Liên kết sản xuất trở thành lối thoát cho ngành nông nghiệp

18/12/2024 16:30

Trong bối cảnh ngành nông nghiệp đối mặt với nhiều thách thức, liên kết sản xuất không chỉ là giải pháp kinh tế mà còn là con đường bền vững để nâng cao giá trị nông sản Việt Nam.

Doanh nghiệp đồng hành, nông dân nỗ lực

Sáng 18/12, Diễn đàn Doanh nghiệp đồng hành cùng nhà nông và phát triển bền vững năm 2024 đã diễn ra.

Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: "Ngành nông nghiệp và nông thôn bước vào năm 2024 với những thuận lợi và thách thức đan xen, trong đó có yếu tố thiên tai. Đặc biệt, bão số 3 (Yagi) đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành".

Tuy nhiên, toàn ngành đã thống nhất tư duy kinh tế nông nghiệp, tăng cường hội nhập quốc tế, linh hoạt trong chỉ đạo, nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn.

Nhờ đó, ngành nông nghiệp năm 2024 tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao và phát triển toàn diện. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 62,4 tỷ USD, tăng 18,5% so với năm trước, trong khi thặng dư thương mại đạt kỷ lục 18,6 tỷ USD, tăng 53,1%.

Liên kết sản xuất trở thành lối thoát cho ngành nông nghiệp- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến.

Thứ trưởng Tiến bày tỏ kỳ vọng: "Với sự đồng hành của các doanh nghiệp và nỗ lực của bà con nông dân, Việt Nam hoàn toàn có thể đưa ra những giải pháp hiệu quả để xây dựng một nền nông nghiệp bền vững, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn vươn xa ra thế giới".

Bà Huỳnh Bích Ngọc - Tổng Giám đốc Tập đoàn TTC, cũng đưa ra góc nhìn về những khó khăn hiện tại. Theo bà Ngọc, các lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp vẫn còn hạn chế về số lượng doanh nghiệp tham gia cũng như kinh nghiệm thực tiễn. Bà con nông dân đang đối mặt với biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và áp lực cạnh tranh ngày càng lớn trên thị trường.

Lợi đôi đường từ du lịch sinh thái kết hợp nông nghiệp xanh

Để giải quyết những vấn đề này, bà Ngọc nhấn mạnh sự cần thiết của việc Chính phủ duy trì và mở rộng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là bảo vệ ngành đường trước áp lực từ hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc. Đồng thời, cần tăng cường các chương trình hỗ trợ nghiên cứu và phát triển công nghệ trong nông nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh.

"Việc mở rộng các gói tín dụng ưu đãi để bà con nông dân có nguồn vốn đầu tư vào vùng nguyên liệu cũng là một yếu tố quan trọng", bà Ngọc nói.

Ngoài ra, vị này cũng đề xuất khuyến khích mô hình hợp tác công - tư (PPP) như một nền tảng quan trọng để tăng cường liên kết giữa Nhà nước, doanh nghiệp và nông dân, từ đó thúc đẩy sự phát triển toàn diện của ngành mía đường và các lĩnh vực khác.

Liên kết không chỉ là giải pháp kinh tế

Theo ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, ngành chăn nuôi dù đạt được nhiều thành tựu nhưng vẫn chưa thể xuất khẩu sản phẩm, đây là "nỗi đau" lớn của ngành. Chăn nuôi là một trong bốn lĩnh vực trọng yếu của ngành nông nghiệp, đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng. Tuy nhiên, so với các quốc gia khác, thị trường sản phẩm chăn nuôi trong nước còn rất thấp.

Ông Dương chỉ ra rằng: "Ngành chăn nuôi đang đối mặt với những thách thức lớn, bao gồm việc không gian chăn nuôi ngày càng thu hẹp do mật độ dân cư đông đúc". Mật độ vật nuôi ở Việt Nam thuộc nhóm cao nhất thế giới, đứng thứ 6 toàn cầu. Trong khi đó, sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu đang gia tăng nhanh chóng, với mức tăng khoảng 15% mỗi năm, so với mức tăng chỉ 2-3% của sản xuất trong nước.

Dù vậy, ông Dương nhấn mạnh rằng ngành chăn nuôi Việt Nam đang dần chuyển mình theo hướng bền vững và chuyên nghiệp hơn, tạo cơ hội để doanh nghiệp định hướng phát triển, nâng cao giá trị và đáp ứng yêu cầu hội nhập.

Tại sự kiện, ông Lê Văn Quang - Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đã chia sẻ về hai mô hình sản xuất bền vững là "Lúa thơm - Tôm sạch" và "Tôm rừng mangrove - carbon zero". Trong đó, tôm lúa là mô hình kết hợp giữa trồng lúa và nuôi tôm, không sử dụng hóa chất và phân bón, tận dụng tối đa chu trình sinh thái tự nhiên để tiêu diệt mầm bệnh và cung cấp nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm.

Liên kết sản xuất trở thành lối thoát cho ngành nông nghiệp- Ảnh 2.

Ông Lê Văn Quang - Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú.

Tuy nhiên, ông Quang chỉ ra rằng phần lớn nông dân hiện nay chỉ sở hữu diện tích sản xuất nhỏ, khoảng từ 1 đến 2 ha. Điều này gây ra nhiều khó khăn trong việc áp dụng các tiêu chuẩn chứng nhận và truy xuất nguồn gốc, do chi phí thực hiện quá cao. Để khắc phục vấn đề này, ông Quang đề xuất mô hình liên kết hợp tác giữa các hộ nông dân. Thông qua việc tổ chức các tổ hợp tác hoặc nhóm sản xuất lớn, chi phí chứng nhận và truy xuất nguồn gốc sẽ được giảm đáng kể.

Ông Quang nhấn mạnh, liên kết sản xuất không chỉ giúp tăng năng suất và cải thiện chất lượng sản phẩm, mà còn giảm chi phí lao động, tạo điều kiện thuận lợi để các hộ nông dân tiếp cận các chứng nhận sinh thái và hữu cơ. Điều này sẽ nâng cao giá trị sản phẩm, đồng thời mở ra cơ hội lớn hơn cho việc thâm nhập thị trường xuất khẩu.

Đặc biệt, ông khẳng định: "Liên kết không chỉ là giải pháp kinh tế, mà còn là con đường tất yếu để chúng ta xây dựng một ngành nông nghiệp bền vững. Một mình nông dân khó làm được, nhưng khi hợp tác, chúng ta sẽ mạnh lên, cùng nhau vượt qua mọi thách thức".

Để mô hình liên kết lúa - tôm được triển khai thành công, ông Quang kêu gọi sự tham gia và hỗ trợ tích cực từ chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và người nông dân. Sự phối hợp đồng bộ giữa các bên sẽ tạo nên sức mạnh tập thể, giúp vượt qua những thách thức trong quá trình thực hiện.

Liên kết sản xuất trở thành lối thoát cho ngành nông nghiệp- Ảnh 3.

Trong bối cảnh ngành nông nghiệp đối mặt với nhiều thách thức, liên kết sản xuất không chỉ là giải pháp kinh tế mà còn là con đường bền vững để nâng cao giá trị nông sản Việt Nam.

Ông cũng bày tỏ sự lạc quan: "Chúng ta đã thành công với mô hình cánh đồng mẫu lớn cho lúa, vậy tại sao không thể xây dựng những cánh đồng mẫu lớn cho lúa - tôm?".

Thông qua diễn đàn, ông Quang kêu gọi bà con nông dân mạnh dạn liên kết, cùng chung tay nhân rộng mô hình này. Ông khẳng định, khi mô hình được triển khai rộng rãi, chi phí đầu vào sẽ giảm, giúp con tôm có giá trị cạnh tranh cao hơn. Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, mà còn góp phần làm giàu cho người nông dân, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững cho quê hương và đất nước.

Bạn đang đọc bài viết "Liên kết sản xuất trở thành lối thoát cho ngành nông nghiệp" tại chuyên mục Văn hóa - Giáo dục. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).