1 luật sửa 7 luật: Tháo gỡ nhiều quy định, đẩy tiến độ các dự án trọng điểm

25/04/2025 20:30

Dự án 1 luật sửa 7 luật gỡ rất nhiều vướng mắc về thủ tục hành chính trong đấu thầu, đầu tư vốn là những nguyên nhân cản trở tiến độ nhiều dự án quan trọng.

Gỡ vướng mắc về thủ tục hành chính trong đấu thầu, đầu tư

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 44, sáng 25/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng chỉ ra lý do phải dự thảo 1 luật sửa 7 luật này là vì sự thay đổi của tình hình kinh tế - xã hội, các văn bản pháp luật về đầu tư, tài chính, ngân sách cũng đã phát sinh khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Đáng chú ý, dự thảo luật lần này gỡ rất nhiều vướng mắc về thủ tục hành chính trong đấu thầu, đầu tư... vốn là những nguyên nhân cản trở tiến độ nhiều dự án quan trọng.

Như trong phần sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu, dự thảo luật đã bổ sung nguyên tắc cho phép chủ đầu tư, người có thẩm quyền căn cứ quy mô, tính chất, điều kiện thực tế của gói thầu để lựa chọn áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu phù hợp như đấu thầu, chỉ định thầu hoặc các hình thức khác theo quy định của luật.

1 luật sửa 7 luật: Tháo gỡ nhiều quy định, đẩy tiến độ các dự án trọng điểm- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng (Ảnh: Media Quốc hội).

"Việc này cần thực hiện trên cơ sở bảo đảm minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho hay. 

Dự thảo luật cũng bổ sung, mở rộng trường hợp áp dụng hình thức chỉ định thầu và lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt đối với gói thầu, dự án cần bảo đảm lợi ích quốc gia hoặc có yêu cầu đặc thù về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học, công nghệ, đáp ứng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án lớn, quan trọng, cấp bách.

Trong lần sửa đổi này, dự thảo luật cũng nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động đấu thầu theo hướng bổ sung quy định chỉ định thầu kèm theo điều kiện về tỉ lệ tiết kiệm để đảm bảo lựa chọn nhà thầu đáp ứng yêu cầu về chất lượng, chi phí, rút ngắn thời gian đấu thầu.

Đồng thời, bổ sung quy định về tỉ lệ giá đề nghị trúng thầu không được thấp hơn giá gói thầu để khắc phục tình trạng bỏ thầu giá thấp dẫn đến không đảm bảo chất lượng, hiệu quả thực hiện gói thầu, dự án.

Quy định về giám sát hoạt động đấu thầu cũng được bổ sung để nâng cao trách nhiệm của người có thẩm quyền; phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong đấu thầu.

Để cắt giảm, đơn giản thủ tục, rút ngắn thời gian trong đấu thầu, dự thảo luật đã bãi bỏ thủ tục thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu; lược bỏ một số thủ tục, thao tác đấu thầu qua mạng và một số tiêu chí đánh giá thầu nhằm rút ngắn thời gian, cắt giảm thủ tục trong đấu thầu.

Bãi bỏ vai trò bên mời thầu và chuyển giao một số nhiệm vụ của bên mời thầu cho tổ chuyên gia, chủ đầu tư nhằm tinh gọn, xóa bỏ cấp trung gian trong quá trình lựa chọn nhà thầu.

Không áp dụng bảo đảm cạnh tranh đối với các đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp có cùng cơ quan quản lý.

Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (luật PPP), dự thảo luật bổ sung quy định cho phép cá nhân được là nhà đầu tư tham gia dự án PPP; cho phép áp dụng hợp đồng BOT đối với dự án nâng cấp, mở rộng công trình...

Trong trường hợp đặc biệt, các bộ, ngành, địa phương được phân quyền để chủ động quyết định áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư (trong đó có hình thức chỉ định nhà đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt).

Các quy định về tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu được sửa đổi theo hướng không yêu cầu nhà đầu tư có kinh nghiệm thực hiện dự án tương tự mà chỉ cần chứng minh khả năng thu xếp vốn để mở rộng cơ hội tham dự thầu cho các nhà đầu tư, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Đối với trường hợp chỉ định nhà đầu tư đề xuất dự án, chỉ yêu cầu nhà đầu tư đáp ứng năng lực tài chính và có phương án tài chính khả thi.

Các thủ tục thành lập Hội đồng thẩm định, thành lập doanh nghiệp dự án PPP đối với một số nhóm dự án được bãi bỏ nhằm rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư.

Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, dự thảo luật bổ sung quy định dự án đầu tư công, đặc biệt là dự án thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, không phải quyết định chủ trương đầu tư và được ưu tiên bố trí vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Dự thảo luật còn cắt giảm, đơn giản thủ tục hành chính về các trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư...

Cần chế tài mạnh đối với nhà thầu vi phạm hợp đồng

Thẩm tra, Phó chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính Lê Quang Mạnh cho biết, Thường trực Ủy ban cơ bản nhất trí về sự cần thiết và phạm vi sửa đổi, bổ sung các luật. Hồ sơ Dự án Luật cơ bản đáp ứng yêu cầu đối với quy trình thủ tục rút gọn.

Về quy định xét duyệt trúng thầu đối với gói thầu xây lắp, ông Mạnh cho hay, Ủy ban chỉ ra trong dự thảo luật đã bổ sung quy định giá trúng thầu không được thấp hơn giá gói thầu theo tỉ lệ do Chính phủ quy định, nhằm ngăn chặn tình trạng bỏ thầu quá thấp, thi công kém chất lượng.

1 luật sửa 7 luật: Tháo gỡ nhiều quy định, đẩy tiến độ các dự án trọng điểm- Ảnh 2.

Phó chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính Lê Quang Mạnh (Ảnh: Media Quốc hội).

Tuy nhiên, Ủy ban cho rằng quy định mức "giá sàn" có thể làm giảm cạnh tranh về giá, không xử lý triệt để vấn đề năng lực thi công và thiếu linh hoạt với các dự án, công trình quy mô nhỏ.

Do đó, Ủy ban đề nghị Chính phủ cân nhắc giải pháp bổ sung, thay thế như kiểm soát chặt chẽ chất lượng thi công từ đầu, thông qua cơ chế giám sát và yêu cầu nhà thầu phải cam kết bảo hành dài hạn hơn nếu chào giá thấp.

Đồng thời, cần có chế tài mạnh mẽ đối với nhà thầu vi phạm hợp đồng, bao gồm cả cấm tham gia đấu thầu trong một thời gian nhất định.

Cần rà soát, thu hồi các dự án "còn trên giấy" để tránh lãng phí

Về việc Chính phủ đề xuất bổ sung hai nội dung mới là "chính sách đối với các dự án đầu tư công đặc biệt" và "nhiệm vụ chuẩn bị giải phóng mặt bằng", theo ông Mạnh, đa số ý kiến Ủy ban nhất trí quy định bổ sung này nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn.

Song, với nhiệm vụ chuẩn bị giải phóng mặt bằng, đề nghị nghiên cứu bổ sung rõ về hiệu lực pháp lý và nghiên cứu bổ sung "danh mục các dự án" được tổ chức thực hiện điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đất để bảo đảm tính chặt chẽ.

Điều hành nội dung này, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị luật chỉ sửa đổi, bổ sung những nội dung thật sự cần thiết, cấp bách và chỉ quy định những vấn đề đã chín, đủ rõ, thực tiễn chứng minh là đúng, có sự đồng thuận cao.

Ông đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến, hoàn thiện dự án luật để thẩm tra chính thức trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Bạn đang đọc bài viết "1 luật sửa 7 luật: Tháo gỡ nhiều quy định, đẩy tiến độ các dự án trọng điểm" tại chuyên mục Văn hóa - Giáo dục. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).