Giây phút Giao thừa

22/01/2021 20:50

Trưa hai mươi chín, trước khi đến ăn tất niên tại nhà thầy Huy, Quỳ sửa soạn áo quần tươm tất. Trang điểm một chút. Quỳ không muốn đến nhà thầy dưới bộ dạng của người đàn bà bán ve chai. Xấu cho mình mà cũng làm ảnh hưởng đến thầy. Vì trong buổi tất niên chắc thầy cũng có mời bạn bè khách khứa của thầy.

33757640-224045328182848-3297817056853884928-n-1611301683.jpg

Những ngày cuối năm, bà Chiến dọn dẹp nhà cửa cho sạch sẽ. Một đống ve chai và đồ nhôm nhựa hỏng bà bỏ sẵn trong một cái bao. Nhiều người mua bán ve chai đi qua hỏi nhưng bà không bán. Bà đợi chị Quỳ, người đàn bà trẻ tính nết lại vui vẻ, mua bán thì ít kỳ kèo thêm một bớt hai. Có đồ hư hỏng trong nhà bà thường để dành cho chị Quỳ. Chị Quỳ dáng người thon thả dong dỏng cao. Năm nay khoảng bốn mươi hay lớn hơn một chút. Nhưng cũng khó đoán chính xác, với lứa tuổi ấy mà so với nhan sắc của chị thì đúng là tàn phai hơi sớm, dù khuôn mặt chị còn lưu lại lại nét vẻ khiến người nhìn cũng đoán được hồi còn trẻ trung chị Quỳ là cô gái nhan sắc.

 Hôm nay đã là ngày hai mươi bảy tháng chạp, trưa rồi mà bà Chiến không thấy chị Quỳ đi qua, không biết chị đã nghỉ để chuẩn bị sắm sửa tết nhất chưa. Bà Chiến đang lo không khéo cáí đống rác lại để trôi qua năm mới. Đến giờ nầy có ai hỏi mua thì bà cho không, chẳng phải mua bán gì. Bà cũng đang để dành đợi cho chị Quỳ để chị ta kiếm ít đồng tiêu tết. Bà Chíến đang lo thì chị Quỳ đẩy xe đạp tới. Cuối năm nhà nào cũng tống khứ đồ cũ nên chiếc xe đạp của Quỳ chất cao ngồn ngộn không còn chỗ để ngồi. Quỳ phải đẩy bộ.

-Vậy mà tôi đang lo chị nghỉ tết rồi. Đống nhôm nhựa nầy mà còn sót lại qua sang năm thì ông nhà tôi kiềng riềng dữ lắm đấy.

-Dạ nghề nầy sống nhờ mấy ngày hôm nay cô à. Nghỉ sao được cô. Đến chiều ba mươi mới có chuyến xe rác cuối cùng. Cái gì bán được người ta cũng dành để bán. Có những ngày ba mươi cháu kiếm được cả mấy trăm. Quỳ thành thật tâm sự.

 Quỳ sắp lại hàng hóa trên xe đạp cho gọn để chở thêm. Nhờ bà Chiến giúp một tay cuối cùng đống đồ phế thải nhà bà Chiến cũng được dọn sạch trơn không bỏ sót một cái rác. Do không phải cân đếm nên cũng nhanh. Hai người vừa làm việc vừa trò chuyện.

-Chị Quỳ năm nay mấy tuổi rồi nhỉ.

-Dạ bốn tư  rồi cô. Thêm mấy ngày nữa là bốn lăm.

Quỳ ca cẩm:

- Một đống tuổi trên đầu rồi mà khổ vẫn cứ khổ.  Nói rồi Quỳ thở ra.

-Thấy hoàn cảnh chị tôi cũng thương. Đẹp người đẹp nết mà lấy phải ông chồng chẳng ra sao.

-Dạ cái số em nó khổ cô à.

-Vậy là trong dịp tết nầy anh ấy vẫn chưa được phóng thích à. Anh ta vào tù mấy năm rồi nhỉ?

-Dạ tính đến hôm nay là bốn năm rưởi mấy ngày rồi đấy cô. Trong đợt thăm anh ấy cách đây một tháng nghe nói anh có tên  trong danh sách những phạm nhân được trả tự do trong dịp tết Nguyên đán nầy. Nhưng đến nay vẫn chưa thấy anh về. Chắc đợt nầy chưa được.

Bà Chiến lại thở ra. Quỳ nói:

-Có chậm đi một vài tháng, thậm chí một hai năm cũng được. Điều mà em lo là anh ấy ra rồi liệu có chịu hoàn lương không. Hay là ngựa lại quen đường cũ. Đã vào tù một lần rồi mà anh ấy có chừa đâu. Cái số của em nó khổ cô à. Đúng là bỏ thương, sương nặng.

-Tội nghiệp. Thật tình tôi chẳng biết khuyên chị sao cho phải. Đã vậy thì đành phải chịu vậy chứ biết sao. Đúng là cái nợ kiếp trước chị phải trả.

-Dạ em cũng nghĩ vậy. Cô biết không hồi nhỏ em học giỏi lắm. Cô hỏi thầy thì biết.

-Ủa em có học với ông nhà tôi à.

-Dạ có. Em học với thầy năm mười một. Hồi đó thầy là giáo viên chủ nhiệm của em. Em là học sinh giỏi đấy cô à. Thầy thương em lắm.

-Sao không nghe ông ấy nói gì.

-Dạ bây giờ em thay đổi nhiều quá chắc thầy nhận không ra. Mà gặp thầy em cũng không dám chào. Em thấy xấu hỗ quá.

-Bậy nà. Mình có làm gì sai trái mà phải xấu hỗ. Để tôi vào gọi thầy ra. Gặp học sinh cũ ông ấy mừng lắm.

-Đừng đừng cô. Cứ coi như thầy không biết em. Có vậy em mới dám đến mua đồ của cô. Thầy biết em là cô học trò tên Quỳ năm nào, thầy sẽ thất vọng mà em cũng xấu hỗ lắm. Gặp bạn bè cũ em đều lánh mặt.

-Tội nghiệp. Thật ra em cũng đừng nên mang cái mặc cảm như vậy. Xấu tốt giàu nghèo đều có số phận cả. Chắc gì ai giỏi hơn ai. Em đã có nhan sắc lại học giỏi nếu gặp một ông chồng tử tế thì em có thua ai đâu. Sao em học giỏi vậy mà hồi đó không thi vào một ngành nghề gì. Khi gặp một ông chồng không ra sao thì mình cũng tự đứng vững được.

-Ba em bắt em lấy chồng sớm cô à. Mới hết năm mười một ông ấy đã ép gả em cho con của một người bạn. Gia đình nầy giàu sang. Có cửa hàng cửa hiệu. Ba em cứ nghĩ em vào làm dâu nhà nầy sau sẽ sung sướng.

-Vậy là em bằng lòng à?

-Dạ không cô. Em phản đối dữ lắm. Em nhịn ăn đến mấy ngày. Nhưng tội mẹ em. Mẹ em khóc dữ quá, nói cách nào với cha em ông ấy cũng không nghe. Mẹ em nói thôi để mẹ chết trước rồi con muốn làm gì thì làm. Em không cầm lòng được.

-Ra thế.

-Cô biết không hồi đó em có yêu một người. Cậu ấy cũng là học sinh giỏi, học cùng một lớp nhưng  lại con nhà nghèo. Cậu ấy bảo em bỏ nhà. Hai người vào Sài gòn kiếm việc làm, nhưng vì thương mẹ nên em không bỏ đi được. Trong nhà chỉ có một mình em. Em bỏ đi thì ai săn sóc lo lắng cho mẹ lúc về già! Nên em đành chấp nhận. Cậu ấy tên Nghĩa con của thím Năm, nhà ở cuối phố, chắc cô không biết đâu. Nếu hồi đó em can đảm bỏ theo anh ấy, khổ gì thì khổ nhưng  chắc chắn là không lâm vào hoàn cảnh như bây giờ. Thực tình lấy chồng giàu có lại ở gần cha mẹ mà em có giúp đỡ được  gì  cho mẹ em đâu. Chỉ làm bà đau khổ thêm thì có. Bây giờ cha mẹ mất cả rồi. Chồng con cũng chẳng ra gì. Có nhiều khi em muốn bỏ cái xứ nầy để ra đi. Nhưng giờ thì biết đi đâu. Nói như cô mỗi người có một số kiếp. Cái số của em đã vậy thì chạy trời cũng không khỏi nắng.

Nói xong Quỳ đứng lên: Chiều nay nói chuyện với cô nhiều, thôi em về đây. Cô nhớ đừng nói gì với thầy nhe. Thầy mà biết em thì em không còn mặt mũi nào đi ngang qua trước nhà cô nữa đâu.

-Được rồi. Em đã nói vậy thì cô không kể đâu.

Quỳ vừa đẩy xe được mấy bước thì bà Chiến gọi lại:

-Nầy Quỳ cô còn cái nầy, em coi có bán được cho ai thì lấy về mà bán.

Quỳ chống chân xe đợi bà Chiến . Lát sau bà Chiến trong nhà đi ra khệ nệ ôm một cái TV nhỏ loại 12 inc. Bà nói:

-Cái TV nầy nhỏ quá để lâu trong nhà không còn dùng nữa. Nó còn nét lắm. Em mang về bán được cho ai dùng thì bán không thì bán phế liệu kiếm ít đồng.

-Cảm ơn cô. Nhà em không có TV, thôi để em mang về dùng cũng được. Bao nhiêu cô nói cho em gởi tiền lại.

-Không. Cô chỉ cho không thôi, em lấy về mà xem cho vui.

 Trưa hai mươi tám giáp tết, Quỳ đang dọn dẹp nhà cửa thì có ai đó đi vào trước hiên.

Chết! Ai như cô Chiến, có cả thầy Huy nữa. Vậy là cô đã kể hết về mình cho thầy Huy biết rồi.

-Dạ em chào thầy cô. Mời thầy cô vào nhà. Xin lỗi thầy cô nhà em chật hẹp và không được ngăn nắp. Xin thầy cô thông cảm. Quỳ ngượng nghịu nói.

-Được rồi. Biết thế nên thầy cô mới đến thăm em.

Ngồi trong phòng khách đã được trang trí chuẩn bị đón tết của nhà cô học trò cũ một thời vang bóng, xinh đẹp và học giỏi năm nào không khỏi khiến  thầy Huy mủi lòng. Một chiếc bàn vuông với bốn chiếc ghế cũ kỷ tróc sơn. Mặt bàn được phủ lên một tấm khăn  ny lon rẻ tiền mầu sắc sặc sỡ. Trên bàn là một bình hoa huệ trắng.  Bàn thờ được đóng bằng một tấm ván ép có ảnh của một người đàn ông và một người đàn bà mà thầy Huy đoán chừng là cha mẹ của Quỳ. Thầy hiểu vì sao Quỳ tránh mặt thầy. Đúng là thầy không thể nhận ra cô học trò năm xưa của mình nếu vợ thầy không kể lại. Không biết thì thôi, đã biết rồi thầy không thể không đến thăm nhà cô học trò có hoàn cảnh bi đát như thê nầy, trước là để xóa cái mặc cảm trong lòng cô học trò cũ, sau nữa thầy sẽ có vài lời động viên an ủi người học trò có hoàn cảnh không may mắn nầy. Thầy Huy hỏi thăm tình hình người chồng của Quỳ đang trong trại. Thầy hỏi thăm mức thu nhập qua công việc bán ve chai và đồ phế thải của Quỳ. Thầy an ủi rằng  sông có khúc người có lúc, ăn ở phải thế nào trời cũng thương mà ngó lại. Dù thầy biết rằng chuyện đời không hẳn lúc nào cũng thế. Nhưng điều quan trọng là thầy đã đến đây. Nếu Quỳ thành đạt trong cuộc sống thì chắc chắn thầy sẽ không tìm đến nhà Quỳ trong giờ phút nầy. Hồi làm chủ nhiệm lớp Quỳ thầy cũng biết mối tình giữa Quỳ và Nghĩa. Nếu bà Chiến vợ thầy không kể lại thì thầy không thể nào biết được lí do sao cuộc tình giữa hai người học trò lại trắc trở. Thầy cũng biết hiện giờ Nghĩa đang làm ăn thành đạt lắm. Anh ấy hiện giờ là chủ một xưởng in khá lớn tại thành phố HCM. Nhưng nghe đâu, thầy cũng chỉ nghe qua lời một học sinh cũ của thầy là bạn thân của Nghĩa kể lại, hai vợ chồng Nghĩa đã chia tay sau khi có một con trai. Tết nầy Nghĩa mang con về ăn tết với gia đình. Cách đây mấy hôm thầy có gặp Nghĩa.  Nhưng thầy Huy không kể lại chuyện nầy cho cô học trò cũ nghe, vì biết có nghe cũng chỉ làm Quỳ buồn thêm, chẳng ich chi.

Trước khi ra về thầy Huy nói:

-Trưa mai nhà thầy cúng tất niên, thầy cô mời em đến nhà thầy ăn một bữa cơm thân mật với gia đình thầy nhé.

Quỳ rất cảm động, cô  không ngờ tình cảm của thầy chủ nhiệm năm nào vẫn dành cho mình thắm thiết như vậy.

-Dạ em cảm ơn thầy nhưng có lẽ em không đến được.

Cô Chiến cười nói:

-Không được. Em phải đến. Nếu em không đến, cả nhà cô sẽ cầm đũa ngồi chờ em đấy.

Thầy Huy nói:

-Cô đã nói vậy, em không nên từ chối.

-Dạ vậy thì em đến.

 

                                *

 

ve-tranh-de-tai-ngay-tet-don-giao-thua-1611301657.jpg

Trưa hai mươi chín, trước khi đến ăn tất niên tại nhà thầy Huy, Quỳ sửa soạn áo quần tươm tất. Trang điểm một chút. Quỳ không muốn đến nhà thầy dưới bộ dạng của người đàn bà bán ve chai. Xấu cho mình mà cũng làm ảnh hưởng đến thầy. Vì trong buổi tất niên chắc thầy cũng có mời bạn bè khách khứa của thầy.

Đứng trước cổng nhà thầy Huy nhìn vào, Quỳ thấy trước sân rất nhiều xe máy, có hai chiếc xe con bóng lộn. Trong nhà vang ra tiếng cười nói rộn rã. Chắc đông khách lắm, Quỳ nghĩ vậy rồi định quay xe đạp trở về thì chợt bà Chiến trong nhà chạy ra gọi:

-Quỳ, Quỳ vào đi em. Sao lại đứng ngoài ngõ vậy?

Muộn mất rồi, không thể bỏ về được nữa. Quỳ miễn cưởng đẩy xe đạp vào ngõ. Nhìn cụm xe máy lẫn xe con đủ màu sắc láng bóng trong sân, Quỳ xấu hỗ khi nghĩ mình không giống ai. Nhưng đã đến nước nầy thì không còn cách nào khác. Quỳ mạnh dạn đẩy xe đạp vào và tìm chỗ tựa một gốc cây trong sân. Bỗng trong cửa phòng khách có vài thanh niên bước ra kêu to:

-Chào hoa khôi lớp 11c! Chào học sinh xuất sắc của khối 11 năm nào!

Hốt hoảng lẫn bối rối. Quỳ cúi mặt nhưng vẫn liếc nhìn lên xem họ là ai. Quỳ đã nhận ra vài người. Dũng, Thành… Những học sinh lớp 11c năm xưa. Họ cũng được thầy Huy mời cả.

Quỳ bước vào phòng khách trước những tràng vỗ tay rôm rốp làm cô ngượng ngùng hết chỗ nói.

-Bọn bây đừng nói để coi con Quỳ có nhận ra đứa nào không? Ai đây? Ai đây? Anh đây Quỳ ơi! Nhiều tiếng cười vui nhộn lại vang lên. Quỳ quá bối rối. Nhìn qua từng người. Bây giờ thì cô không còn nhận  thêm ra ai được nữa vì lòng đang rối bời. Bỗng nhiên Quỳ bắt gặp đôi mắt của một người đàn ông đang chăm chăm nhìn mình và cô vội quay nhanh hướng nhìn qua người khác. Vừa lúc thầy Huy đứng dậy, thầy hướng mắt qua Quỳ nói: Hôm ay một số em cựu học sinh 11c năm nào có sáng kiến tổ chức ăn tất niên tại nhà thầy như là dịp để gặp mặt nhau. Và tình cờ thầy đã gặp được Quỳ. Cái kỳ tích nầy không phải của thầy mà là của cô đấy.  Có nhiều tiếng vỗ tay. Dứt tiếng vỗ tay thầy nói tiếp: Lâu ngày các em mới có dịp gặp lại  nhau, còn sớm,các em  cứ hàn huyên tâm sự cho thoải mái rồi sẽ vào tiệc sau.

Trong bữa tiệc các bạn lâu ngày được gặp nhau tha hồ nói cười thoải mái. Có điều là hình như ai cũng biết hoàn cảnh cay nghiệt của Quỳ và mối tình trắc trở giữa Nghĩa và Quỳ nên không ai nhắc đến. Nghĩa cũng tỏ ra vui vẻ với các bạn nhưng rõ ràng không dấu được vẻ buồn thỉnh thoảng hiện lên khuôn mặt mỗi khi anh anh nhìn nhanh qua  Quỳ. Còn Quỳ thì im lặng, ai hỏi gì trả lời đó, suốt cả buổi tiệc không một tiếng cười.

Tiệc tan. Những người đi xe máy ra về trước. Trên sân còn lại một chiếc xe đạp và hai chiếc xe con, một chiếc của Nghĩa chiếc còn lại không biết của ai. Khi thấy xe máy đã rời hết khỏi sân, Quỳ đến chào thầy Huy. Nghĩa đứng dậy và nói:

-Để tôi đưa Quỳ về.

-Cảm ơn anh Nghĩa. Quỳ đi xe đạp.

-Thế thì  Nghĩa sẽ đến thăm Quỳ sau.

-Thôi gặp nhau đây là được rồi. Xe anh vào nhà Quỳ không được đâu.

-Anh sẽ đi xe đạp. Chỗ nào Quỳ đến được thì Nghĩa cũng đến được.

Quỳ ra về rồi. Nghĩa chào thầy Huy.

Nhìn dáng sang trọng của Nghĩa lúc bước lên xe, không biết nghĩ sao thầy Huy thở ra.

      Quỳ nhìn đồng hồ, còn gần một tiếng là đến giờ giao thừa. Trên màn hình đen trắng của chiếc TV 12inc đang phát chương trình phóng sự về những ngày chuẩn bị ăn tết của bà con thuộc một xã vùng trũng  nơi vừa qua đã bị bão lụt tàn phá liên tiếp mấy trận. Quỳ nghĩ đến buổi liên hoan cuối năm của nhóm bạn cũ tại nhà thầy Huy. Nghĩa vẫn khỏe, không thay đổi gì nhiều. Vẫn đôi mắt ấy, vẫn cái nhìn thăm thẳm ấy. Nghĩa nói với mình rằng mình ở đâu anh ấy cũng theo được đến nơi, là có ý gì. Mà ý gì nữa chứ, anh ấy chỉ nói vô tình thôi. Mình chưa có dịp hỏi thăm về chuyện gia đình của Nghĩa. Nghe nói hai vợ chồng đã li hôn. Quỳ cũng buồn. Thực tình Quỳ mong Nghĩa được hạnh phúc.  Mới bước vào đường tình mình đã làm anh ấy đau khổ quá nhiều rồi. Mà thôi, mình lại nghĩ về anh ấy làm gì nữa. Con người ta ai cũng chỉ có một cuộc đời, mà mình thì đã bước qua hơn hai phần ba cuộc đời rồi.

Đã 23 giờ 15 phút.  Quỳ thấy chẳng có hy vọng gì tốt đẹp khi bước qua năm mới, nhưng sao trong lòng lại mong đến phút giao thừa. Hình như đó là tình cảm ăn sâu vào trong lòng mỗi con người. Đúng là còn sống thì vẫn còn hy vọng. Nhưng hy vọng vào điều gì thì chẳng ai biết được.

Có bóng dáng một người xuống xe vào ngõ. Ai vào nhà mình giờ nầy. Tiềm đã được thả về? Không phải. Qua ánh sáng chập chờn của ngọn đèn ở phía cuối đường , một khuôn mặt người đàn ông xuất hiện, nhìn Quỳ mỉm cười.

Nghĩa! Quỳ thảng thốt:                                                                                        

-Sao anh lại đến giờ nầy.

-Xin lỗi anh đã làm em hốt hoảng. Nhưng đến chậm sợ giờ giao thừa qua mất.

-Sao anh phải đến đúng vào giờ giao thừa? Giờ khác đến chơi  không được sao.

-Giao thừa là giờ chuyển tiếp của trời đất, với một niềm hy vọng năm tháng mới sẽ đem lại những điều tốt đẹp cho mọi người. Vì vậy anh phải chọn giờ nầy để đến tìm em.

Quỳ ngần ngại. Qua câu nói đầy ẩn ý của Nghĩa, Quỳ đoán anh muốn đến nói với Quỳ điều gì.

-Em không mời anh vào nhà?

-Mời anh Nghĩa vào.

Trong căn phòng khách chật hẹp, ngọn đèn thước hai sáng trưng. Mùi hoa huệ trên chiếc bình tỏa hương nhè nhẹ. Nghĩa nhìn quanh căn phòng. Quỳ nói:

-Nhà em chật hẹp và tồi tàn lắm.

Im lặng một lát, giọng Nghĩa dịu dàng nói như vừa đủ một mình Qùy nghe:

- Anh tìm hiểu qua bạn bè đã biết được hoàn cảnh của em cũng như người chồng của em. Đúng là mỗi người có một số phận. Nhưng anh nghĩ nếu con người ta biết tìm cách vượt lên số phận thì nhất định cuộc đời sẽ thay đổi.

Quỳ à, xây dựng lại trên  dổ nát là việc làm không dễ dàng gì, nhưng không ai có thể ở đời trên đống tro tàn được. Có khi nào Quỳ nghĩ như vậy không?

Quỳ vẫn lặng thinh, cô không ngăn được giọt nước mắt lăn xuống má. Giọng Nghĩa vẫn nhẹ nhàng:

-Nếu em bằng lòng cùng anh xây dựng lại cuộc đời, chúng ta sẽ bắt đầu những tháng năm mới từ giờ phút nầy.

Quỳ vẫn im lặng. Cô đứng lên, không biết phải làm gì, dù căn phòng đã sáng trưng Quỳ bật thêm một ngọn đèn sáu tấc trước hiên nữa. Ánh sáng càng chói chang. Từ chiếc TV trắng đen đang phát chương trình nhạc mừng xuân, lời hát dịu dàng tha thiết của nam ca sĩ cất lên:  Hãy trả lời lòng anh mấy câu/ Tình duyên với em trong kiếp nào… *

  Còn Tiềm thì sao? Anh ấy đã một lần sa ngã. Nhưng lỡ ra lần nầy Tiềm quyết tâm sửa đổi để làm lại từ đầu, không phải mình lại vấp thêm một sai lầm khác nữa sao?

-Bài hát đã thay lời anh rồi đấy. Hãy nói với anh điều gì đó trước giờ giao thừa đi Quỳ.

-Xin anh hiểu cho em . Em sẽ không còn quyết định nào khác khi Tiềm còn ở trong tù.

-Vậy thì em còn đợi đến bao giờ? Nếu Tiềm không ra, em sẽ đợi đến hết đời sao? Em hãy trả lời thành thật với anh đi. Em lấy Tiềm là do tình yêu của em đối với anh ta hay là do sự ép buộc của gia đình.

Nghĩa nhìn Qùy như đang đợi câu trả lời. Qùy cúi đầu làm thinh, nước mắt vẫn ràn rụa. Nghĩa nói giọng nhẹ nhàng như dỗ dành:

-Đừng có dại dột thế em ạ. Nếu em yêuTiềm thì em có thể đợiTiềm suốt đời, dù lòng cay đắng nhưng anh cũng không trách gì em được. Nhưng đằng nầy em không yêu anh ta và anh ta cũng chẳng hề yêu thương gì em, thì tại sao em có thể đánh đổi cả tuổi thanh xuân của mình cho một điều mà chính mình không lựa chọn. Em nghĩ kỹ lại đi. Quỳ, anh tha thiết mong em suy nghĩ cho kỹ đi. Em khổ vì anh ta như vậy đã quá đủ rồi.

 Nghĩa nhìn quanh ngôi nhà tồi tàn của Quỳ rồi nói tiếp: Em không nên kéo dài kiếp sống đọa đày nầy nhiều hơn nữa.

Bây giờ thì Qùy bật khóc thành tiếng.

-Thôi anh Nghĩa, cứ xem như em đã trọn kiếp sai lầm. Mong anh tha thứ cho em.  Em không thể làm gì để có thể đổi thay số phận của mình…

Qùy định nói thêm điều gì đó  bỗng nghe có tiếng ô tô dừng trước ngõ. Qua ánh đèn từ trong nhà hắt ra Quỳ thấy hai bóng đen từ trên một chiếc xe con nhảy xuống và chạy nhanh vào nhà mình. Hai người đàn ông cao lớn lao thẳng vào nhà. Một người hô lên:

-Tiềm!  Anh trốn trại, chúng tôi được lệnh đến bắt anh.

 Bằng một động tác chuyên nghiệp người kia bẻ quặp tay Nghĩa ra sau lưng đưa còng định khóa lại. Quỳ hốt hoảng la lên: Không phải Tiềm, đấy là anh Nghĩa bạn tôi, đừng còng tay anh ấy.

 Người đàn ông vừa ra lệnh bắt Tiềm nhìn thẳng vào mặt Nghĩa, nhìn qua nhìn lại nhận ra đúng là không phải Tiềm. Anh nầy hỏi: Vậy Tiềm trốn đâu, hai người hãy chỉ ra.

Quỳ giọng run rẫy chưa hết hoảng sợ: Tiềm đang ở trong trại cải tạo chưa về nhà.

 Người đàn ông định còng tay Nghĩa buông anh ra và nói:

-Có người báo Tiềm mới vào nhà cách đây khoảng mươi phút. Nếu hai người không khai ra, chúng tôi buộc phải mời hai người đến đồn công an làm việc.

Vừa lúc đó một bóng đen xuất hiện ngay trước ngưỡng cửa, hắn cất giọng khàn đục:

-Tôi,Tiềm đây. Các anh đừng bắt hai người đó, họ vô tội.

Người đàn ông đang cầm chiếc còng vội xoay người lại, cùng với động tác nhanh nhẹn như lúc nãy anh ta khóa tay Tiềm lại.

-Xin lỗi hai người chúng tôi nhìn không rõ nên đã nhận nhầm. Chúc anh chị đón giao thừa vui vẻ. Anh quay sang Tiềm: Anh Tiềm hãy lên xe cùng chúng tôi.

Bấy giờ Quỳ mới tỉnh hồn, nhìn Tiềm:

- Anh Tiềm! Anh về đây từ lúc nào?

-Anh đứng sau cánh cửa từ nãy giờ. Định vào nhà nhưng thấy hai người đang nói chuyện…

-Sao anh lại trốn trại. Anh không biết làm vậy tội sẽ nặng hơn sao?

-Nhớ em quá, thừa lúc quản trại sơ ý anh trốn về, định thăm em một lát rồi quay trở lại trại. Không ngờ sự việc lại xẩy ra thế nầy. Tiềm quay qua Nghĩa nói: Từ nãy giờ tôi đã nghe hết câu chuyện giữa hai người. Anh Nghĩa,  tôi rất hiểu tấm lòng tốt của anh dành cho Quỳ. Đúng là tôi thật sự không xứng đáng với sự hy sinh của Quỳ. Thôi thì việc nầy cứ để Quỳ tự quyết định. Tôi hứa là sẽ không gây trở ngại gì cho cô ấy.

- Mời anh Tiềm lên xe theo chúng tôi về trại.

Tiềm ngoan ngoản bước lên xe. Tiềm vẫy tay chào Quỳ và nói vói xuống: Em đừng lo. Anh sẽ cố gắng cải tạo để trở thành người tốt. Em cố gắng giữ gìn sức khỏe.

Xe chạy rồi, Quỳ vẫn đứng nhìn vói theo. Một lát Nghĩa hỏi Quỳ:

-Em có tin lần nầy Tiềm quyết tâm thay đổi không?

Quỳ quay sang nhìn Nghĩa. Đắn đo một lát rồi nói:

-Không biết trong lòng anh ấy nghĩ sao, nhưng em thì tin anh ấy sẽ thay đổi.

Đột nhiên Quỳ hỏi Nghĩa:

-Còn anh? Anh có tin Tiềm sẽ thay đổi không?

Nghĩa nói không do dự:

-Anh tin. Lần nầy thì anh tin. Thôi được vậy là anh thực lòng mừng cho em…

Nghĩa định nói thêm điều gì đó nhưng anh ngừng lại, đưa mắt nhìn về cuối phố. Nhiều tiếng nổ lụp bụp, nhiều tia sáng xanh biếc bắn tung lên trong trời đêm: Pháo hoa!

Giây phút giao thừa đã đến!

                                                   Tác giả: Nguyễn Bá Trình

 

*Lời bài hát Mộng chiều xuân của Ngọc Bích.

 

 

Bạn đang đọc bài viết "Giây phút Giao thừa" tại chuyên mục Văn hóa - Giáo dục. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 08 6883 9892) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).