100 năm người Việt Nam đầu tiên đến quê hương Cách mạng tháng Mười Nga

24/06/2023 12:30

(Chinhphu.vn) - Người ấy là Nguyễn Ái Quốc, trong vai một thợ ảnh, đến nước Nga không phải để chụp ảnh về cuộc cách mạng “rung chuyển thế giới” mà để thực hiện nhiệm vụ chưa từng có.

Sách "Vừa đi đường, vừa kể chuyện" của tác giả T. Lan kể lại hành trình mà Nguyễn Ái Quốc "cắt đuôi" sự theo dõi của mật thám ở Pháp từ ngày 13/6/1923 như sau: "Hôm đó, hai tay đút túi, Bác ung dung lên xe buýt để tham gia một cuộc mít tinh ở ngoài Paris. Độ nửa giờ sau, Bác lặng lẽ đi quanh về ga xe lửa. Một đồng chí tin cẩn đã chờ sẵn ở đó, trao cho Bác một vé xe lửa hạng nhất (vì vé hạng nhất chỉ dành cho những khách sang trọng, ít bị tình nghi) và một chiếc vali con... Bác cố trấn tĩnh nhưng đến khi xe lửa qua khỏi biên giới Pháp - Đức, trong ngực mới hết phập phồng". Đến Berlin (Đức), nơi quá cảnh duy nhất của châu Âu tới Liên Xô lúc đó, Người được cấp một hộ chiếu mang tên Chen Vang rồi xuống tàu Karl Liebknecht vào ngày 27/6/1923 và tàu cập cảng St. Petersburg (Liên Xô) ngày 30/6/1923.

Đất nước Xô viết lúc đó vừa trải qua cuộc chiến chống ngoại xâm, nội phản, bảo vệ thành quả Cách mạng tháng Mười nên chưa kịp nhận ra người thợ ảnh Chen Vang ấy là đại diện duy nhất của các dân tộc thuộc địa Đông Dương đang chìm đắm trong xích xiềng nô lệ. Nguyễn Ái Quốc - Chen Vang đang trên con đường tìm đường cứu nước, đang hướng đến Cách mạng tháng Mười để thực chứng sự lựa chọn "muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản". 

Đây là lần đầu tiên Nguyễn Ái Quốc đặt chân đến quê hương của Cách mạng tháng Mười Nga, vào lúc Liên bang các nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết (Liên Xô) đã hiện hữu trên một phần sáu diện tích trái đất, vắt từ Âu sang Á. Người Việt Nam đầu tiên ấy từ lúc mang tên Văn Ba rời bến cảng Sài Gòn ngày 5/6/1911, đến khi mang tên Chen Vang cập cảng St. Petersburg ngày 30/6/1923 đã phải vượt qua hành trình hơn 12 năm, đã "đi hỏi khắp bóng cờ châu Mỹ, châu Phi, những đất tự do, những trời nô lệ, những con đường cách mạng".

Người đứng dưới chân tượng Nữ thần Tự do của Cách mạng 1776 ở Mỹ và hỏi "Bao giờ người da đen được bình đẳng với người da trắng? Bao giờ có sự bình đẳng giữa các dân tộc?". Người cào tuyết cho một trường học trên quê hương của Cách mạng Tư sản Anh 1640, vẽ chao đèn, phóng ảnh, rửa ảnh tại thủ đô Paris và thấu hiểu "tiếng là cộng hoà và dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa". Nay được làm đại biểu cho một Đảng Cộng sản đến với quê hương của Cách mạng tháng Mười 1917 - cách mạng "thành công và thành công đến nơi", Người thấy mình "có mối tình đoàn kết với cách mạng Nga và người lãnh đạo cuộc cách mạng ấy".

Chặng đường thứ 2 từ ngày 30/6/2023 ấy không phải bôn ba tìm kiếm, khảo sát, lựa chọn nữa, bởi từ khi "nghe tin cách mạng xã hội chủ nghĩa thành công" đã "liền có ý định đi Nga" và lập tức chuyển từ London sang Paris (1917) để tìm hiểu rõ hơn về Cách mạng tháng Mười, Nguyễn Ái Quốc hướng đến điều mới mẻ "Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất". Từ khi tham gia Đảng Xã hội Pháp, được đọc Luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lenin đăng trên báo L'Humanite (Nhân đạo) (tháng 7/1920), Nguyễn Ái Quốc đã "cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao" vào cuộc "cách mạng ấy, quốc tế ấy, con đường ấy".

Sau buổi nghe nói chuyện (ngày 13/8/1920) của ông Marcel Cachin, Giám đốc báo L'Humanite của Pháp vừa trở về từ Moscow, Nguyễn Ái Quốc càng muốn tìm hiểu kỹ hơn về nước Nga Xô viết và Quốc tế Cộng sản, về nơi nhân dân đã nắm chính quyền, Người càng nóng lòng muốn đến nước Nga.

Cho đến năm 1923, việc tự tìm hiểu và nghiên cứu giúp cho Nguyễn Ái Quốc có "câu trả lời đã rõ ràng: Trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập". Nhưng phải làm như thế nào, các bước cụ thể như thế nào, vẫn là câu hỏi cần có thực tiễn từ nước Nga - nơi "dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật", nơi "đã đuổi được vua, tư bản, địa chủ rồi, lại ra sức cho công, nông các nước và dân tộc bị áp bức các thuộc địa làm cách mạng để đập đổ tất cả đế quốc chủ nghĩa và tư bản trong thế giới"; Người mong mỏi được gặp "người dũng cảm nhất là Lenin" - "người cha, thầy học, đồng chí và cố vấn của chúng ta... là ngôi sao sáng chỉ đường cho chúng ta đi tới cuộc cách mạng xã hội".

Rồi "một hôm, Đảng Cộng sản Pháp gọi Bác đến và bảo đồng chí sẽ được đi dự Đại hội lần thứ V của Quốc tế Cộng sản với danh nghĩa là đại biểu của nhân dân các nước thuộc địa. Tin đó làm cho Bác sung sướng ngất trời".

Bắt đầu từ ngày 30/6/1923, Nguyễn Ái Quốc - Chen Vang tập trung vào những hoạt động quan trọng bậc nhất, quyết định đến con đường cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam. Người tìm hiểu thực tế và nghiên cứu về Cách mạng tháng Mười, việc thiết lập Nhà nước Xô viết; tận mắt chứng kiến những thành quả cách mạng vô sản do Đảng Cộng sản đứng đầu là Lenin mang lại; thấy rõ "trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc, tự do, bình đẳng thật, không phải tự do và bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam".

Người viết những bài báo đầu tiên trên đất nước Nga về Cách mạng tháng Mười, về chính quyền Xô viết và về Lenin. Người dự Đại hội lần thứ nhất Quốc tế Nông dân (tháng 10/1923), phát biểu tại một số phiên họp của Đại hội và được bầu vào Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân. Người tham dự Đại hội lần thứ V Quốc tế Cộng sản (tháng 6/1924) và "trình bày trước Đại hội tình hình chung của các nước đế quốc và các nước thuộc địa, cùng tình hình riêng của Đông Dương; nêu những việc các đảng cộng sản đã làm được và những điều thiếu sót đối với phong trào cách mạng ở các thuộc địa". Sau đó Người "dự các cuộc Đại hội Quốc tế Công hội đỏ, Quốc tế Nông dân, Quốc tế Phụ nữ, Quốc tế Thanh niên, Quốc tế Cứu tế đỏ. Ở Đại hội Quốc tế Phụ nữ, Bác đã gặp nhiều nữ đồng chí Bolshevik, trong đó có Krupskaya (vợ Lenin)"; Người cũng dự mit tinh kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động (1/5), mit tinh vì hòa bình thế giới (6/7)...

Tranh thủ thời gian tại Moscow - trung tâm của phong trào cộng sản quốc tế, Người thiết lập những mối quan hệ với nhiều nhà cách mạng, chiến sĩ cộng sản trên thế giới, trong Quốc tế Cộng sản, tranh thủ học khóa ngắn hạn tại Trường Đại học Cộng sản Phương Đông Liên Xô. Người "cố gắng học hỏi và xem xét" thực tế nước Nga, dành thời gian tìm hiểu văn hoá, văn học nghệ thuật Nga…

Sách "Vừa đi đường, vừa kể chuyện" thuật lại: "Từ bé đến lớn chưa bao giờ thấy trong mình tự do, khoan khoái và sung sướng như lúc bấy giờ" trên đất nước Xô viết. Người trở nên một thành viên chân chính, một người anh em ruột thịt trong đại gia đình vô sản quốc tế.

Thực tế là từ đây Nguyễn Ái Quốc trở thành một chiến sĩ cộng sản quốc tế có uy tín, trước hết là một trong những nhà lãnh đạo của Quốc tế Nông dân, người Việt Nam đầu tiên là cán bộ Phòng châu Á của Quốc tế Cộng sản. Cách mạng Việt Nam thực sự trở thành một bộ phận của cách mạng thế giới, trước hết là mở đầu việc chuẩn bị cơ sở, tiền đề cả về tư tưởng, chính trị, tổ chức cho sự ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930, mở ra cả quá trình cách mạng về sau: Việt Nam không chỉ có tên trên bản đồ, làm nên tiếng sấm Điện Biên, kiến tạo chân lý "Không có gì quý hơn độc lập, tự do", trở thành "lương tâm của thời đại"…, mà còn có cơ đồ, vị thế và uy tín quốc tế rộng lớn.

Một thế kỷ nhìn lại (1923-2023), năm 1923 trở thành dấu mốc lịch sử quan trọng - chỉ 3 năm sau khi tìm ra con đường cứu nước và giải phóng dân tộc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã khởi đầu một chặng đường rộng mở và tươi sáng cho cách mạng và dân tộc Việt Nam./.

Minh Minh Đức


Bạn đang đọc bài viết "100 năm người Việt Nam đầu tiên đến quê hương Cách mạng tháng Mười Nga" tại chuyên mục Tin tức - Thời sự. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 08 6883 9892) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).