Cơ hội có khép lại nếu thí sinh chọn ngành không yêu thích?

30/03/2024 09:00

Trước những biến đổi, phát triển của khoa học công nghệ như hiện nay nếu không linh hoạt, thích ứng sinh viên rất khó tìm chỗ đứng trong thị trường lao động.

Học ngành gì, trường nào, ra trường làm nghề gì là những câu hỏi mà mỗi mùa tuyển sinh đến thu hút nhiều thí sinh và phụ huynh quan tâm. Trước biến đổi không ngừng của thị trường lao động, việc tìm cho mình hướng đi để thích ứng với hoàn cảnh là điều không dễ dàng.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tư vấn chọn nghề cho các em chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa đại học, TS. Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT cho rằng học lực và sở thích là những căn cứ ưu tiên khi đặt nguyện vọng xét tuyển.

“Các em tham khảo kinh nghiệm từ những người đi trước, tìm hiểu những công việc cụ thể sau khi ra trường để từ đó có lựa chọn phù hợp. Quan trọng nhất vẫn là đam mê, hiểu được bản thân muốn học đại học hay học nghề, tính toán khả năng mình có học được đại học không, tính toán kinh phí, tránh trường hợp đỗ những không theo học, không muốn học sẽ rất thời gian và bỏ lỡ nhiều cơ hội”, ông Hoàng Ngọc Vinh chia sẻ.

Giáo dục - Cơ hội có khép lại nếu thí sinh chọn ngành không yêu thích?

Lựa chọn công việc để theo đuổi học tập là vô cùng quan trọng (Ảnh: Hữu Thắng).

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Vũ Khắc Ngọc - Giáo viên luyện thi môn Hóa tại Hà Nội cho biết qua các buổi tư vấn hướng nghiệp nhiều học sinh khá băn khoăn với việc lựa chọn nghề, thậm chí nhiều em lo lắng nếu đã chọn lựa cẩn thận, nghiêm túc như vậy rồi mà vào học mới nhận ra mình chọn sai hoặc ra trường lại phải đi làm trái ngành thì phải sao?

Trước câu hỏi này, ông Ngọc đánh giá: “Lựa chọn nghề nghiệp, lựa chọn công việc để theo đuổi học tập, phấn đấu và cống hiến là vô cùng quan trọng. Chưa tính đến về thu nhập và những vấn đề khác, trung bình mỗi người đều phải làm việc tới 20-30 năm trước khi nghỉ hưu, mỗi ngày làm việc lại tối thiểu 8 tiếng, nên công việc chiếm một phần rất lớn của cuộc đời. Bạn không thể hạnh phúc nếu gắn bó lâu dài với một thứ bạn không phù hợp hay ghét bỏ”.

Thêm vào đó, việc học sinh chọn làm nghề gì, trở thành người như thế nào cũng sẽ quyết định định vị của chính các em ở xã hội trong tương lai. Vì vậy, chuyên gia cho rằng điều dễ hiểu lựa chọn ngành nghề và trường đại học để theo đuổi là quyết định cần phải cẩn thận, nghiêm túc, lý trí khi lựa chọn nó và hết mình với điều đó.

Giáo dục - Cơ hội có khép lại nếu thí sinh chọn ngành không yêu thích? (Hình 2).

Ông Vũ Khắc Ngọc - Giáo viên luyện thi môn Hóa tại Hà Nội.

“Tuy nhiên, cuộc đời không phải lúc nào cũng đi theo một đường thẳng như ta muốn. Cho dù học sinh và gia đình có cẩn thận tới đâu thì trên con đường đã vạch ra ấy vẫn có những trắc trở, khó khăn. Việc thấy thấy chán nản, mọi thứ khác với tưởng tượng ban đầu là chuyện hoàn toàn bình thường”, ông Vũ Khắc Ngọc bày tỏ.

Điều quan trọng nhất là phải xây dựng cho mình một thái độ sống tích cực và bản lĩnh để vượt qua khó khăn và nếu không vượt qua được thì sẵn sàng mở lòng mình để đón nhận cơ hội khác khi nó tới.

Cùng với đó chuyên gia lưu ý, hiện nay do công nghệ đang làm cho thế giới thay đổi rất nhanh và khó tưởng tượng được. Chính bản thân người học nên có sự thích ứng, sẵn sàng để nắm bắt cơ hội thì dù học ngành gì cũng không nên quá lo lắng.

Thông tin về kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, TS.Lê Mỹ Phong - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng thông tin những điểm mới trong quy chế mà các thí sinh cần phải nằm lòng. Theo đó, năm nay mỗi thí sinh sẽ được cấp mật khẩu để đăng nhập vào hệ thống tuyển sinh của Bộ GD&ĐT và phải tự bảo mật mật khẩu của mình.

“Những nội dung liên quan đến thông tin cá nhân chưa đúng, chưa hiểu cần phải báo lại ngay nhà trường đang theo học để có cơ sở dữ liệu đúng nhất”, ông Phong cho biết.

Các em cần đọc kỹ quy chế thi, đặc biệt là những vật dụng được mang vào phòng thi, cụ thể thí sinh không được mang bất kỳ thiết bị điện tử nào vào phòng thi.

Một điểm mới năm nay, trong khi làm bài thi phải có trách nhiệm bảo vệ bài thi và làm theo hướng dẫn của giám thị. Khi có có vấn đề về sức khoẻ trong quá trình thi sẽ thêm cả cán bộ giám thị đi cùng các em đến khu vực kiểm tra sức khoẻ ở điểm thi.

“Ngay sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT, thì cần tập trung quan tâm đến việc tuyển sinh vì đây là khoảng thời gian rất quan trọng. Cuối cùng là thí sinh phải chuẩn bị sức khoẻ chuẩn bị cho kỳ thi vì đây vẫn là kết quả chiếm lượng lớn trường xét tuyển”, ông Mỹ Phong bày tỏ.

Bạn đang đọc bài viết "Cơ hội có khép lại nếu thí sinh chọn ngành không yêu thích?" tại chuyên mục Văn hóa - Giáo dục. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 08 6883 9892) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).