Mãi rực rỡ Thành phố mang tên Bác - Bài 1: Tiên phong mở lối

30/04/2025 09:00

Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang không ngừng nỗ lực “vì cả nước, cùng cả nước” để mãi xứng danh “Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng”.

Chú thích ảnh Thành phố Hồ Chí Minh - trung tâm kinh tế, văn hóa, du lịch đầu tàu của cả nước. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN

Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) là sự kiện lịch sử, chính trị trọng đại của đất nước nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng. Đây là dịp nhìn lại quá khứ hào hùng, khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước và những bài học kinh nghiệm lịch sử quý báu của Đại thắng mùa Xuân năm 1975 vào thực hiện công cuộc bảo vệ, đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước. Với tầm vóc, vị trí của mình - một địa bàn chiến lược cực kỳ quan trọng, Thành phố duy nhất của cả nước được vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang không ngừng nỗ lực “vì cả nước, cùng cả nước” để mãi xứng danh “Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng”.

Phóng viên TTXVN thực hiện chùm 5 bài viết đánh giá, đúc kết lại thành tựu của Thành phố trong 50 năm qua, kiến giải những định hướng lớn phát triển trong giai đoạn tiếp theo với tâm thế mới, bước vào kỷ nguyên mới cùng dân tộc.

Bài 1: Tiên phong mở lối

Từ tinh thần của Đại thắng mùa Xuân 1975 và làm tròn sứ mệnh lịch sử trong thời đại mới, Thành phố Hồ Chí Minh đã phát huy tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tạo ra những dấu ấn lịch sử quan trọng, góp thêm tư liệu thực tiễn sinh động vào công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Đặc biệt, thực tiễn đời sống kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh từ đầu thập niên 1980 đến nay, được xem là nơi tiên phong mở lối hình thành những nhân tố mới đóng góp vào quá trình hình thành, hoàn thiện, phát triển cơ chế quản lý kinh tế thị trường của nước ta.

Thoát ra vòng xoáy khó khăn

Sứ mệnh lịch sử đã giao cho Sài Gòn - Gia Định - Thành phố Hồ Chí Minh là nơi ghi những trang mở đầu và kết thúc thắng lợi hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Sáng 23/9/1945, Hội nghị Xứ ủy và Ủy ban hành chính Nam Bộ họp khẩn cấp và phát động nhân nhân kiên quyết kháng chiến chống xâm lược. Với “Ngày Nam Bộ kháng chiến”, Sài Gòn là địa phương đầu tiên bước vào cuộc đấu tranh chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc. Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, nơi mở màn cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc và cũng là nơi diễn ra trận quyết chiến chiến lược của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Sài Gòn “đi trước về sau”, với mốc son chói lọi Đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Nhiệm vụ quan trọng nhất sau giải phóng với Thành phố là phải nhanh chóng ổn định tình hình, đưa cuộc sống sớm trở lại hoạt động bình thường, trong đó thất nghiệp và nguy cơ nạn đói là vấn đề cấp bách giải quyết. Sau gần hai năm thực hiện công cuộc cải tạo, tình hình an ninh chính trị được củng cố, đời sống nhân dân từng bước ổn định, kinh tế có bước phát triển. Từ năm 1979 trở đi, nền kinh tế Thành phố bộc lộ những hạn chế khi sản lượng công nghiệp quốc doanh sụt giảm nghiêm trọng, ngành công thương của Nhà nước gặp nhiều khó khăn, các nông trường, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp làm ăn thua lỗ. Cùng với mùa màng thất bát, chế độ bao cấp về thực phẩm đã đẩy 3,5 triệu dân vào nạn thiếu đói.

Thời khắc vô vàn khó khăn đó, lãnh đạo Thành phố đã trực tiếp chạy gạo cứu đói, chỉ đạo Công ty Lương thực và các đơn vị vượt qua rào cản “ngăn sông, cấm chợ” mang gạo từ đồng bằng về cứu đói kịp thời. “Phá rào trong mua bán lương thực không chỉ lo đời sống của dân mà còn phá thế cô lập với tệ “ngăn sông, cấm chợ” thời điểm đó. Việc làm của Thành phố Hồ Chí Minh được Trung ương ghi nhận”, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Danh Tiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) khẳng định.

Về giai đoạn đầu sau giải phóng, nguyên Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Phạm Chánh Trực nhớ lại, trong khí thế tưng bừng phấn khởi ngập tràn Thành phố, thì thất nghiệp tràn lan đã hiển hiện, kéo theo nguy cơ nạn đói. Toàn bộ chính quyền cũ sụp đổ cũng có nghĩa hàng trăm ngàn công chức, viên chức mất việc làm, trong khi 1 triệu quân Sài Gòn rã ngũ (tại Thành phố có hơn 400.000 người), cả triệu người thất nghiệp đột ngột, cộng thêm lực lượng công nhân lao động thất nghiệp trước đây... làm cho đời sống nhân dân rất khó khăn.

Đối với việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, từ những năm 1980, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã xác định tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển bằng nhiều biện pháp, liên kết tìm nguyên liệu sản xuất, thực hiện lương khoán, trả lương theo sản phẩm. Ông Phạm Chánh Trực nhớ lại: Thành phố mượn tài sản, vàng của nhân dân để đổi USD nhập nguyên vật liệu cho nhà máy sản xuất; lãnh đạo Thành phố cũng thực hiện kế hoạch 3 lợi ích, đó là: Lợi ích của Nhà nước, lợi ích của doanh nghiệp và lợi ích của người lao động. Các câu lạc bộ giám đốc hay còn gọi là nhóm thứ 6 ra đời.

Hằng tuần, nhóm thứ 6 có cuộc trao đổi với Bí thư Thành ủy tại nơi làm việc hoặc nhà riêng. Từ những cuộc trao đổi thường xuyên về cách làm, về các sáng kiến, Thành phố đã có cơ chế phổ biến, phát động học tập cái mới, ủng hộ cái mới. Chính như vậy mà sức sản xuất của Thành phố được “bung ra”, cho ra đời những Dược phẩm 2/9; Dệt Thành Công, Thắng Lợi, Phong Phú...

Cùng với hành động của lãnh đạo, hàng vạn Thanh niên xung phong ra quân lao động, sản xuất ngày 28/3/1976, một tập hợp đa dạng nhất các tầng lớp thanh niên thời điểm bấy giờ, bao gồm công chức và thanh niên Quân đội Sài Gòn rã ngũ, công nhân lao động thất nghiệp, học sinh... do cán bộ, đoàn viên thanh niên cộng sản làm nòng cốt. Theo ông Phạm Chánh Trực, các tầng lớp nhân dân vui mừng động viên con em mình lên rừng, xuống biển đi xây dựng kinh tế, vừa có việc làm tự nuôi sống, vừa góp phần đưa xã hội vượt qua khó khăn, chuyển Thành phố vốn là đầu não chiến tranh bị địch tạm chiếm và sinh sống dựa chủ yếu vào viện trợ Mỹ sang hòa bình lao động, sản xuất, tự lực tự cường.

Khởi đầu cho đổi mới

Đảng bộ và nhân dân Thành phố chủ động tìm kiếm giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để sản xuất “bung ra”, “xé rào” để thoát khỏi cơ chế cũ, khuyến khích các doanh nghiệp quốc doanh tự chủ, thiết lập quan hệ kinh tế theo quy luật của sản xuất hàng hóa, mở rộng quan hệ thị trường, tăng hiệu quả sản xuất, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống người lao động. Đây cũng chính là tiền đề cơ bản để có những quyết sách mang tính đổi mới, được nhân rộng ra cả nước.

Từ năm 1982, tại Nghị quyết 01-NQ/TW, Bộ Chính trị xác định: Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế lớn, một trung tâm giao dịch quốc tế và du lịch của đất nước. Thành phố Hồ Chí Minh có vị trí chính trị quan trọng sau Thủ đô Hà Nội”. Đây là động lực cho Thành phố vững vàng bước vào thời kỳ đổi mới, đồng thời tạo điều kiện thực hiện những cơ chế và chính sách mang tính thí điểm, đột phá.

Hàng loạt đơn vị sản xuất, kinh doanh chủ động tổ chức lại sản xuất, liên kết với các tỉnh khai thác nguyên liệu, cung ứng thành phẩm, xây dựng phương án sản xuất ngoài kế hoạch được giao. Có thể kể đến Công ty Bột giặt miền Nam, Xí nghiệp thuốc lá Vĩnh Hội, Công ty Lương thực thành phố; các xí nghiệp dệt Thành Công, Thắng Lợi, Phước Long; cơ khí Caric, Silico, Sinco, Dược Thú y… Đời sống nông dân cũng từng bước ổn định, sản xuất nông nghiệp có bước phát triển từ “vành đai trắng” trong chiến tranh chuyển thành “vành đai xanh”.

Lĩnh vực phân phối lưu thông đã chuyển biến theo hướng ngày càng toàn diện và sâu sắc hơn, kết hợp cải tạo với xây dựng, tổ chức lại mạng lưới tiểu thương rộng lớn; liên kết và mở rộng giao lưu hàng hóa với các tỉnh, tích cực đầu tư chiều sâu cho nông thôn… Thành phố là địa phương đi đầu trong hoạt động xuất nhập khẩu với nhiều mô hình tiêu biểu như Direximco, Imex Saigon, Cholimex…

Thành tích “xé rào” trong sản xuất và phân phối lưu thông hàng hóa của Thành phố đã cho thấy sự năng động, sáng tạo, tinh thần “tự cứu mình trước khi trời cứu”. Từ chỗ thiếu gạo ăn, thiếu ngoại tệ mua nguyên liệu nước ngoài đến có gạo xuất khẩu, tổ chức được hoạt động ngoại thương, làm sống lại các cơ sở sản xuất và hình thành những mô hình làm ăn hiệu quả.

Đánh giá về vấn đề này, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thanh Nghị nêu rõ: “Có thể nói rằng, những sáng kiến và nhiều biện pháp ban đầu chỉ là biện pháp tình thế nhưng kết quả thực tiễn sinh động của Thành phố lúc bấy giờ, đã trở thành cơ sở quan trọng cho lãnh đạo Đảng có những quyết sách để hoạch định mô hình phát triển kinh tế kể từ Đại hội VI, tháng 12/1986”.

Dấu ấn quan trọng được khẳng định của Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ này là năng lực vượt khó, tiên phong mở điểm đột phá thử nghiệm đổi mới cơ chế, chính sách kinh tế, sáng tạo ra những phong trào lớn, những cuộc vận động xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa… giữ được thành quả cách mạng và tạo đà cho phát triển.

Thành phố Hồ Chí Minh bước vào giai đoạn mới của đất nước đã chú trọng bám sát thực tiễn, vận dụng sáng tạo quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để tìm tòi, mạnh dạn thử nghiệm nhiều cơ chế, chính sách mới đem lại nhiều thành tựu đối với sự phát triển trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa và xã hội.

Bài 2: Hội tụ sức mạnh của đoàn kết

Bạn đang đọc bài viết "Mãi rực rỡ Thành phố mang tên Bác - Bài 1: Tiên phong mở lối" tại chuyên mục Xã hội. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).