ĐHĐCĐ PV Drilling (PVD) đặt mục tiêu lãi sau thuế 530 tỷ đồng năm 2025, kỳ vọng chu kỳ sôi động của thị trường khoan nội địa

23/04/2025 20:16

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 tổ chức sáng ngày 23/04, lãnh đạo Tổng Công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling, HOSE: PVD) đã phác thảo bức tranh kinh doanh năm tới cùng những nhận định về triển vọng ngành khoan dầu khí, đặc biệt là cơ hội lớn từ thị trường trong nước giai đoạn 2025-2030.

Tổng Giám đốc PV Drilling, ông Nguyễn Xuân Cường, nhận định thị trường khoan toàn cầu đang có sự chững lại tại khu vực Trung Đông với khoảng 30 giàn khoan tạm dừng hoạt động. Tuy nhiên, khu vực Đông Nam Á vẫn duy trì sự cân bằng cung - cầu, với tỷ lệ sử dụng giàn khoan đạt mức cao 97%, giúp giá thuê giàn không bị sụt giảm mạnh, một phần nhờ chi phí di chuyển giàn khoan giữa các khu vực rất cao.

Điểm sáng lớn nhất, theo ông Cường, là thị trường khoan dầu khí tại Việt Nam. Giai đoạn 2025-2030 được kỳ vọng sẽ cực kỳ sôi động với hàng loạt dự án quy mô lớn chuẩn bị được triển khai như Lô B - Ô Môn, Đại Hùng Nam, các giai đoạn tiếp theo của Sư Tử Trắng, cùng các phát hiện mới như Hải Sư Vàng, Lạc Đà Hồng.

"5 năm tới, thị trường khoan tại Việt Nam sẽ rất sôi động. Do đó, công ty cần tiếp tục đầu tư giàn khoan mới để đáp ứng nhu cầu", ông Cường nhấn mạnh.

Để đón đầu chu kỳ này, PV Drilling đang có những bước đi cụ thể. Giàn khoan PV Drilling VIII (được đầu tư 45 triệu USD bằng vốn tự có) dự kiến sẽ chính thức hoạt động tại Việt Nam từ tháng 9/2025. Giàn PV Drilling VI được kỳ vọng sẽ quay về phục vụ hợp đồng tại dự án Lô B - Phú Quốc vào giữa năm 2027. Dù giá cho thuê giàn mới chưa đạt kỳ vọng ban đầu, lãnh đạo PVD tin rằng khoản đầu tư hiệu quả này vẫn sẽ mang lại lợi nhuận hợp lý cho cổ đông.

Bên cạnh đó, các giàn khoan hiện tại của PVD vẫn đang hoạt động ổn định tại các thị trường quốc tế như Malaysia, Brunei và Indonesia. PV Drilling tự tin vào lợi thế cạnh tranh của mình với tỷ lệ dừng máy thấp, khả năng vận hành ổn định và đặc biệt là mô hình dịch vụ tích hợp (bao gồm thăm dò địa vật lý, kiểm tra giếng, bơm xi măng và cung cấp nhân lực kỹ thuật). Mô hình này giúp khách hàng tối ưu chi phí và thời gian, điều rất quan trọng trong bối cảnh các nhà thầu thăm dò, khai thác cần tiết kiệm ngân sách. "Điểm mạnh của PV Drilling là không chỉ cung cấp giàn khoan, mà còn cung cấp toàn bộ các dịch vụ kỹ thuật cần thiết để hoàn thành một giếng khoan", ông Cường chia sẻ.

Hiện tại, các giàn khoan từ PV Drilling I đến VI đều đã có nhiều hợp đồng được gia hạn đến năm 2027. Công ty đang tích cực xem xét khả năng mua lại giàn khoan tự nâng thứ 9 từ thị trường thứ cấp để sẵn sàng cho chu kỳ tăng trưởng mới của ngành.

Dù đội giàn khoan phần lớn đã hoạt động 10-15 năm, lãnh đạo PVD khẳng định các thiết bị cốt lõi có thể nâng cấp để tăng tự động hóa và hiệu suất. Ngoài ra, PV Drilling đang mở rộng sang các lĩnh vực dịch vụ mới như can thiệp và sửa giếng, dịch vụ cho các mỏ khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và kỹ thuật giải trừ mỏ - được xem là hướng đi tiềm năng cho giai đoạn hậu khai thác.

Mục tiêu lợi nhuận 2025 sụt giảm so với đỉnh lịch sử, trở lại chia cổ tức tiền mặt

Trong năm 2025, PV Drilling đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất 7.200 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 530 tỷ đồng. Các chỉ tiêu này đều giảm khoảng 25% so với kết quả thực hiện ấn tượng của năm 2024.

Lãnh đạo công ty giải thích mức sụt giảm lợi nhuận kế hoạch là do năm 2024 ghi nhận kết quả đột biến từ các yếu tố đặc thù, và con số 530 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2025 vẫn là một mục tiêu khả quan trong bối cảnh thị trường chung. Mặc dù không công bố chi tiết kết quả quý 1/2025 tại đại hội, PVD cho biết tình hình khả quan hơn dự báo ban đầu. Mảng dịch vụ kỹ thuật giếng khoan, chiếm gần 40% doanh thu năm trước, tiếp tục được xác định là trụ cột chính trong cơ cấu doanh thu năm nay.

Đáng chú ý, PV Drilling dự kiến sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 5% cho năm 2025. Đây là sự trở lại hình thức chi trả cổ tức bằng tiền sau 10 năm gián đoạn, thể hiện sự tin tưởng của ban lãnh đạo vào dòng tiền và triển vọng hoạt động của Công ty.

Do phần lớn hoạt động diễn ra ở nước ngoài, PV Drilling đang nỗ lực hoàn thuế tại Malaysia và Indonesia, với kỳ vọng thu về 15-17 triệu USD trong năm 2025.

Kế hoạch đầu tư năm nay của PVD dự kiến ở mức 2.292 tỷ đồng, tập trung vào các dự án chuyển tiếp và đầu tư thêm giàn khoan tự nâng. Các khoản đầu tư này chủ yếu được tài trợ từ vốn chủ sở hữu, quỹ phát triển khoa học công nghệ và một phần vốn vay.

Đại hội cũng đã thông qua việc miễn nhiệm hai thành viên độc lập HĐQT là ông Văn Đức Tờng và ông Nguyễn Văn Toàn theo đơn từ nhiệm, đồng thời bầu bổ sung ông Trần Văn Hoạt và ông Phạm Xuân Sơn vào vị trí thay thế. Ông Hoạt là người có kinh nghiệm lâu năm tại PVD, trong khi ông Sơn từng giữ vị trí Phó Tổng giám đốc Liên doanh Vietsovpetro với hơn 30 năm kinh nghiệm trong ngành dầu khí.

Bạn đang đọc bài viết "ĐHĐCĐ PV Drilling (PVD) đặt mục tiêu lãi sau thuế 530 tỷ đồng năm 2025, kỳ vọng chu kỳ sôi động của thị trường khoan nội địa" tại chuyên mục Doanh nghiệp. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).