Tại TP Hồ Chí Minh, nghi thức này không chỉ thu hút đồng bào Khmer mà còn có sự tham gia của nhiều người dân thành phố, du khách trong và ngoài nước. Đây không chỉ là dịp để tìm hiểu văn hóa Khmer, mà còn là cơ hội để kết nối cộng đồng, lan tỏa tinh thần đoàn kết, hòa hợp giữa các dân tộc.
Dù sống xa quê hương, cộng đồng Khmer tại TP Hồ Chí Minh vẫn gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, trong đó nghi lễ tắm Phật dịp Tết Chol Chnam Thmay là một minh chứng sống động.
Nghi thức tắm Phật thường được tổ chức vào ngày thứ hai hoặc thứ ba trong ba ngày Tết Chol Chnam Thmay tại chính điện của các ngôi chùa Khmer. Ngay từ sáng sớm, người dân Khmer trong trang phục truyền thống đã nô nức về chùa, mang theo hương hoa, nước thơm và lòng thành kính.
Nghi thức bắt đầu bằng việc các vị sư sãi tụng kinh cầu an, sau đó tượng Phật được rước ra sân chùa hoặc nơi trang trọng để cộng đồng thực hiện nghi thức tắm Phật. Nước thơm được nấu từ các loại lá cây có mùi dễ chịu như lá sả, bưởi hòa cùng hoa tươi, được người dân nhẹ nhàng rưới lên tượng Phật như một cách thanh tẩy, thể hiện lòng tôn kính và cầu mong điều tốt lành cho năm mới.
Theo quan niệm của người Khmer, tắm Phật không chỉ để làm sạch tượng mà còn là hành động mang ý nghĩa thanh lọc tâm hồn, xóa bỏ những điều không may mắn trong năm cũ, đón chào một năm mới bình an, thịnh vượng. Sau khi tắm Phật, người dân thường rưới nước lên tay cha mẹ, ông bà và người lớn tuổi để bày tỏ lòng hiếu kính, đồng thời nhận những lời chúc phúc cho năm mới.