ĐHĐCĐ 2025 PNJ: Lãi kỷ lục năm 2024, dự báo sức mua trang sức giảm do giá vàng tăng nhanh

26/04/2025 17:00

Sáng 26/4, Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025, nhìn lại kết quả kinh doanh ấn tượng của năm 2024 và thảo luận các kế hoạch, chiến lược cho năm 2025 đầy thách thức, đặc biệt là tác động từ diễn biến khó lường của giá vàng.

Năm 2024, PNJ đã ghi nhận cột mốc lịch sử với doanh thu kỷ lục đạt 37.823 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 2.113 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt hơn 14% và 7% so với năm trước. Mảng bán lẻ trang sức tiếp tục đóng vai trò chủ lực, đóng góp hơn 68% tổng doanh thu. Đây là năm thứ ba liên tiếp PNJ duy trì đà tăng trưởng lợi nhuận, cho thấy hiệu quả hoạt động và khả năng thích ứng của doanh nghiệp.

Với kết quả khả quan này, PNJ trình và được cổ đông thông qua mức cổ tức tiền mặt 20% mệnh giá. Công ty đã tạm ứng 6% vào giữa tháng 2/2025 và dự kiến chi trả phần còn lại (14%) trong thời gian tới.

Kế hoạch 2025 thận trọng, đối mặt thách thức giá vàng và sức mua

Bước sang năm 2025, trong bối cảnh thị trường vàng nguyên liệu tiếp tục biến động khó lường và sức mua tiêu dùng có dấu hiệu suy giảm, PNJ đưa ra kế hoạch kinh doanh khá thận trọng. Mục tiêu doanh thu dự kiến đạt hơn 31.600 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 1.960 tỷ đồng, giảm lần lượt 17% và 7% so với thực hiện năm 2024.

Lý giải về sự điều chỉnh giảm mục tiêu này, ông Lê Trí Thông, Tổng Giám đốc PNJ, chia sẻ tại Đại hội: "Từ năm 2024 đến nay, giá vàng đã tăng rất nhanh, vượt ngoài dự báo của các chuyên gia phân tích. Nhiều người nghĩ rằng giá vàng tăng thì PNJ hưởng lợi, nhưng PNJ là doanh nghiệp bán lẻ trang sức, vàng là yếu tố đầu vào để chế tác. Giá vàng tăng quá nhanh làm sức mua trang sức bị giảm vì giá sản phẩm tăng theo, trong khi túi tiền người tiêu dùng không tăng nhanh kịp".

Ông Thông phân tích thêm, giá vàng tăng mạnh còn khiến tâm lý nhà đầu tư chuyển sang mua tích trữ thay vì bán ra, làm nguồn cung vàng vãng lai trên thị trường suy giảm đáng kể. Điều này cùng với quy trình kiểm tra, xác thực khách hàng chặt chẽ hơn cũng làm giảm tỷ lệ người mua bán.

Bà Trần Phương Ngọc Thảo, Phó Chủ tịch HĐQT, cũng giải thích thêm về việc không cập nhật kết quả kinh doanh theo tháng như trước đây. Bà cho rằng, các chỉ số tài chính, như biên lợi nhuận gộp, có sự biến động mạnh do PNJ hoạt động đa mảng (vàng miếng, bán lẻ, tài chính chuyên sâu), mỗi mảng có đặc thù riêng. Việc đánh giá theo tháng dễ gây hiểu lầm và ảnh hưởng tiêu cực đến giá cổ phiếu. Do đó, cổ đông nên nhìn vào kết quả theo quý hoặc năm để có góc nhìn toàn diện và chính xác hơn.

Đối sách quản lý rủi ro giá vàng và chiến lược sản phẩm mới

Trước biến động giá vàng, PNJ khẳng định không phải là nhà đầu cơ mà tập trung vào giá trị gia công thiết kế và thương hiệu. Công ty quản trị rủi ro bằng cách cân đối dòng vào - dòng ra của nguyên liệu, áp dụng phương pháp trung bình giá tồn kho và điều chỉnh giá bán sản phẩm khi cần thiết để bảo vệ khách hàng.

Về nguồn nguyên liệu, Tổng Giám đốc Lê Trí Thông thừa nhận việc thu mua vàng nguyên liệu năm nay gặp khó khăn hơn, quy trình sản xuất phải dài hơn do phải thu mua và tái chế trang sức cũ. Điều này làm tăng chi phí, ảnh hưởng đến biên lợi nhuận và chi phí tài chính tồn kho. Chủ tịch Cao Thị Ngọc Dung nhấn mạnh, việc cân đối tồn kho vàng là một kỹ năng, thậm chí là "bí kíp", đòi hỏi sự nhạy bén, kinh nghiệm và khả năng "cảm nhận thị trường" ngoài số liệu.

Để giảm sự phụ thuộc vào giá vàng nguyên liệu, PNJ đẩy mạnh phát triển các dòng sản phẩm ít chịu ảnh hưởng bởi giá vàng như dòng accessories (phụ kiện thời trang) Style by PNJ. Đây là các sản phẩm có hàm lượng thiết kế và thời trang cao, nhắm đến tập khách hàng khác biệt. Tốc độ tăng trưởng của nhóm này được ghi nhận khá tốt.

Bên cạnh đó, PNJ đang chuyển mình từ công ty trang sức sang công ty lifestyle. Công ty đã ra mắt nhãn hàng trang sức nam Mancode vào cuối năm 2024 và nhận tín hiệu tích cực với tốc độ tăng trưởng gấp 3 lần các dòng sản phẩm khác. PNJ dự kiến hợp tác với các startup để tiếp cận các thương hiệu thời trang cao cấp quốc tế, mở rộng danh mục sản phẩm lifestyle, bao gồm cả Mancode và các sản phẩm hợp kim, công nghệ nhẹ.

Mở rộng hệ thống và các phương án tài chính

Trong năm 2025, PNJ có kế hoạch mở mới khoảng 12 đến tối đa 25 cửa hàng, tùy thuộc vào diễn biến sức mua. Kịch bản thuận lợi sẽ ưu tiên mở cửa hàng ở vùng thành thị lân cận TP.HCM.

Về mặt tài chính, HĐQT trình và được cổ đông thông qua phương án phát hành hơn 3,2 triệu cổ phiếu ESOP (tương đương 0,96% số cổ phiếu lưu hành) với giá 20.000 đồng/cp nhằm ghi nhận đóng góp của nhân sự chủ chốt. Cổ phiếu ESOP sẽ bị hạn chế chuyển nhượng theo lộ trình 12, 24 và 36 tháng. Sau đợt phát hành này, vốn điều lệ của PNJ dự kiến tăng lên hơn 3.413 tỷ đồng.

Đại hội cũng thông qua chủ trương mua lại tối đa 8 triệu cổ phiếu (tương đương 2,5% tổng số cổ phiếu đang lưu hành) để giảm vốn điều lệ. Ban lãnh đạo PNJ cho biết đây là biện pháp dự phòng, nhằm bảo vệ lợi ích cổ đông trong bối cảnh thị trường chứng khoán có thể biến động phức tạp. Tổng Giám đốc Lê Trí Thông khẳng định công ty có thể hành động kịp thời mà không cần chờ ĐHĐCĐ bất thường nếu giá cổ phiếu xuống dưới mức đánh giá làm mất đi giá trị cổ đông.

PNJ nhận định năm 2025 là "khúc quanh tích lũy" giống như giai đoạn 2019-2021, nơi "trong nguy có cơ". Do đó, công ty sẽ tập trung đầu tư dài hạn để gia tăng thị phần, nâng cao vị thế cạnh tranh, củng cố chuỗi cung ứng và mở rộng sang các ngành hàng mới theo chiến lược đến năm 2030, thay vì chỉ chú trọng lợi nhuận trước mắt.

Kết thúc Đại hội, tất cả tờ trình đều được cổ đông thông qua.

Bạn đang đọc bài viết "ĐHĐCĐ 2025 PNJ: Lãi kỷ lục năm 2024, dự báo sức mua trang sức giảm do giá vàng tăng nhanh" tại chuyên mục Doanh nghiệp. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).