Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TPHCM nhấn mạnh nếu không quan tâm đến chuyển đổi số nghĩa là chúng ta đang tụt hậu. Song, công nghệ suy cho cùng chỉ là công cụ, con người và ý thức là quan trọng nhất.
Ngày 9/11, TPHCM tổ chức Hội thảo vùng Đông Nam Bộ về Chuyển đổi số Giáo dục phổ thông với chủ đề "Khai thác dữ liệu - Kiến tạo giá trị".
PGS.TS Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân (UBND) TPHCM, Trưởng Ban chỉ đạo chuyển đổi số ngành giáo dục TPHCM - nhận định, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm đổi mới phương pháp dạy học, quản lý cũng như nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo (GD&ĐT).
"Trong thời đại hiện nay nếu chúng ta không quan tâm đến chuyển đổi số nghĩa là chúng ta đang tụt hậu. Chính vì vậy, chủ đề hội thảo hôm nay có một ý nghĩa rất quan trọng", ông Đức phát biểu.
Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh để có thể chuyển đổi số thành công là việc không dễ bởi đây không chỉ là vấn đề của công nghệ. Công nghệ suy cho cùng chỉ là công cụ, con người và ý thức là quan trọng nhất.
Do đó, để thực hiện tốt và hiệu quả công tác chuyển đổi số trong giáo dục, phải nhìn rõ bản chất của vấn đề để xác định đâu là mấu chốt, đâu là vướng mắc, từ đó tập trung xây dựng công cụ, cơ chế.
Để tiếp tục giữ vững và nâng cao vai trò đầu tàu kinh tế của vùng, GD&ĐT là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong chỉ số năng lực cạnh tranh của khu vực.
Chuyển đổi số vì vậy luôn được quan tâm và đầu tư như một giải pháp mũi nhọn, là quá trình thay đổi về tư duy, cách thức hành động của cá nhân và vận hành của tổ chức trong hệ thống giáo dục.
Tại TPHCM, nhiều mô hình chuyển đổi số được áp dụng thành công như: Chuẩn hóa dữ liệu toàn ngành, xây dựng kho học liệu số thành công, chuyển đổi số trong dạy học kết hợp, đổi mới kiểm tra, đánh giá, tuyển sinh đầu cấp, quản lý chăm sóc nuôi dưỡng...
Ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM - chia sẻ 10 mục tiêu chuyển đổi số của ngành GD&ĐT đến năm 2025 định hướng 2030.
Song, để chuyển đổi số, ngành giáo dục cũng phải đối diện với rất nhiều thách thức. Ở các vùng miền xa, nhiều giáo viên và phụ huynh vẫn còn giữ tư duy truyền thống về giáo dục, cho rằng việc học trực tiếp ở trường vẫn là hiệu quả hơn so với việc học trực tuyến.
Điều này khiến họ chưa sẵn sàng thay đổi để tiếp nhận các phương pháp giảng dạy, học tập mới. Ngoài ra, nhiều giáo viên không muốn thay đổi cách dạy cũ vì nhiều những khó khăn trong quá trình tiếp cận công nghệ hiện đại.
Việc triển khai hạ tầng công nghệ trong lĩnh vực giáo dục cũng vấp phải những khó khăn mang tính đặc thù của ngành. Tại nước ta, cơ sở hạ tầng giáo dục đã được tăng cường trong những năm gần đây, tuy nhiên khả năng tiếp cận giữa các khu vực và các vùng miền vẫn còn khoảng cách chênh lệch rất lớn.
Các kho tài liệu số khi được thiết lập cũng gặp nhiều khó khăn do hạn chế về kinh phí, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời, nhiều kiến thức được đăng tải nhưng chưa được xác thực, chưa đồng nhất toàn bộ về kiến thức gây lãng phí thời gian, ngân sách.
Bên cạnh đó, một số những quy định pháp lý chuyên về giáo dục chưa được hoàn thiện gây ảnh hưởng tiêu cực đến quyền sở hữu trí tuệ và an ninh thông tin.
Các kiến thức, kinh nghiệm, mô hình chia sẻ tại hội thảo là một bức tranh tổng thể về kiến trúc chuyển đổi số, những giải pháp được dẫn dắt bởi dữ liệu, từ đó các sở GD&ĐT có thể xây dựng chiến lược chuyển đổi số.
Tại hội thảo, sở GD&ĐT các địa phương TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh ký kết hợp tác triển khai các giải pháp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số nhằm mục tiêu xây dựng thành công mô hình giáo dục thông minh và phát triển xã hội số trong lĩnh vực GD&ĐT.
Nguồn: Dân trí