Trả lời phỏng vấn Báo Điện tử Chính phủ, Đại sứ Brazil tại Việt Nam Marco Farani cho biết, Tổng thống Lula da Silva đã mời Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20, nhân dịp Thủ tướng Việt Nam thăm chính thức Brazil vào tháng 9 năm ngoái.
G20 là diễn đàn hợp tác kinh tế quốc tế đầu tiên, được ra mắt vào năm 1999 và kể từ đó diễn đàn này đã trở thành một cơ chế hợp tác kinh tế mạnh mẽ, gắn kết các nền kinh tế lớn nhất thế giới lại với nhau thông qua đối thoại và tăng cường hiểu biết. Các thành viên G20 đóng góp 85% GDP thế giới, 75% thương mại toàn cầu và 2/3 dân số thế giới.
Năm nay, Brazil đảm nhận vai trò Chủ tịch G20 với chủ đề "Xây dựng một thế giới công bằng và một hành tinh bền vững". Chủ đề này phản ánh mối quan tâm lớn đến sự phát triển bền vững của các nền kinh tế và đặc biệt là việc giảm bất bình đẳng xã hội trên thế giới.
Tại Hội nghị lần này, Brazil đã đề xuất ba trụ cột thảo luận chính bao gồm, hòa nhập xã hội và cuộc chiến chống đói nghèo; chuyển đổi năng lượng và phát triển bền vững; và cải cách thể chế và quản trị toàn cầu.
Chính phủ Brazil đánh giá cao và ngưỡng mộ sự năng động về kinh tế của Việt Nam, sự tích cực hội nhập thị trường quốc tế thông qua việc ký kết các hiệp định thương mại tự do và đóng góp tích cực của Việt Nam vào các vấn đề lớn của chương trình nghị sự quốc tế, ông Marco Farani bày tỏ.
"Việt Nam là một tấm gương về khả năng phục hồi kinh tế, tiến bộ và đổi mới; sự hiện diện của Việt Nam tại diễn đàn G20 lần này là vô cùng cần thiết", Đại sứ Marco Farani nhấn mạnh.
Ông Marco Farani bày tỏ tin tưởng tại Hội nghị Thượng đỉnh G20, Việt Nam sẽ có những đóng góp và giải pháp quan trọng cho các vấn đề trọng tâm tại các cuộc thảo luận năm nay trong lĩnh vực kinh tế và xã hội.
Theo Đại sứ, những kinh nghiệm của Việt Nam trong việc phục hồi và tái thiết kinh tế trong nhiều năm qua có thể đóng góp vào những giải pháp nhằm đối phó với những thách thức và khủng hoảng tác động đến sự phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là tại các nền kinh tế Nam bán cầu.
"Việt Nam đã trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á, tự chủ về sản xuất lương thực, nâng cao mức thu nhập của người dân và nỗ lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng. Trên trường quốc tế, Việt Nam đã tích cực tham gia các tổ chức đa phương và nhất quán bảo vệ giải pháp hòa bình cho các xung đột dựa trên các nguyên tắc của khuôn khổ luật pháp quốc tế", ông Marco Farani chia sẻ.
Thêm vào đó, việc Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 thể hiện cam kết của Việt Nam đối với các vấn đề có tầm quan trọng lớn như tính bền vững, giảm nghèo và phân quyền công bằng hơn trên thế giới. Chính phủ Brazil đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam trong việc giải quyết những vấn đề này.
Trụ cột hợp tác chiến lược trong quan hệ Việt Nam - Brazil
Đề cập tới điểm nhấn trong quan hệ song phương Việt Nam - Brazil, Đại sứ cho biết, năm nay, hai nước Việt Nam, Brazil kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Đây là chuyến thăm lần thứ hai của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Brazil trong vòng hai năm qua, điều này cho thấy hai nước ngày càng thúc đẩy xây dựng niềm tin lẫn nhau. Chuyến thăm lần này tái khẳng định những triển vọng tích cực để làm sâu sắc hơn quan hệ song phương trong các lĩnh vực hợp tác quan trọng.
Ông Marco Farani cho rằng, trong những năm qua, mối quan hệ giữa Việt Nam và Brazil phát triển nhờ các cuộc đối thoại mang tính xây dựng và hài hòa. Gần đây, việc tăng cường trao đổi các chuyến thăm cấp cao tạo ra những động lực mới cho quan hệ hai nước với việc nhiều thỏa thuận hợp tác trên một số lĩnh vực như giáo dục, nông nghiệp, quốc phòng... được ký kết.
Ngoài ra, hai nước cũng đã phối hợp tổ chức các hội thảo đa ngành trong lĩnh vực thương mại và đầu tư. Phối hợp thực hiện các hoạt động văn hóa để kỷ niệm 35 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, góp phần đưa các dân tộc và nền văn hóa của hai quốc gia đến gần nhau hơn.
Việt Nam và Brazil còn nhiều dư địa để tiếp tục làm phong phú và đa dạng hợp tác song phương. Cả hai nước đều có nền kinh tế và chính sách ổn định, tỉ lệ lạm phát thấp, tỉ lệ việc làm cao và đều đưa ra cam kết đổi mới, môi trường bền vững và hòa nhập xã hội.
Thương mại song phương đạt 7,1 tỷ USD và có triển vọng đạt 10 tỷ USD vào năm 2030. Hai nền kinh tế có những điểm tương đồng nhưng cũng có tính bổ trợ cao, giúp thu hút đầu tư vào nhiều lĩnh vực và tăng triển vọng để tìm kiếm những cơ hội hợp tác mới.
Đại sứ Marco Farani hy vọng, thời gian tới, Việt Nam và Brazil sẽ thúc đẩy hợp tác trên ba lĩnh vực chiến lược bao gồm, sản xuất lương thực; chuyển đổi năng lượng và khoa học công nghệ; và an ninh và quốc phòng./.
Thùy Dung