Dôi dư hơn 4.000 trụ sở sau sáp nhập tỉnh

10/05/2025 12:30

Theo Bộ Nội vụ, tổng số trụ sở công cấp tỉnh sau sắp xếp là 38.182. Số lượng trụ sở công dự kiến tiếp tục sử dụng là 33.956 và trụ sở công dự kiến dôi dư là 4.226.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa ký tờ trình gửi Chính phủ về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025.

Tờ trình được trình Chính phủ sau khi cơ quan này thẩm định 23 hồ sơ Đề án UBND của 23 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương - nơi được lựa chọn đặt trung tâm chính trị - hành chính của đơn vị hành chính cấp tỉnh mới.

Dự thảo Đề án của Chính phủ xác định, có 52 đơn vị hành chính cấp tỉnh thực hiện sắp xếp. Trong đó có 4 thành phố: Hải Phòng, Tp.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ và 48 tỉnh.

Dôi dư hơn 4.000 trụ sở sau sáp nhập tỉnh- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà (Ảnh: Media Quốc hội).

Theo tờ trình, về cơ cấu tổ chức bộ máy bên trong các sở, cơ quan sẽ hợp nhất các phòng chuyên môn nghiệp vụ, các chi cục có chức năng, nhiệm vụ tương đồng. Chuyển chức năng thanh tra các sở về Thanh tra tỉnh và tổ chức lại Thanh tra tỉnh.

Giữ nguyên các đơn vị sự nghiệp công lập y tế, giáo dục trên địa bàn. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập khác trực thuộc UBND tỉnh và trực thuộc các sở, cơ quan thì thực hiện theo hướng dẫn của cấp có thẩm quyền.

Theo Bộ Nội vụ, tổng biên chế được giao của 52 tỉnh, thành phố thực hiện sắp xếp là 937.935 người với 37.447 cán bộ, 130.705 công chức và 769.783 viên chức.

Sau sắp xếp, số lượng cán bộ, công chức, viên chức của cấp tỉnh tối đa không vượt quá tổng số cán bộ, công chức, viên chức (số có mặt) của cấp tỉnh trước sắp xếp.

Trong 5 năm, thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ và cơ bản bố trí theo đúng quy định.

Theo tổng hợp của Bộ Nội vụ, tổng số trụ sở công cấp tỉnh của 52 tỉnh, thành phố thực hiện sắp xếp là 38.182. Số lượng trụ sở công dự kiến tiếp tục sử dụng là 33.956. Số lượng trụ sở công dự kiến dôi dư là 4.226 trụ sở.

Sau sắp xếp, HĐND các tỉnh sau sắp xếp thành lập 3 ban gồm: Ban Pháp chế, Ban Kinh tế-Ngân sách, Ban Văn hóa-Xã hội (đối với tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số có thể thành lập thêm Ban Dân tộc).

Dôi dư hơn 4.000 trụ sở sau sáp nhập tỉnh- Ảnh 2.

23/23 đơn vị hành chính cấp tỉnh hình thành sau sắp xếp đều đạt định hướng tiêu chuẩn.

HĐND thành phố trực thuộc Trung ương thành lập 4 ban gồm: Ban Pháp chế, Ban Kinh tế-Ngân sách, Ban Văn hóa-Xã hội và Ban Đô thị.

Đối với các sở, cơ quan tương đương sở thì hợp nhất các sở, cơ quan có chức năng, nhiệm vụ tương đồng.

Đối với một số cơ quan chuyên môn đặc thù thuộc UBND cấp tỉnh (không tổ chức đồng nhất giữa các tỉnh, thành phố cùng thực hiện sắp xếp) thì cơ bản giữ nguyên mô hình tổ chức và chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và biên chế.

Bộ Nội vụ đề xuất UBND cấp tỉnh quyết định lương tối thiểu vùng

Sau sắp xếp, UBND cấp tỉnh tổ chức tối đa 14 sở và tương đương (riêng Tp.HCM tổ chức tối đa 15 sở và tương đương).

Việc bố trí, sử dụng trụ sở, xử lý tài chính, tài sản công sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh sẽ thực hiện theo quy định của Chính phủ về sắp xếp lại, xử lý tài chính, tài sản công và hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Hợp nhất Đoàn đại biểu Quốc hội của các tỉnh, thành phố trước sắp xếp thành Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh, thành phố sau sắp xếp và tiếp tục hoạt động cho đến hết nhiệm kỳ.

Có 11 đơn vị hành chính cấp tỉnh không thực hiện sắp xếp, gồm 10 đơn vị hành chính cấp tỉnh đủ tiêu chuẩn theo quy định: Hà Nội, Huế, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh; một tỉnh chưa đủ tiêu chuẩn nhưng có yếu tố đặc thù là Cao Bằng.

Sau sắp xếp, cả nước có 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh gồm 6 thành phố trực thuộc Trung ương gồm Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ, Tp.HCM và 28 tỉnh gồm: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Lào Cai, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hưng Yên, Ninh Bình, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Gia Lai, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đồng Nai, Tây Ninh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cà Mau, An Giang.

Toàn bộ 23/23 đơn vị hành chính cấp tỉnh hình thành sau sắp xếp đều đạt định hướng tiêu chuẩn của đơn vị hành chính cấp tỉnh theo quy định.

Bạn đang đọc bài viết "Dôi dư hơn 4.000 trụ sở sau sáp nhập tỉnh" tại chuyên mục Văn hóa - Giáo dục. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).