Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HUBA, trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp bất động sản phải gồng mình hoặc rời khỏi thị trường đối mặt với quá nhiều thách thức do những tác động từ nền kinh tế nội địa, cũng như thế giới. Tuy thị trường biến động khó lường, nhưng nhu cầu vẫn còn rất lớn, nhất là tâm lý người dân luôn mong muốn sở hữu một căn nhà để “an cư lạc nghiệp”, nhất là nhóm đối tượng người trẻ sau khi kết hôn có xu hướng sống riêng và rời khỏi đại gia đình nhiều thế hệ.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa cho rằng, với bối cảnh nhu cầu thị trường rất lớn thì vấn đề đặt ra là doanh nghiệp giải quyết bài toán nguồn cung như thế nào sẽ là yếu tố then chốt tạo bứt phá cho lĩnh vực bất động sản. Trong thời gian qua, Chính phủ và chính quyền địa phương đã vào cuộc với những chính sách tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực bất động sản, tuy nhiên cộng đồng doanh nghiệp cũng cần nhìn lại và định vị chiến lược kinh doanh phù hợp với xu hướng thị trường để nắm bắt cơ hội mới.
Còn một số chuyên gia chỉ ra rằng, giá nhà liên tục tăng trong nhiều năm qua và vượt qua khả năng thu nhập của người dân và có thể chi trả để để sở hữu một sản phẩm bất động sản, nhất là ở những đô thị hiện đại như TP Hồ Chí Minh. Chính vì việc sở hữu nhà trước 30 tuổi của đại đa số người dân trở nên ngày càng khó hơn, nên ngày càng nhiều người trẻ muốn sở hữu nhà đang giảm vì áp lực tài chính.
Thống kê giai đoạn năm 2012 - 2013, giá căn hộ trung cấp tại TP Hồ Chí Minh dao động phổ biến ở mức 22 - 25 triệu đồng/m2, còn đến hiện nay thì giá căn hộ trung cấp tại TP Hồ Chí Minh đã tăng dao động phổ biến ở mức 50 - 65 triệu đồng/m2. Trong khi đó, mức thu nhập của người dân không theo kịp đà tăng giá của bất động sản, mà còn phải đối mặt với mức chi phí sinh hoạt cao khi sinh sống, làm việc tại thành phố lớn.
Liên quan đến giá bất động sản, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam cho hay, chưa có lý do gì để chủ đầu tư, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản giảm giá bán, đồng thời việc tìm câu trả lời cho câu hỏi giá bất động có thể giảm hay không là vấn đề thách thức lớn của thị trường, bởi giá nhà tăng đều 8 - 10%/năm ở nhiều phân khúc khác nhau.
“Để người có nhu cầu thật dễ tiếp cận nhà ở, thì cần không chỉ chính quyền địa phương cần có giải pháp giãn dân, mở rộng vùng đô thị, mà người dân cũng phải chủ động lựa chọn những sản phẩm phù hợp. Cụ thể, tại TP Hồ Chí Minh, nhà đầu tư có thể nhìn thấy nhiều khu vực trung tâm hay gần trung tâm thành phố có giá lên đến 150 - 200 triệu đồng/m2/căn hộ, nhưng ở những khu vực vùng ven thành phố vẫn đang có giá 40 - 50 triệu đồng/m2/căn hộ”, bà Dương Thùy Dung chia sẻ thêm.
Còn ông Phạm Đăng Hồ, Trưởng phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh đánh giá, thị trường bất động sản năm 2024 có phục hồi nhưng chậm, riêng nguồn cung cũng được cải thiện hơn so với những năm 2022 và 2023. Đặc biệt, từ ngày 1/8/2024, khi ba luật đất đai, luật kinh doanh bất động sản, luật nhà ở mới chính thức có hiệu lực... cũng đã và đang cho thấy sự quyết liệt của chính quyền thành phố và các tổ công tác thường xuyên làm việc trực tiếp với doanh nghiệp trên địa bàn để tìm phương án gỡ khó pháp lý cho các dự án bất động sản.
Tại Kỳ họp thứ 20, Hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026, báo cáo mới nhất từ lãnh đạo UBND thành phố, đến nay đã có 34/64 dự án bất động sản đã được tháo gỡ, giải quyết khó khăn, vướng mắc. Thị trường bất động sản TP Hồ Chí Minh có những tín hiệu dần phục hồi, từ mức âm năm 2023 đã tăng trưởng dương những tháng đầu năm 2024. Với những diễn biến dần tích cực, năm 2024 được xem là năm bản lề của thị trường bất động sản Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nền tảng cho giai đoạn tiếp theo từ 2025 sẽ bước sang một thập kỷ 10 năm tiếp theo phát triển.