
Là một trong những hộ dân bị ảnh hưởng do sạt lở, ông Nguyễn Hoài Ơn ở phường Mỹ Ngãi cho biết: Vụ sạt lở làm ông mất phần đất khoảng 200m2 và một số tài sản có trên đất, ăn sâu vào phía sau ngôi nhà của ông. Tính đến nay, vụ sạt lở đã xảy ra hơn 6 tháng. Ông rất mong ngành chức năng sớm triển khai giải pháp khắc phục, phòng tránh sạt lở tiếp tục để gia đình ông an tâm sinh sống.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đồng Tháp, để đề xuất giải pháp khắc phục, xử lý hiệu quả vụ sạt lở, đơn vị đã chủ trì cuộc họp với các sở, ngành liên quan và UBND thành phố Cao Lãnh; phối hợp Viện Kỹ thuật Biển (thuộc Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam) thực hiện khảo sát, đánh giá tình hình, mức độ ảnh hưởng của sự cố đến hệ thống công trình hiện trạng trong khu vực. Sở Nông nghiệp và Môi trường đã trình UBND tỉnh cho chủ trương phương án xử lý khẩn cấp sạt lở bờ sông Tiền thuộc khu vực phường Mỹ Ngãi.
Theo đó, để đánh giá chính xác tình hình sạt lở, phải tiến hành khảo sát địa hình trên cạn và dưới nước; cùng với đó là khảo sát địa chất bằng việc thực hiện 2 hố khoan trên cạn phạm vi bờ sông và một hố khoan dưới nước. Trên cơ sở các phương án đề xuất xây dựng công trình xử lý khẩn cấp của Viện Kỹ thuật Biển cũng như nội dung phân tích ưu nhược điểm của các phương án, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã lựa chọn được phương án để thực hiện khắc phục khẩn cấp đoạn sạt lở nghiêm trọng dài 70 m (đoạn này tiếp giáp với bờ kè Trung đoàn 9).
Về quy mô cụ thể của phương án, phạm vi đường bờ thoải được bảo vệ theo cao trình mặt đất tự nhiên tới mái lòng sông bằng thảm đá dày 30 cm kết hợp vải địa kỹ thuật; phạm vi đường bờ bị sạt cục bộ được bảo vệ bằng lớp vải địa kỹ thuật, phần sạt lở sâu cục bộ được bù bằng đá hộc kết hợp thảm đá dày 30 cm chống xói mặt. Bên cạnh đó, phía mép thảm đá đóng một hàng cọc cây bạch đàn (khoảng cách 30 cm/cọc) nhằm tạo điều kiện cho người dân bảo vệ thêm đường bờ bằng biện pháp căng dây để thả nuôi lục bình (còn gọi là bèo tây) và giữ chân thảm đá.

Tổng mức đầu tư của phương án này dự kiến hơn 2,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây cũng là giải pháp mang tính tạm thời nhằm khắc phục khẩn cấp đoạn sạt lở nghiêm trọng, hạn chế các tác động của dòng chảy, sóng do tàu thuyền vào đường bờ. Để đảm bảo đường bờ không bị sạt lở, về lâu dài, cần có phương án bảo vệ triệt để, đồng thời, trong phạm vi này người dân không được xây dựng các công trình…
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Minh Tuấn chủ trì cuộc họp nghe báo cáo phương án xử lý khẩn cấp khu vực sạt lở nói trên. Ông Huỳnh Minh Tuấn đã giao Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương rà soát, hoàn chỉnh phương án xử lý sạt lở bờ sông Tiền thuộc phường Mỹ Ngãi đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định pháp luật về quản lý xây dựng hiện hành, đảm bảo hiệu quả kinh tế và tính chất nguồn vốn đề xuất đầu tư, trình UBND tỉnh xem xét.
Đồng thời, nghiên cứu đánh giá toàn diện tác động, những nguy cơ mất an toàn tiềm ẩn từ việc chủ động gây bồi lắng bờ sông Tiền (phía đối diện thuộc tỉnh An Giang) đến khu vực sạt lở và các khu vực lân cận; trên cơ sở kết quả nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh Đồng Tháp văn bản gửi UBND tỉnh An Giang cùng phối hợp thực hiện các giải pháp bảo vệ lòng, bờ, bãi sông theo quy định.
Trước đó, vào ngày 4/10/2024, bờ sông Tiền tại khu vực tổ 27, khóm 4, phường Mỹ Ngãi, thành phố Cao Lãnh xảy ra một vụ sạt lở nghiêm trọng, đoạn từ công trình kè Trung đoàn 9 về phía thượng lưu. Phạm vi ảnh hưởng do sạt lở có chiều dài 130m, ăn sâu vào đất liền khoảng từ 20m đến 30m, uy hiếp an toàn tính mạng và tài sản của 23 hộ dân đang sinh sống tại khu vực sạt lở; đe dọa trực tiếp đến công trình kè của Trung đoàn 9. Sau khi xảy ra vụ sạt lở, ngành chức năng và chính quyền địa phương tổ chức trải vải địa kỹ thuật; thả hàng trăm mét khối đá rối (giằng vải địa) nhằm gia cố tạm thời sạt lở. Ngày 9/10/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp ban hành quyết định về việc công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông Tiền tại khu vực nói trên.