Việt Nam đang phải đối mặt với việc hội nhập sâu rộng, theo đó, trong cuộc cách mạng 4.0, Việt Nam thực tế đi chậm sâu hơn các nước trong khu vực từ 2 đến 3 thế hệ của công nghệ trong công nghiệp hoá, cơ khí chế tạo chậm phát triển.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thừa nhận, Việt Nam đi chậm hơn các nước trong khu vực từ 2 đến 3 thế hệ của công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Trả lời chất vấn của đại biểu về phát triển công nghiệp cơ khí chế tạo sáng 7/11, Bộ trưởng Công Thương, Trần Tuấn Anh cho biết, xuất phát điểm thấp là một trong những lý do khiến Việt Nam chưa phát triển được ngành cơ khí chế tạo.
Bộ trưởng thẳng thắn thừa nhận, chưa đạt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Lý do là ngành công nghiệp và công nghiệp cơ khí có xuất phát điểm quá thấp so với mặt bằng chung các nước.
Hơn nữa Việt Nam đang phải đối mặt với việc hội nhập sâu rộng. Trong cuộc cách mạng 4.0, Việt Nam đi chậm hơn các nước trong khu vực từ 2 đến 3 thế hệ của công nghệ trong công nghiệp hoá.
Việt Nam cũng chưa xây dựng và thiết lập được một hệ sinh thái khởi nghiệp cho các ngành sản xuất vật chất, trong đó các ngành công nghiệp. Ngay khâu đào tạo nhân lực còn hạn chế, doanh nghiệp chưa có điều kiện tiếp cận được với thị trường thuận lợi.
Một trong những nguyên nhân khó khăn nhất của chúng ta trong phát triển công nghiệp hỗ trợ là doanh nghiệp của chúng ta phần lớn là nhỏ và vừa.
Theo đó, các doanh nghiệp này có sự hạn chế về tất cả các điều kiện tiếp cận thị trường dù rõ ràng là có thị trường để tiếp cận như: Các dự án, các công trình hạ nguồn và các ngành công nghiệp hạ nguồn, trong đó có tuyến đường sắt Bắc – Nam cho các ngành công nghiệp cơ khí chế tạo của chúng ta, hay trong lĩnh vực về vận tải biển, thậm chí trong các lĩnh vực về khai thác các nguồn tài nguyên biển…
Câu chuyện về cơ khí chậm phát triển, tụt hậu đã được nhắc đến nhiều trong những năm qua. Mới đây, tại “Hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành cơ khí Việt Nam” do Bộ Công Thương tổ chức, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tiếp tục nêu thực trạng buồn của ngành cơ khí.
“Hạn chế của ngành cơ khí trong nước đã được nói đến rất nhiều nhưng cứ kéo dài mãi. Hiệu quả đầu tư của toàn ngành cơ khí chưa cao, chưa thể hiện vai trò là nền tảng cho phát triển công nghiệp”.
Dù tỷ lệ số lượng doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành cơ khí trên tổng số doanh nghiệp các ngành chế biến chế tạo khá cao (gần 30%), tuy nhiên tỷ lệ giá trị doanh thu thuần sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành cơ khí so với toàn ngành chế biến, chế tạo khá thấp và có xu hướng giảm qua các năm (hơn 18%).
Trình độ cơ khí chế tạo (là trụ cột của sản xuất công nghiệp), đặc biệt là cơ khí chính xác còn lạc hậu so với nhiều nước từ 2 – 3 thế hệ. Các doanh nghiệp cơ khí của Việt Nam hầu hết chưa làm chủ được công nghệ nguồn, thiếu máy móc chuyên dụng phục vụ chuyên môn hóa sản xuất. Hàm lượng giá trị gia tăng nội địa tạo ra trong ngành cơ khí rất hạn chế.
Sản phẩm cơ khí Việt Nam chỉ có rất ít thương hiệu trong nước. Các doanh nghiệp cơ khí nội địa phổ biến là quy mô nhỏ, có năng lực cạnh tranh thấp, chưa làm chủ được công nghệ lõi hoàn chỉnh trong lĩnh vực cơ khí.
Chất lượng sản phẩm chưa tốt, giá thành sản phẩm cao, tính cạnh tranh của sản phẩm kém, gần như chưa có sản phẩm công nghiệp chủ lực trong ngành cơ khí đủ khả năng cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu.
Theo ĐT