Chỉ còn một tháng nữa để… “phấn đấu”, thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam năm 2019 vẫn chờ thông tin các dự án tạo đột phá, trong khi giải ngân FDI chắc chắn tiếp tục tăng tốc so với các năm trước.
Con số được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố mới đây, 11 tháng đầu năm, cả nước đã thu hút được gần 31,8 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước. Đóng góp cho mức tăng trưởng khá khiêm tốn này chủ yếu là nhờ khoản vốn đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài thông qua góp vốn, mua cổ phần.
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, trong 11 tháng, đầu tư góp vốn, mua cổ phần đạt 11,24 tỷ USD, tăng 47,1% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm 35,4% tổng vốn đăng ký. Trong khi đó, cả vốn cấp mới và tăng thêm đều giảm. Cụ thể, vốn cấp mới đạt 14,68 tỷ USD, giảm 7%; còn vốn tăng thêm đạt 5,87 tỷ USD, giảm 10,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Không quá khó để nhận ra, vì sao cả vốn cấp mới và tăng thêm đều giảm. Phần vì lượng vốn đầu tư không nhỏ được các nhà đầu tư dốc vào Việt Nam theo cách nhanh hơn là góp vốn, mua cổ phần; phần vì 11 tháng qua, không có dự án quy mô lớn nào được cấp chứng nhận đầu tư mới hay điều chỉnh vốn.
Dự án lớn nhất được cấp chứng nhận đầu tư mới là Dự án Tổ hợp vui chơi giải trí đa năng – Trường đua ngựa, vốn đăng ký 420 triệu USD ở Hà Nội. Còn dự án tăng vốn lớn nhất cũng chỉ có quy mô vốn tương tự – Dự án LG Display ở Hải Phòng (410 triệu USD).
Trong khi đó, 11 tháng năm ngoái, có hàng loạt dự án quy mô lớn được cấp chứng nhận đầu tư và điều chỉnh vốn. Chẳng hạn, Dự án Thành phố thông minh ở Hà Nội (gần 4,2 tỷ USD), Dự án Nhà máy sản xuất polypropylene, kho ngầm chứa dầu mỏ hóa lỏng (tổng vốn đăng ký 1,2 tỷ USD) ở Bà Rịa – Vũng Tàu. Ngoài ra, còn có Dự án Laguna Lăng Cô ở Thừa Thiên Huế (tăng vốn thêm 1,12 tỷ USD)…
Năm nay, chưa có bất cứ dự án tỷ USD nào được “xếp hạng” trong danh sách các dự án đầu tư nước ngoài quy mô lớn đầu tư vào Việt Nam.
Bởi thế, câu hỏi đặt ra trong lúc này là, chỉ còn 1 tháng nữa để… “phấn đấu”, liệu đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có đột phá trong năm 2019?
Nhìn lại tình hình thu hút đầu tư những năm gần đây: năm 2017, Việt Nam thu hút được 35,88 tỷ USD, trong đó, phần góp vốn, mua cổ phần là 6,19 tỷ USD; năm 2018, thu hút 35,46 tỷ USD, trong đó phần góp vốn, mua cổ phần là 9,89 tỷ USD; 11 tháng năm nay, con số là gần 32 tỷ USD, trong đó phần góp vốn, mua cổ phần là 11,24 tỷ USD.
Như vậy, bình quân mỗi tháng, Việt Nam thu hút được khoảng 2,9 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. Nếu tỷ lệ này tiếp tục, thì khả năng, cả năm, Việt Nam sẽ thu hút được khoảng 35 tỷ USD, một con số rất đáng ghi nhận trong bối cảnh dòng vốn đầu tư nước ngoài toàn cầu đang dịch chuyển bất định và có xu hướng giảm trong thời gian gần đây.
Thậm chí, không phải là phỏng đoán, nhìn vào động thái Dự án Nhiệt điện BOT Quảng Trị 1 được khởi công cách đây ít ngày, với tổng vốn đầu tư khoảng 2,5 tỷ USD, thì hoàn toàn có thể kỳ vọng có một sự thay đổi đáng kể trong thống kê về thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong năm nay.
Hiện tại, trong kết quả tổng hợp thu hút đầu tư nước ngoài của cả nước, chưa có dự án quy mô tỷ USD nào được nhắc đến. Số liệu thống kê về thu hút đầu tư nước ngoài của tỉnh Quảng Trị cũng cho thấy, Nhiệt điện BOT Quảng Trị 1 chưa được tính đến.
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, 11 tháng qua, Quảng Trị mới thu hút được 20 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài. Còn nếu tính lũy kế, con số là gần 85 triệu USD. Nếu có thêm Dự án Nhiệt điện BOT Quảng Trị 1, tình hình sẽ khác.
Thêm nữa, thông tin gần đây cho thấy, rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang tiếp tục các kế hoạch đầu tư mới và đầu tư mở rộng tại Việt Nam. Chẳng hạn, một “đại gia” Thái Lan vừa công bố Dự án Đầu tư nâng công suất sản xuất tại các nhà máy Bia Sài Gòn – Củ Chi, Bia Sài Gòn – Quảng Ngãi và Bia Sài Gòn – Sóc Trăng. Chưa rõ quy mô vốn tăng thêm là bao nhiêu, nhưng nếu kế hoạch này sớm trở thành hiện thực, thì Việt Nam sẽ có thêm một khoản vốn đầu tư nước ngoài có ý nghĩa.
Và một điều quan trọng, dù vốn đăng ký có thể thăng trầm, song chắc chắn, vốn đầu tư nước ngoài giải ngân sẽ tiếp tục tăng tốc. Năm 2017, vốn đầu tư nước ngoài giải ngân được cho là đã “đạt mức kỷ lục” với 17,5 tỷ USD. Năm 2018, con số tiếp tục tăng lên, với 19,1 tỷ USD. Còn 11 tháng qua, vốn giải ngân đạt 17,69 tỷ USD. Kết quả của cả năm 2019 được cho là sẽ “tích cực” hơn con số 19,1 tỷ USD của năm ngoái.
“Trong 11 tháng, đầu tư góp vốn, mua cổ phần đạt 11,24 tỷ USD, tăng 47,1% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm 35,4% tổng vốn đăng ký”.
Theo ĐT