Hướng về đồng bào nơi bão lũ, lan tỏa tinh thần sẻ chia

15/09/2024 04:15

Bão Yagi (bão số 3) ập đến nước ta với sức tàn phá khủng khiếp, cùng với hoàn lưu của bão đã khiến đồng bằng và vùng núi phía Bắc lũ lụt, sạt lở kinh hoàng. Chỉ trong 1 tuần, các khu vực miền núi phía Bắc hứng chịu nhiều bị thiệt hại nặng nề, cả về người và tài sản.

Chú thích ảnh Hiện trường vụ sạt lở đất khiến 2 người tử vong tại phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Nhìn lại trận bão lũ vừa qua, cũng như sự nỗ lực, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp, về những mất mát của bà con vùng bão lũ, những tấm gương hy sinh, và những nghĩa cử cao đẹp thấm đượm tình dân tộc nghĩa đồng bào, tối 14/9, chương trình "Hướng về đồng bào nơi bão lũ" đã được phát sóng trực tiếp trên kênh VTV1 và livestream trên các nền tảng số của Đài Truyền hình Việt Nam. Chương trình cũng đồng thời kêu gọi sự chung tay đóng góp hỗ trợ, ủng hộ trực tiếp hướng tới những đồng bào đang chịu ảnh hưởng của cơn bão.

Hậu quả nặng nề

Tại chương trình, khán giả đã nghe Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp nhận định về mức độ tàn phá của bão số 3 và hoàn lưu sau bão; công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả bão lũ. 

Có thể nói, bão số 3 và hoàn lưu bão đã gây ra những hậu quả nặng nề, với những hình ảnh, câu chuyện tang thương khiến người dân cả nước bàng hoàng. Đó là câu chuyện chiếc xe khách hơn 30 người ở Cao Bằng bị vùi lấp; cầu Phong Châu (Phú Thọ) sập xuống dòng nước xiết, đặc biệt tại Lào Cai, mưa lũ sạt lở đất đã vùi lấp nhiều nhà dân, trong đó cả một khu Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên), với hàng chục hộ dân bị vùi lấp sau một đêm. Cái tên Làng Nủ giờ đây đã trở thành tên một nỗi đau chung của người dân Việt Nam.

Qua lời chia sẻ của anh Hoàng Văn Diệp, Trưởng thôn Làng Nủ - người trực tiếp chứng kiến trận lũ càn quét khủng khiếp tối 10/9 và cô giáo Hoàng Thị Vân, Giáo viên Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Số 1 Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tất cả đều lặng đi trước nỗi đau quá lớn: Trận lũ đã vùi lấp hơn 30 nóc nhà, trong đó là những người thân, bạn bè, hàng xóm cùng "tối lửa tắt đèn" có nhau cùng anh Diệp. Trong 37 hộ dân, có tới 2 hộ không còn một ai và trong số những người thiệt mạng khi mà lở đất xảy ra, xót xa khi có rất nhiều học sinh, có em chỉ vừa hơn 3 tuổi. Nỗi đau lớn của các cô giáo như cô Vân đang phải đối mặt không phải là điều dễ dàng. 

Chú thích ảnh Lực lượng quân đội triển khai tìm kiếm các nạn nhân mất tích do sạt lở đất tại làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Niềm mong ước của Trưởng thôn Làng Nủ cũng là ước mong của người dân cả nước: Mong sao sẽ sớm tìm được hết những người vẫn còn đang mất tích. Bà con sẽ sớm được tái định cư - ổn định cuộc sống, bởi "an cư thì mới lạc nghiệp". Quỹ Tấm lòng Việt của Đài Truyền hình Việt Nam đã đề nghị và được sự chấp thuận trên nguyên tắc của UBND tỉnh Lào Cai về việc phối hợp cùng tỉnh tham gia tái thiết, xây dựng lại nhà ở cho tất cả 37 hộ dân thôn Làng Nủ. 

Kể từ khi có dự báo về cơn bão Yagi với cường độ rất mạnh, mức độ rủi ro thiên tai lớn, diễn biến phức tạp, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã chỉ đạo toàn bộ hệ thống chính trị các cấp, các lực lượng vào cuộc để cấp bách ứng phó với bão lũ, ưu tiên bảo vệ tính mạng của từng người dân. Trong bão lũ, thiên tai, lực lượng vũ trang luôn là nòng cốt, những người chiến sỹ lao mình trong gió bão, trong lũ dữ để cứu dân giúp dân. Đã có những người đã ngã xuống khi đang thực hiện nhiệm vụ; trong số họ có những người còn rất trẻ như: Thượng úy Nguyễn Đình Khiêm, 27 tuổi, để lại người vợ mới cưới, cha mẹ già trống vắng lúc về chiều...

Tình dân tộc, nghĩa đồng bào 

Thiên tai với sức tàn phá quá lớn vẫn cướp đi sinh mạng của hàng trăm người, phá hủy nhiều cơ sở vật chất. Hơn lúc nào hết, mỗi người con đất Việt đều xót xa trước sự mất mát của đồng bào. Ngay từ đầu tuần, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam đã tổ chức Lễ phát động ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão lũ nhằm phát huy truyền thống đoàn kết, "tương thân tương ái", "thương người như thể thương thân", "lá lành đùm lá rách", kêu gọi đồng bào, chiến sỹ cả nước chung tay ủng hộ.

Chú thích ảnh Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến tiếp nhận bảng tượng trưng số tiền từ các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Tiến sỹ Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội) đã chia sẻ về những câu chuyện về tình dân tộc, nghĩa đồng bào qua tình cảm, hành động của người dân cả nước hướng về bà con nơi bão lũ trong những ngày qua. 

Không chỉ ủng hộ bằng vật chất, những ngày qua, những câu chuyện về việc người dân khắp cả nước cùng chung tay để ủng hộ người dân vùng bão lũ đã được nhắc đến với sự xúc động về nghĩa cử của tình đồng bào thiêng liêng. Đó là câu chuyện của bác tài xế xe ba gác Nguyễn Tiến Hồng, 54 tuổi, đang sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh đã gom hết những đồng tiền lẻ trong túi, được 1,4 triệu đồng gửi đến đồng bào miền Bắc bị ảnh hưởng bởi bão lũ.

Hay, cây chuyện của anh Nguyễn Xuân Tiến, bán vé số ở thị trấn Cửa Tùng tỉnh Quảng Trị, dù gặp khiếm khuyết cơ thể, công việc bán vé số cũng không kiếm được là bao, anh cũng đóng góp 200 nghìn đồng để ủng hộ. Đặc biệt, ở vùng rốn lũ miền Trung, bà con làng Lệ Thủy, Quảng Bình dù còn rất nghèo nhưng vẫn góp sức, hướng về bà con miền núi phía Bắc...

Không chỉ có người dân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài cũng hướng về bà con nơi bão lũ với tinh thần sẻ chia. Cùng với đó, nhiều tổ chức thiện nguyện cũng đã lên đường, chung tay với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các lực lượng chức năng để tổ chức ứng cứu tại chỗ. Đồng thời, trong những ngày qua, Việt Nam đã đón nhận nhiều tình cảm của nhiều quốc gia trên thế giới, cũng như sự quan tâm của nhiều tổ chức quốc tế.

Tình đồng bào - thứ gắn kết, sợi dây nối nhân dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam từ ngàn đời nay, từ thuở khai sinh dựng nước, trải qua bao thăng trầm của thời cuộc, trước giặc nước, rồi giặc bão lũ thiên tai. Càng trong khó khăn, nghĩa đồng bào lại càng keo sơn bền chặt và càng được vun đắp dựng xây thêm vững mạnh. Những người trẻ hôm nay vẫn đang nối tiếp truyền thống dân tộc, bằng trái tim thiện nguyện, sẵn sàng lao vào nơi bão dữ, lũ sâu để kịp thời cứu trợ bà con...

Bạn đang đọc bài viết "Hướng về đồng bào nơi bão lũ, lan tỏa tinh thần sẻ chia" tại chuyên mục Xã hội. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).