Giáo dục quyền con người ở bậc mầm non

04/02/2025 16:30

Thực hiện quyền trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non trước hết là xây dựng môi trường nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục hướng tới đảm bảo quyền trẻ em.

Nhằm giúp đội ngũ cán bộ quản lí, giáo viên hiểu rõ hơn về những nội dung cơ bản về các nguyên tắc, chuẩn mực về quyền con người đặc biệt là ở bậc mầm non, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã xuất bản tài liệu Hướng dẫn thực hiện giáo dục quyền con người trong cơ sở giáo dục mầm non.

Tài liệu gồm có ba phần:

Phần một: Quyền con người và đảm bảo quyền con người trong cơ sở giáo dục mầm non

Phần này giới thiệu những khái niệm cơ bản về quyền con người, quyền trẻ em; thực hiện quyền con người và giáo dục quyền con người trong cơ sở giáo dục mầm non. Các nội dung về quyền con người đều được soạn thảo dựa trên pháp luật quốc tế (Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người [1948], Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị [năm1966], Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em [1989]); và pháp luật Việt Nam (Hiến pháp, Bộ Luật Dân sự, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Giáo dục, Luật Trẻ em...).

Danh tính nghi phạm đón bé gái rời trường mầm non ở Hải Phòng

Tất cả các văn bản pháp luật ở Việt Nam liên quan đến quyền con người đều nhằm bảo đảm hạnh phúc, công bằng, dân chủ cho công dân Việt Nam và người nước ngoài sống và làm việc tại Việt Nam. Luật Trẻ em ra đời năm 2016 đã tạo hành lang pháp lí quan trọng cho công tác bảo vệ và chăm sóc và giáo dục trẻ em. Tài liệu cũng nêu rõ các hành vi vi phạm quyền trẻ em thường gặp cần phải tránh.

Phần hai: Hướng dẫn thực hiện quyền con người, quyền trẻ em trong cơ sở giáo dục mầm non.

Giáo dục quyền con người trong cơ sở giáo dục mầm non nhằm thúc đẩy sự tôn trọng quyền con người và tự do cơ bản, từ đó ngăn ngừa vi phạm và xâm phạm quyền con người. Các giá trị cơ bản của quyền con người bao gồm: sự tham gia/ảnh hưởng, bình đẳng và không phân biệt đối xử, phẩm giá, tôn trọng, khoan dung, trách nhiệm trong quá trình thực hiện các hoạt động của nhà trường. Đối với các quyền của trẻ em. Đó là quyền được sống, quyền được bảo vệ, quyền được tham gia.

Giáo dục quyền con người ở bậc mầm non- Ảnh 1.

Tài liệu Hướng dẫn thực hiện giáo dục quyền con người trong cơ sở giáo dục mầm non.

Thực hiện quyền trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non trước hết là xây dựng môi trường nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục hướng tới đảm bảo quyền trẻ em. Môi trường này cần đảm bảo các yếu tố như: sự công bằng, an toàn và chất lượng, trẻ em được giáo dục về quyền con người, đội ngũ cốt cán đủ năng lực, có sự tham gia của gia đình và cộng đồng, có sự giám sát và đánh giá.

Để việc thực hiện kế hoạch nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ có chất lượng, các cơ sở giáo dục mầm non cần lường trước các nguy cơ rủi ro và tìm cách loại trừ nguy cơ tiềm ẩn; Tạo sự phối hợp với cha mẹ và cộng đồng; Xây dựng và thực hiện cơ chế phòng ngừa, cảnh báo sớm và xử lí vi phạm quyền con người, quyền trẻ em trong cơ sở giáo dục mầm non.

Trong các chương trình giáo dục của nhà trường, việc tích hợp các nội dung giáo dục quyền trẻ em để đảm bảo trẻ biết được quyền cơ bản và bổn phận của mình. Các hình thức tích hợp được thể hiện thông qua các hoạt động: học; chơi; lao động; đón – trả trẻ; ăn, ngủ, vệ sinh.

Phần Phụ lục:

Tài liệu đưa ra một số gợi ý về kế hoạch giáo dục thực hiện tích hợp giáo dục quyền trẻ em cho trẻ mẫu giáo thuộc các lứa tuổi như: Quyền được phát triển của trẻ (trẻ 3-4 tuổi), Tôi và bạn bè (trẻ 4-5 tuổi), Tình yêu thương (trẻ 5- 6 tuổi). Những gợi ý này chỉ là những nội dung cơ bản, giáo viên cần bổ sung những nội dung chi tiết tùy theo tình huống thực tế để kế hoạch giáo dục thêm sinh động và hấp dẫn.

Tài liệu có giá trị tham khảo bổ ích về giáo dục quyền con người cho các cán bộ quản lí, giáo viên bậc mầm non.

Bạn đang đọc bài viết "Giáo dục quyền con người ở bậc mầm non" tại chuyên mục Văn hóa - Giáo dục. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).