Cảm xúc vỡ òa của cô gái cụt 2 tay được đặc cách tuyển làm giáo viên

10/06/2023 21:00

Khi được Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa chỉ đạo tuyển dụng đặc cách mình vào ngành giáo dục, cô gái cụt 2 tay mở lớp dạy tiếng Anh cho đám trẻ trong làng vỡ òa cảm xúc.

Tỉnh Thanh Hóa vừa tổ chức Hội nghị kỷ niệm 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948-11/6/2023), sơ kết 3 năm thực hiện kết luận số 01-KL/TW (khóa XIII) và sơ kết 3 năm thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII) và biểu dương các điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Lê Thị Thắm (SN 1998), trú tại xã Đông Thịnh, huyện Đông Sơn - “Cô giáo” cụt 2 tay đang tự mở lớp tiếng Anh dạy cho trẻ em ở địa phương là một trong những đại biểu tham gia hội nghị.

Tại hội nghị, Thắm đã đọc bài tham luận nói về hoàn cảnh, cảm xúc, tâm tư nguyện vọng và những khó khăn mình đã vượt qua trong quá trình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Giáo dục - Cảm xúc vỡ òa của cô gái cụt 2 tay được đặc cách tuyển làm giáo viên

Lê Thị Thắm phát biểu tham luận tại hội nghị kỷ niệm 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc ...

Thắm cho biết, mình sinh ra trong một gia đình thuần nông tại xã Đông Thịnh, huyện Đông Sơn. Khi mới sinh ra em đã không được lành lặn như bạn bè cùng trang lứa. Lúc mới chào đời, Thắm chỉ nặng hơn 1kg và không có hai tay.

“Cháu lớn lên trong tình yêu thương của gia đình, đặc biệt là sự chăm sóc của mẹ. Vì đảm bảo mưu sinh cho gia đình, nên tất cả gánh trên vai bố cháu, do đó gia đình cháu rất vất vả. Khi cháu được 4 tuổi, mẹ cho cháu đi mẫu giáo, nhờ cô giáo trông nom để mẹ tìm việc làm thêm để mưu sinh.

Sau 6 tháng đến trường mầm non, thấy tất cả các bạn được cô giáo cho tập viết mà cô lại chỉ trừ cháu ra, nên cháu cũng đòi bằng được cô cho mình tập viết. Cô giáo nghĩ cháu không có tay thì viết làm sao nên cũng chỉ đành đưa cho cháu tờ giấy và cây bút chì để vẽ nguệch ngoạc.

Giáo dục - Cảm xúc vỡ òa của cô gái cụt 2 tay được đặc cách tuyển làm giáo viên (Hình 2).

Dù không có tay, Thắm vẫn dùng chân để gõ phím khá thành thạo.

Thấy các bạn kẹp bút vào tay, cháu cũng lấy bút kẹp vào ngón chân trái của mình để tập viết theo các bạn. Vì chân phải của cháu ngắn hơn chân trái nên việc kẹp bút để viết thành chữ đã khó lại càng khó hơn, những ngón chân của cháu nhiều hôm trầy xước, phồng rộp khiến cháu rất đau và đêm về không thể ngủ được”, Thắm kể lại.

Thắm cho biết, khó khăn vất vả càng làm cho cô gái thêm quyết tâm, nổ lực. Dù ở trên lớp hay ở nhà, Thắm đều tập viết rất miệt mài, chăm chỉ. Và ông trời không phụ công người, 6 tuổi, Thắm được mẹ cho cháu vào lớp 1 trường làng như bao bạn trẻ xung quanh.

Với sự trợ giúp của gia đình, công lao của mẹ, của thầy cô, như bao học sinh bình thường khác, Thắm đã hoàn thành việc học của 12 năm học và tiếp tục phấn đấu để thực hiện ước mơ của mình - ước mơ được ngồi học ở giảng đường đại học.

“Năm 2016, cháu - một thí sinh “đặc biệt” cũng tham dự kỳ thi THPT Quốc gia. Cháu may mắn được thầy Nguyễn Mạnh An - Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức - đặc cách vào khoa Sư phạm tiếng Anh, hệ đại học, đúng như ước mơ của cháu. Dù được nhà trường đặc cách nhưng cháu vẫn đăng ký dự thi và đi thi giống tất cả các bạn bình thường khác và cháu đã trúng tuyển vào trường Đại học Hồng Đức”, cô giáo trẻ cho biết.

Ra trường, để theo đuổi ước mơ làm cô giáo đứng trên bục giảng, Thắm đã mở lớp dạy tiếng Anh tại nhà cho học sinh tiểu học và THCS tại địa phương. Thấy con học tập tiến bộ, ngày càng nhiều phụ huynh gửi con tới cho cô giáo Thắm kèm cặp. Được gia đình ủng hộ, tạo điều kiện, Thắm đã mua sắm trang thiết bị mở lớp dạy tiếng Anh.

Các đại biểu tham dự hội nghị rất xúc động khi qua bài tham luận biết thêm về hoàn cảnh, nghị lực của Lê Thị Thắm.

Giáo dục - Cảm xúc vỡ òa của cô gái cụt 2 tay được đặc cách tuyển làm giáo viên (Hình 3).

Lớp học tiếng Anh của "cô giáo" Thắm có nhiều học sinh tham gia.

Ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa đã chỉ đạo huyện Đồng Sơn phối hợp với sở Nội vụ Thanh Hóa căn cứ quy định của pháp luật tuyển dụng đặc cách Lê Thị Thắm vào ngành giáo dục.

PV Người Đưa Tin đã liên hệ với Thắm để nghe cô chia sẻ về cảm xúc của mình khi đã "chạm tay" vào ước mơ.

"Em cảm thấy rất mừng, vui và hạnh phúc khi được lãnh đạo tỉnh và mọi người quan tâm", Thắ, chia sẻ.

Thông tin này hoàn toàn bất ngờ với gái Lê Thị Thắm và cô vỡ òa cảm xúc. Theo Thắm, nếu được tuyển dụng cô sẽ nỗ lực thiện bản thân, luôn cố gắng trau dồi kiến thức, kinh nghiệm, sẽ tận tâm tận lực cống hiến cho gành giáo dục nếu được trao cơ hội.

Ông Lê Trọng Thụ, Bí thư Huyện ủy Đông Sơn cho biết, huyện sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn làm văn bản xin ý kiến sở nội vụ và tỉnh Thanh Hóa để làm các thủ tục tuyển dụng đặc cách với Lê Thị Thắm trong thời gian tới.

Bạn đang đọc bài viết "Cảm xúc vỡ òa của cô gái cụt 2 tay được đặc cách tuyển làm giáo viên" tại chuyên mục Văn hóa - Giáo dục. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 08 6883 9892) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).