Lăng kính chứng khoán 7/10: Có nên áp lực trước mốc 1.300 điểm?

07/10/2024 11:00

Theo chuyên gia, nhà đầu tư chứng khoán nên kiên nhẫn và lạc quan, bởi đôi lúc thời điểm tâm lý chán nản lại là cơ hội tích lũy cổ phiếu.

Thị trường chứng khoán tuần qua đã hứng chịu 4/5 phiên giảm điểm, thổi bay mọi nỗ lực tăng điểm của tuần trước đó. Áp lực chốt lời gia tăng mạnh mẽ cũng khiến VN-Index có tới 3 lần kiểm định bất thành ngưỡng 1.300 điểm.

Nhịp điều chỉnh của thị trường còn chịu tác động từ việc tỉ giá liên ngân hàng quay đầu tăng trở lại lên mức 24.750 và lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm tăng vượt mốc 4%.

Các nhân tố chính hỗ trợ thị trường là VPB tăng 1,3%, VCB tăng 6,2% và SSB tăng 2,9%. Ngược lại, VHM giảm 4,4%, CTG giảm 3,8% và VIC giảm 3,5% là các mã gây áp lực lên chỉ số.

Kết tuần, VN-Index giảm 20,32 điểm so với tuần trước, tương ứng 1,57% xuống mức 1.270,6 điểm, HNX-Index giảm 1,29% xuống 236,67 điểm và UPCoM-Index giảm 1,6% xuống mức 92,4 điểm.

Lăng kính chứng khoán 7/10: Có nên áp lực trước mốc 1.300 điểm?- Ảnh 1.

Diễn biến chỉ số VN-Index tuần qua (Nguồn: TradingView).

Dòng tiền vẫn tập trung vào các ngành như ngân hàng, bất động sản và dịch vụ tài chính. Thanh khoản tuần này giảm 4,2% xuống 18.542 tỷ đồng/phiên.

Khối ngoại bán ròng 92,9 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần, trong đó mua ròng 444,7 tỷ đồng trên HoSE, bán ròng 295,1 tỷ đồng trên HNX và bán ròng 242,5 tỷ đồng trên UPCoM.

Cửa "sáng" vẫn còn

Đánh giá về diễn biến tuần qua, ông Bùi Văn Huy – Giám đốc Chi nhánh CTCK DSC cho rằng thị trường chịu áp lực điều chỉnh đến từ cả yếu tố trong và ngoài nước.

Áp lực trong nước đến từ việc thị trường không hút được tiền, không tạo được sự lan tỏa và suy yếu trước ngưỡng cản 1.300 điểm và những lo ngại nhất định khi số liệu PMI được công bố cho thấy đà phục hồi sản xuất bị cản trở do ảnh hưởng của bão Yagi

Về bối cảnh thế giới, chỉ số đồng USD tăng giá trở lại và căng thẳng xung đột ở Trung Đông tác động lên tâm lý nhà đầu tư.

Tuy nhiên, ông Huy cho rằng bối cảnh thị trường tuần tới sẽ "sáng" hơn do có nhiều thông tin hỗ trợ như số liệu kinh tế quý III ghi nhận nhiều điểm tích cực.

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2024 ước tính tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. GDP 9 tháng năm 2024 ước tăng 6,82% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2024 tăng 0,29% so với tháng trước. Tính chung 9 tháng năm nay, CPI tăng 3,88% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,69%.

Nên quên 1.300 điểm đi và tập trung vào danh mục

Đưa ra lời khuyên cho nhà đầu tư trong thời gian tới, chuyên gia từ DSC cho rằng nên kiên nhẫn và lạc quan, bởi đôi lúc thời điểm tâm lý chán nản lại là cơ hội tích lũy cổ phiếu.

"Nhà đầu tư hiện tại nên giữ cân đối tiền/hàng để luôn có thể linh động. Việc giữ khoảng 60% cổ phiếu lúc này là phù hợp và hoàn toàn có thể gia tăng khi thị trường giảm sâu. Nhà đầu tư nên quên 1.300 điểm đi và tập trung vào danh mục của mình", chuyên gia DSC khuyến nghị.

Ông Bùi Văn Huy – Giám đốc Chi nhánh CTCK DSC
Hiện tại nên giữ cân đối tiền/hàng để luôn có thể linh động. Việc giữ khoảng 60% cổ phiếu lúc này là phù hợp và hoàn toàn có thể gia tăng khi thị trường giảm sâu. Nhà đầu tư nên quên 1.300 điểm đi và tập trung vào danh mục của mình.

Theo ông Huy, khi tiền không đủ khỏe, khả năng sẽ có sự luân chuyển dòng dẫn dắt. Ngoài những nhóm ngành có kết quả kinh doanh được dự báo tích có câu chuyện riêng cực như ngân hàng, chứng khoán, bán lẻ, tiêu dùng thì các nhóm được hưởng lợi từ gói kích cầu của nền kinh tế Trung Quốc như thép, cao su cũng nên được lưu tâm.

Còn ông Đinh Quang Hinh - Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường CTCK VNDirect dự báo VN-Index có thể kiểm định vùng hỗ trợ quanh 1.250 điểm (+/- 10 điểm) trong tuần tới.

Ông Hinh kỳ vọng dòng tiền bắt đáy sẽ xuất hiện tại vùng này và chỉ số VN-Index ít khả năng điều chỉnh sâu hơn vùng này.

CPI 9 tháng năm 2024 tăng 3,88%, lạm phát trong tầm kiểm soát

Trong trung hạn, quan điểm tích cực đối với thị trường chứng khoán Việt Nam trong trung hạn từ nay tới cuối năm nhờ chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ trên toàn cầu mới chỉ bắt đầu, NHNN sẽ có thêm dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ, tăng cung tiền trong những tháng cuối năm, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận tích cực của các doanh nghiệp niêm yết trong quý III và quý IV năm nay được thúc đẩy bởi mức nền so sánh thấp trong nửa cuối năm 2023.

Do đó, nhà đầu tư đã kịp chốt lời cổ phiếu tại vùng 1.290-1.300 điểm có thể xem xét giải ngân trở lại, ưu tiên các mã cổ phiếu có triển vọng kinh doanh tích cực và định giá còn hấp dẫn trong những ngành như ngân hàng, bất động sản khu công nghiệp, xuất khẩu (dệt may, thủy sản) và dầu khí.

Bạn đang đọc bài viết "Lăng kính chứng khoán 7/10: Có nên áp lực trước mốc 1.300 điểm?" tại chuyên mục Tài chính - Chứng khoán. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).