Iran nói về “cơ hội thực sự” cho đàm phán hạt nhân với Mỹ

12/04/2025 00:30

Iran vẫn duy trì quan điểm phản đối các cuộc thảo luận trực tiếp với cường quốc số 1 thế giới, nhưng để ngỏ cánh cửa cho các cuộc đàm phán gián tiếp.

Trước thềm cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ vào thứ Bảy (ngày 12/4), Iran cho biết họ đang trao cho ngoại giao một "cơ hội thực sự", sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa hành động quân sự nếu cuộc thảo luận thất bại.

"Chúng tôi dự định đánh giá ý định của bên kia và giải quyết vào thứ Bảy này", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Esmaeil Baghaei cho biết trong một tuyên bố đăng trên X hôm 11/4, một ngày trước cuộc hội đàm.

"Với sự nghiêm túc và cảnh giác, chúng tôi đang trao cho ngoại giao một cơ hội thực sự. Mỹ nên đánh giá cao quyết định này, được đưa ra bất chấp lời lẽ thù địch của họ", ông Baqaei nói thêm.

Mối quan hệ giữa Mỹ và Iran càng trở nên căng thẳng kể từ khi Tổng thống Trump tuyên bố hồi tháng 2 rằng ông sẽ tái áp đặt chiến dịch "gây sức ép tối đa" đối với Tehran để buộc quốc gia Trung Đông từ bỏ tham vọng hạt nhân.

Hôm 7/4, ông Trump đưa ra thông báo bất ngờ rằng Washington và Tehran sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán trực tiếp tại Oman, nơi đã từng làm trung gian giữa phương Tây và Iran trước đây.

Truyền thông nhà nước Iran cho biết, cuộc đàm phán sẽ do Bộ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi và Đặc phái viên Mỹ về Trung Đông Steve Witkoff chủ trì, với sự trung gian của Bộ trưởng Ngoại giao Oman Badr al-Busaidi.

Hôm 9/4, ông chủ Nhà Trắng cho biết, hành động quân sự "hoàn toàn" có thể xảy ra đối với Iran nếu các cuộc đàm phán giữa đại diện của hai bên kết thúc mà không có thỏa thuận nào.

"Israel rõ ràng sẽ tham gia rất nhiều vào việc đó, trở thành người lãnh đạo hành động quân sự đó", ông Trump nói thêm.

Iran nói về “cơ hội thực sự” cho đàm phán hạt nhân với Mỹ- Ảnh 1.

Đặc phái viên Mỹ về Trung Đông Steve Witkoff (trái) và Bộ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi. Ảnh: Yahoo!News

Iran nói rằng chương trình của họ hoàn toàn vì mục đích hòa bình, hợp pháp, nhưng phương Tây nói rằng nó vượt xa mọi yêu cầu dân sự và nghi ngờ Tehran đang chế tạo vũ khí hạt nhân.

Hôm 10/4, một cố vấn cấp cao của nhà lãnh đạo tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei, đã cảnh báo rằng Tehran có thể trục xuất các thanh tra viên giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc để đáp trả "các mối đe dọa bên ngoài".

"Việc tiếp tục các mối đe dọa bên ngoài và Iran đang trong tình trạng bị tấn công quân sự có thể dẫn đến các biện pháp răn đe, bao gồm trục xuất các thanh tra viên của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và chấm dứt hợp tác", Chuẩn đô đốc Ali Shamkhani cho biết trên nền tảng truyền thông xã hội X.

"Việc chuyển các vật liệu làm giàu đến các địa điểm an toàn cũng có thể được xem xét", ông nói thêm, ám chỉ đến hoạt động làm giàu uranium của nước này.

Tại Washington, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Tammy Bruce đã cảnh báo Iran không nên phạm sai lầm.

"Tất nhiên, mối đe dọa về hành động như vậy không phù hợp với tuyên bố của Iran về một chương trình hạt nhân hòa bình", bà nói với các phóng viên. "Ngoài ra, việc trục xuất các thanh tra viên IAEA khỏi Iran sẽ là một sự leo thang và tính toán sai lầm của Iran".

"Hiện tại, đây là một cuộc họp đã được sắp xếp. Nó không phải là một phần của một kế hoạch hay khuôn khổ lớn hơn nào đó. Đây là cuộc họp để xác định xem người Iran có nghiêm túc hay không", bà Bruce nói thêm.

Tuần này, Mỹ cũng đã công bố các lệnh trừng phạt mới nhắm vào chương trình hạt nhân và mạng lưới dầu mỏ của Iran.

Trong những tuần gần đây, Washington cũng đã di chuyển tới 6 oanh tạc cơ B-2 đến một căn cứ quân sự Mỹ-Anh trên đảo Diego Garcia ở Ấn Độ Dương, trong bối cảnh chiến dịch ném bom của Mỹ ở Yemen và căng thẳng gia tăng với Iran.

Năm 2015, Iran đã đạt được một thỏa thuận hạt nhân mang tính bước ngoặt với các cường quốc thế giới, giúp nước này được giảm nhẹ các lệnh trừng phạt quốc tế để đổi lấy các hạn chế đối với các hoạt động hạt nhân của mình do các thanh tra viên của Liên Hợp Quốc giám sát.

Nhưng vào năm 2018, trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận, gọi là JCPOA, và tái áp đặt các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt đối với Iran.

Một năm sau đó, Iran bắt đầu đảo ngược các cam kết theo thỏa thuận và đẩy nhanh chương trình hạt nhân của mình.

Hiện tại, quốc gia Trung Đông này vẫn duy trì quan điểm phản đối các cuộc thảo luận trực tiếp với cường quốc hàng đầu thế giới, nhưng để ngỏ cánh cửa cho các cuộc đàm phán gián tiếp.

Minh Đức (Theo Reuters, Aljazeera)

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Tác động tiềm tàng từ thuế dược phẩm ông Trump đề xuấtTác động tiềm tàng từ thuế dược phẩm ông Trump đề xuất
Tham khảo thêm
Ukraine sẵn sàng trả tiền để “mua” gói viện trợ quân sự tiếp theo của MỹUkraine sẵn sàng trả tiền để “mua” gói viện trợ quân sự tiếp theo của Mỹ

Bạn đang đọc bài viết "Iran nói về “cơ hội thực sự” cho đàm phán hạt nhân với Mỹ" tại chuyên mục Văn hóa - Giáo dục. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).