị. Từ những ngày đầu tiếp quản doanh nghiệp cũ kỹ, đến khi lèo lái tập đoàn vượt qua nhiều cú sốc thị trường, ông So đã không ít lần vực dậy Dabaco từ đáy lợi nhuận và ranh giới phá sản.

Ông Nguyễn Như So sinh năm 1957 tại Bắc Ninh. Năm 1988, ông được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Công ty Vật tư Hà Bắc. Đến năm 1996, ông nhận trọng trách tái cấu trúc Công ty Dâu tằm tơ Hà Bắc – một doanh nghiệp đang đứng bên bờ giải thể. Khi ấy, tài sản của công ty gần như không còn gì đáng giá.

Từ thực tế Việt Nam là quốc gia nông nghiệp nhưng lại phụ thuộc tới 80% vào nguồn nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, ông So quyết định chuyển hướng toàn bộ hoạt động sang lĩnh vực này. Cuối năm 1997, những lô hàng thức ăn chăn nuôi đầu tiên ra đời – mở lối cho một chương mới trong hành trình của Dabaco.

Năm 2005, công ty chính thức chuyển đổi sang mô hình cổ phần và niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội với mức giá tham chiếu 24.200 đồng/cổ phiếu. Sáu năm sau, năm 2011, doanh nghiệp đổi tên thành Tập đoàn Dabaco Việt Nam.

Sau niêm yết, Dabaco không ngừng mở rộng quy mô vốn. Từ mức 254 tỷ đồng năm 2009, vốn điều lệ tăng lên 627 tỷ đồng vào năm 2013. Đáng chú ý, chỉ riêng năm 2022, Dabaco đã 2 lần tăng vốn, từ 1.202 tỷ đồng lên 2.304 tỷ đồng vào tháng 4, rồi tiếp tục nâng lên 2.420 tỷ đồng chỉ 3 tháng sau đó.

Đến năm 2024, Dabaco hoàn tất đợt tăng vốn lớn, đưa vốn điều lệ vượt mốc 3.300 tỷ đồng thông qua chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Cùng năm, tập đoàn còn lên kế hoạch chào bán riêng lẻ 48,4 triệu cổ phiếu - tương đương 20% số cổ phiếu lưu hành tại thời điểm trình Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 – với mức giá không thấp hơn 28.000 đồng/cổ phiếu.

Số tiền huy động tối thiểu 1.355 tỷ đồng dự kiến sẽ được sử dụng để triển khai hai dự án lớn tại tỉnh Thanh Hóa. Trong đó, hơn 930 tỷ đồng dành cho việc xây dựng khu trang trại sản xuất, kinh doanh giống lợn và chăn nuôi lợn thương phẩm tại xã Đồng Thịnh, huyện Ngọc Lặc; gần 425 tỷ đồng còn lại sẽ được dùng để trả nợ vay ngân hàng cho dự án khu chăn nuôi công nghệ cao tại huyện Thạch Thành.

Bên cạnh quá trình tăng vốn, Dabaco cũng trải qua nhiều giai đoạn biến động. Năm 2017, giá thực phẩm giảm mạnh khiến doanh thu thuần giảm còn 5.855 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế giảm 59% còn 200 tỷ đồng.

Năm 2018 ghi nhận sự phục hồi nhẹ nhờ giá thịt lợn ổn định hơn, tuy nhiên sang năm 2019, doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với khó khăn do dịch tả lợn châu Phi. Theo ông Nguyễn Như So, với diễn biến dịch bệnh như vậy, việc không thua lỗ đã là một kết quả tích cực.

Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, nguồn cung giảm mạnh khiến giá thịt lợn tăng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong ngành, trong đó có Dabaco. Năm 2020, Dabaco ghi nhận doanh thu vượt 10.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.400 tỷ đồng - mức cao nhất kể từ khi thành lập.

Muốn trở lại mốc lãi 1.000 tỷ đồng, "trùm chăn nuôi" Dabaco kinh doanh ra sao?- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Như So - Chủ tịch HĐQT Dabaco.

Tuy nhiên, 3 năm sau đó là giai đoạn thử thách. Năm 2021, dù doanh thu đạt 10.812 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế giảm còn 829 tỷ đồng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Năm 2022, Dabaco đạt doanh thu 11.557 tỷ đồng nhưng lợi nhuận chỉ còn 5 tỷ đồng.

"Chúng tôi đã sử dụng mọi biện pháp, nhưng năm 2022 thực sự rất khó khăn. Trong suốt 27 năm điều hành doanh nghiệp, chưa khi nào tôi phải họp ban lãnh đạo mỗi ngày, thậm chí có ngày họp tới ba lần vì diễn biến thị trường thay đổi quá nhanh", ông So chia sẻ về giai đoạn trên.

Theo Dabaco, ngành thức ăn chăn nuôi chịu tác động từ giá nguyên liệu, chi phí vận chuyển và tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm tiếp tục phức tạp. Năm 2023, tình hình bắt đầu cải thiện nhưng kết quả chưa cao. Doanh thu đạt 11.110 tỷ đồng, giảm 4% so với năm trước, lợi nhuận sau thuế đạt 25 tỷ đồng.

Bước sang năm 2024, Dabaco ghi nhận sự phục hồi rõ nét. Doanh thu thuần đạt 13.574 tỷ đồng, tăng 22% so với năm trước. Trong đó, doanh thu từ bán thành phẩm – chủ yếu là sản phẩm chăn nuôi – đạt 13.206 tỷ đồng, tăng 30%. Ngược lại, mảng bất động sản và xây dựng giảm 66% xuống còn 262 tỷ đồng.

Theo lý giải từ doanh nghiệp, kết quả này đến từ việc giá nguyên liệu ổn định, dịch bệnh được kiểm soát và giá lợn hơi duy trì ở mức cao.

Tính đến ngày 31/12/2024, tổng tài sản của Dabaco đạt 14.118 tỷ đồng, tăng 8% so với đầu năm. Trong đó, tiền mặt và tiền gửi ngân hàng là khoảng 1.810 tỷ đồng. Hàng tồn kho đạt 5.303 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu kỳ. Nợ phải trả còn 7.352 tỷ đồng, giảm 12%; trong đó, nợ tài chính là 5.692 tỷ đồng, bao gồm 764 tỷ đồng vay dài hạn.

Tăng trưởng ấn tượng, trùm chăn nuôi Dabaco vẫn xa giấc mơ tỷ USD

Theo báo cáo thường niên năm 2024, Dabaco đánh giá năm 2025 sẽ tiếp tục là một năm nhiều thách thức khi nền kinh tế thế giới còn nhiều yếu tố bất định. Trong bối cảnh đó, Việt Nam dù giữ được đà tăng trưởng vẫn chịu ảnh hưởng từ các yếu tố trong và ngoài nước.

ABS Research dự báo, năm 2025, ngành chăn nuôi sẽ tiếp tục tăng trưởng cao nhờ nhu cầu và sản lượng đều gia tăng, trong đó chăn nuôi lợn vẫn là lĩnh vực chủ lực của ngành chăn nuôi Việt Nam.

Cụ thể, sản lượng lợn dự kiến tăng trưởng tốt nhờ giá lợn hơi tăng và kiểm soát dịch tả lợn châu Phi hiệu quả. Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) dự báo, nhờ vào thế mạnh mở rộng đàn và việc kiểm soát dịch tả lợn châu Phi (ASF) hiệu quả, sản lượng thịt lợn tại Việt Nam năm 2025 sẽ tăng 3% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng trưởng 2,5% năm 2024, lên mức 3,8 triệu tấn.

Trong khi đó, giá lợn hơi dự kiến tiếp tục tăng trong các tháng đầu năm 2025, nhất là thời điểm các dịp lễ, tết diễn ra trong và sau Tết Nguyên đán 2025.

Bên cạnh đó, nhu cầu thịt lợn và thịt gia cầm năm 2025 cũng được dự báo tăng trưởng. Theo số liệu mới nhất của USDA, Việt Nam xếp thứ 4 về tiêu thụ thịt lợn, ước tính sản lượng tiêu thụ thịt lợn/đầu người xấp xỉ 37 kg/người năm 2024, tốc độ tăng trưởng kép hàng năm giai đoạn 2024 – 2026 khoảng 3,8%/năm.

Bạn đang đọc bài viết "Muốn trở lại mốc lãi 1.000 tỷ đồng, "trùm chăn nuôi" Dabaco kinh doanh ra sao?" tại chuyên mục Văn hóa - Giáo dục. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).