Cựu Thứ trưởng Bộ TN&MT bị cáo buộc gây thiệt hại hơn 800 tỷ đồng

04/02/2025 17:00

Ông Nguyễn Linh Ngọc - cựu Thứ trưởng Bộ TN&MT bị cáo buộc ký giấy phép cho Công ty Thái Dương khai thác đất hiếm tại Yên Bái trái quy định, gây thất thiệt hại hơn 864 tỷ đồng.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa hoàn tất bản kết luận điều tra, đề nghị VKSND Tối cao truy tố 27 bị can trong vụ án khai thác trái phép đất hiếm ở Yên Bái, buôn lậu sang Trung Quốc.

Trong đó, ông Nguyễn Linh Ngọc - cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) bị đề nghị truy tố tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Một số bị can khác tại Bộ TN&MT bị đề nghị truy tố tội danh trên còn có Nguyễn Văn Thuấn - cựu Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản; Hoàng Văn Khoa - cựu Vụ trưởng Vụ Khoáng sản,...

Cựu Thứ trưởng Bộ TN&MT bị cáo buộc gây thiệt hại hơn 800 tỷ đồng- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Linh Ngọc - cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường khi còn đương chức.

Bị can Đoàn Văn Huấn - Chủ tịch Công ty Thái Dương bị đề nghị truy tố về 3 tội danh: Vi phạm quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên, Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng và Gây ô nhiễm môi trường.

Ông Hồ Đức Hợp - cựu Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái cũng bị đề nghị truy tố về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Các bị can còn lại trong vụ án bị điều tra về các tội: Buôn lậu; Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có; Gây ô nhiễm môi trường; Vi phạm quy định kế toán…

Theo kết luận điều tra, năm 2013, một số lãnh đạo, cán bộ Bộ TN&MT có vi phạm trong việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho Công ty Thái Dương

Cụ thể, Công ty Thái Dương được Bộ cấp phép thăm dò đất hiếm tại mỏ Yên Phú (Yên Bái) từ năm 2009. Đến tháng 5/2011, Công ty Thái Dương nộp hồ sơ xin khai thác quặng đất hiếm nhưng chưa được thông qua.

Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ ra chỉ thị, yêu cầu khai thác khoáng sản nhất thiết phải gắn với chế biến sâu. Do đó, Công ty Thái Dương phải lập, bổ sung dự án "Đầu tư xây dựng tổ hợp chế biến sâu đất hiếm" để trình các cơ quan có thẩm quyền thẩm định và xin ý kiến Chính phủ.

Bộ Công Thương đã thẩm định dự án, báo cáo Thủ tướng là khả thi. Bộ TN&MT sau đó được giao thẩm định cấp phép.

Tháng 6/2013, việc cấp phép được thực hiện theo quy định của Luật Khoáng sản năm 2010 nên dự án của Công ty Thái Dương thay đổi cả về quy mô và tính chất, không chỉ có dự án khai thác, tuyển quặng như khi xin cấp phép năm 2011.

Cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương: “Bị cáo nhận trách nhiệm, không chối tội, đổ lỗi cho người khác"Cựu Vụ phó "chi phối" Đoàn kiểm tra để hưởng lợi 14 tỷ đồng thế nào?Từ đơn tố cáo, cựu Vụ phó Bộ Công Thương bị phanh phui nhận hối lộ 14,2 tỷ đồng

Dự án này phải gồm 3 thành phần không thể tách rời là: Khai thác, tuyển quặng; nhà máy thủy luyện Yên Bái; nhà máy chiết tách Hải Phòng.

Tuy nhiên, trong hồ sơ xin cấp phép của Công ty Thái Dương chỉ có giấy chứng nhận đầu tư dự án khai thác, tuyển quặng do UBND tỉnh Yên Bái cấp năm 2011, hết hạn năm 2012.

Chưa kể, vốn chủ sở hữu của Công ty Thái Dương chỉ có 200 tỷ đồng, không đảm bảo tỷ lệ vốn ít nhất bằng 30% tổng số vốn đầu tư của dự án theo quy định tại Luật Khoáng sản năm 2010.

Thế nhưng, nhóm cán bộ Tổng cục Địa chất và Khoáng sản được giao nhiệm vụ thẩm định hồ sơ, đứng đầu là bị can Nguyễn Văn Thuấn biết Công ty Thái Dương không đủ điều kiện nhưng vẫn đề xuất lãnh đạo Bộ TN&MT cấp giấy phép.

Sau đó, ông Nguyễn Linh Ngọc là người ký giấy phép. Quá trình này, cựu Thứ trưởng khai không được hưởng lợi gì từ Đoàn Văn Huấn, nhưng thừa nhận hành vi là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc Công ty Thái Dương khai thác trái phép đất hiếm, gây thất thoát hơn 864 tỷ đồng.

Bạn đang đọc bài viết "Cựu Thứ trưởng Bộ TN&MT bị cáo buộc gây thiệt hại hơn 800 tỷ đồng" tại chuyên mục Văn hóa - Giáo dục. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).