Cột mốc mới quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Saudi Arabia

28/10/2024 21:00

(Chinhphu.vn) - Trong thời gian tới, với đà phát triển mới của mối quan hệ chính trị - ngoại giao, sự mở rộng của các hoạt động giao lưu nhân dân, cũng như nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp hai nước, hợp tác trong đầu tư, thương mại Việt Nam - Saudi Arabia sẽ có nhiều bước phát triển đáng kể, mang lại lợi ích thiết thực cho cả doanh nghiệp và người dân hai nước.

Cột mốc mới quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Saudi Arabia- Ảnh 1.

Đại sứ Việt Nam tại Saudi Arabia Đặng Xuân Dũng

Nhân chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị Sáng kiến Đầu tư Tương lai lần thứ 8 và thăm làm việc Vương quốc Saudi Arabia trong hai ngày 29 và 30/10, Đại sứ Việt Nam tại Saudi Arabia Đặng Xuân Dũng đã có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí về ý nghĩa chuyến thăm, các thế mạnh trong lĩnh vực hợp tác cũng như cách thức tăng cường quan hệ song phương.

Xin Đại sứ cho biết nội dung và ý nghĩa chuyến thăm Saudi Arabia lần này của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính? Các hoạt động và nội dung làm việc của Thủ tướng Chính phủ tại Saudi Arabia sẽ có những điểm nổi bật gì?

Đại sứ Đặng Xuân Dũng: Ngày 29-30/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân sẽ tham dự Hội nghị Sáng kiến Đầu tư Tương lai lần thứ 8 (FII8) và thăm làm việc Saudi Arabia. Chuyến thăm diễn ra vào thời điểm khá đặc biệt vì tháng 10 là tháng Việt Nam và Saudi Arabia kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao song phương. Đây cũng là chuyến thăm thứ hai của người đứng đầu Chính phủ ta tới Saudi Arabia trong vòng 12 tháng. Điều này cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ đối với việc tăng cường quan hệ với Saudi Arabia nói riêng và với các nước trong khu vực nói chung, đồng thời phản ánh mong muốn, kỳ vọng của phía bạn trong quan hệ hợp tác với Việt Nam. Tôi cho rằng chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ là cột mốc mới quan trọng trong quan hệ song phương và chắc chắn sẽ tạo nên xung lực mới giúp thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ giữa hai nước thời gian tới.

Các hoạt động của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến thăm lần này khá dày đặc, tập trung vào những định hướng, biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ đầu tư, kinh tế, lao động… giữa hai nước. 

Một trong những hoạt động quan trọng hàng đầu của Thủ tướng Chính phủ tại Saudi Arabia là tham dự và phát biểu tại Hội nghị Sáng kiến Đầu tư Tương lai lần thứ 8 (FII8) về triển vọng hợp tác kinh tế, đầu tư giữa Việt Nam và khu vực Trung Đông. Trong khuôn khổ chuyến thăm, dự kiến Thủ tướng hai nước sẽ trao đổi về việc mở rộng hợp tác song phương trên mọi lĩnh vực, bao gồm lĩnh vực kinh tế - thương mại, hợp tác lao động, lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), chuyển đổi số, giao lưu nhân dân, văn hóa, du lịch… Một số Bản ghi nhớ và văn kiện dự kiến ký kết nhân chuyến thăm sẽ góp phần hoàn thiện khung pháp lý cho quan hệ song phương phát triển thuận lợi hơn. Ngoài ra, các bộ, ngành, doanh nghiệp hai bên sẽ có nhiều cơ hội làm việc, kết nối với nhau một cách hiệu quả, thực chất. Tôi tin rằng chuyến thăm lần này của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ mở ra nhiều khía cạnh hợp tác mới trong quan hệ song phương thời gian tới.

Đại sứ đánh giá thế nào về triển vọng hợp tác giữa Việt Nam và Saudi Arabia trên các lĩnh vực? Đâu là thế mạnh để hai nước tiếp tục đẩy mạnh trong thời gian tới?

Đại sứ Đặng Xuân Dũng: Tôi cho rằng hai nước còn nhiều dư địa phát triển, nhất là trong các lĩnh vực chính trị - ngoại giao, thương mại, đầu tư, năng lượng, lao động. Như tôi đề cập ở trên, những văn kiện trong các lĩnh vực năng lượng, kinh tế, hợp tác lao động… được ký kết nhân chuyến thăm này sẽ tạo thêm khuôn khổ pháp lý cho quan hệ song phương phát triển thuận lợi hơn thời gian tới. Saudi Arabia hiện là một trong những đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Trung Đông, với kim ngạch thương mại song phương năm 2023 đạt gần 2,7 USD. Trong 9 tháng đầu năm nay, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 2,21 tỷ USD, trong đó Việt Nam đã xuất siêu trên 140 triệu USD.

Tôi kỳ vọng rất nhiều vào hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Saudi Arabia trong tương lai. Các thỏa thuận cụ thể đã và sẽ đạt được sẽ giúp tăng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thủy sản, thực phẩm, hàng may mặc, nội thất, thủ công mỹ nghệ vào thị trường, đặc biệt là các sản phẩm công nghệ có tính ưu việt, đột phá. Doanh nghiệp Việt Nam đang ngày càng quan tâm và chủ động hơn trong việc tìm kiếm bạn hàng, đầu ra cho sản phẩm của mình ở thị trường Saudi Arabia. Nhiều doanh nghiệp còn trực tiếp sang địa bàn để quảng bá, xúc tiến giới thiệu sản phẩm, tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế… ở sở tại để lên kế hoạch thâm nhập và phát triển thị phần tại thị trường đầy tiềm năng này.

Thưa Đại sứ, hai nước cần thúc đẩy các cơ chế hợp tác cụ thể nào để có thể tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế và thương mại song phương?

Đại sứ Đặng Xuân Dũng: Hiện nay, Việt Nam và Saudi Arabia đã có các cơ chế hợp tác cơ bản để rà soát và thúc đẩy quan hệ song phương như Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác Kinh tế, Khoa học và Kỹ thuật, Tham vấn chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao. Những cơ chế này thời gian qua đã đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường quan hệ giữa hai nước trong các lĩnh vực hợp tác như chính trị - ngoại giao, thương mại, đầu tư, khoa học và kỹ thuật, lao động, du lịch…

Ngoài Hiệp định tránh đánh thuế hai lần đã có, Việt Nam và Saudi Arabia đã và đang tiếp tục hoàn thiện và củng cố các cơ chế hợp tác, các hiệp định và bản ghi nhớ ở cấp chính phủ cũng như cấp bộ, ngành nhằm hoàn thiện hơn nữa khung pháp lý cho quan hệ song phương, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho địa phương và doanh nghiệp trong hợp tác kinh tế thương mại với Saudi Arabia.

Thực tế là hợp tác trong lĩnh vực kinh tế và thương mại là một trong những điểm sáng trong quan hệ hai nước. Hiện Bộ Công Thương là đồng Chủ tịch Ủy ban Hỗn hợp song phương nên có vai trò khá quan trọng trong việc đề ra định hướng phát triển hợp tác trong lĩnh vực này, đồng thời định kỳ rà soát, giám sát việc triển khai những biện pháp thực hiện cụ thể để thúc đẩy mạnh mẽ hơn hợp tác song phương, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển ngành Halal tại Việt Nam theo Đề án "Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030". Tuy nhiên, tôi cho rằng để có thể tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế và thương mại song phương, ngoài các cơ chế hiện có, chúng ta cần xem xét việc lập thêm các cơ chế hợp tác khác, chẳng hạn như thành lập Hội đồng Kinh doanh Việt Nam - Saudi Arabia, nơi các doanh nghiệp hai bên hoạt động trong cùng lĩnh vực có thể trực tiếp kết nối, tìm hiểu cơ hội đầu tư và hợp tác.

Tôi tin tưởng trong thời gian tới, với đà phát triển mới của mối quan hệ chính trị - ngoại giao, sự mở rộng của các hoạt động giao lưu nhân dân, cũng như nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp hai nước, hợp tác trong đầu tư, thương mại Việt Nam - Saudi Arabia sẽ có nhiều bước phát triển đáng kể, mang lại lợi ích thiết thực cho cả doanh nghiệp và người dân hai nước.

Theo TTXVN


Bạn đang đọc bài viết "Cột mốc mới quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Saudi Arabia" tại chuyên mục Tin tức - Thời sự. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).