Yên Bái dồn sức xây dựng tái định cư sau lũ

08/11/2024 08:30

Hậu quả nặng nề do mưa lũ vừa qua khiến nhà cửa của hàng nghìn hộ dân ở tỉnh Yên Bái bị lũ cuốn trôi, vùi lấp và có nguy cơ cao sạt lở đất.

Chú thích ảnh Do ảnh hưởng hoàn lưu của cơn bão số 3, nước lũ ập về bản Tà Ghênh, xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu khiến nhà cửa của 3 hộ bị cuốn trôi và 20 hộ phải di dời khẩn cấp. Ảnh: TTXVN phát

Hiện nay, nhiều hộ dân rất cần nơi ở mới, vì vậy, việc sắp xếp, bố trí và xây dựng tái định cư đang trở thành nhiệm vụ cấp bách của cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh Yên Bái nhằm ổn định cuộc sống người dân vùng lũ.

Hàng nghìn hộ dân cần nơi ở mới

Thống kê thiệt hại về nhà ở tại Yên Bái do bão 3 gây ra cho thấy, toàn tỉnh có hơn 27.300 nhà dân bị thiệt hại, trong đó 326 nhà sập đổ hoàn toàn, 973 nhà hư hỏng nặng và hàng nghìn hộ dân chưa thể về nhà do nằm trong vùng nguy cơ sạt lở cao. Sau gần 2 tháng, phần lớn số hộ dân có nhà bị hư hỏng nhẹ đã được khắc phục xong và trở về sinh sống nhưng còn hàng nghìn hộ chưa thể về nhà, rất mong có nơi ở mới an toàn, thuận tiện hơn nơi ở cũ.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái Nguyễn Xuân Sang cho biết, đến nay, tỉnh cơ bản sắp xếp, xác định vị trí cho người dân có chỗ ở mới trên cơ sở bố trí tái định cư xen ghép hoặc chọn xây dựng khu tái định cư an toàn, tránh nguy cơ sạt lở đất và ngập úng, tỉnh phấn đấu đến hết ngày 31/12/2024 các hộ dân sẽ có nơi ở mới ổn định cuộc sống.

Qua kiểm tra, rà soát tại 14 xã của huyện Lục Yên có gần 1.400 hộ bị ảnh hưởng, thiệt hại về nhà ở; trong đó, 76 hộ có nhà bị sập đổ hoàn toàn, hơn 100 hộ có nhà nằm trong vùng nguy cơ cao không đảm bảo an toàn để ở. Đến nay, huyện có phương án bố trí xen ghép trong khu dân cư và bố trí quỹ đất xây dựng các khu tái định cư đảm bảo cho gần 200 hộ dân cần chuyển đến nơi ở mới.

Nằm trong vùng rốn lũ, huyện Văn Yên phải di dời trên 2.500 hộ, với hơn 7.100 nhân khẩu đến nơi tránh trú an toàn. Sau mưa lũ, có 109 hộ có nhà bị sập đổ hoàn toàn, hư hỏng nặng không thể khôi phục, có 268 nhà dân bị tốc mái hoặc thiệt hại một phần, 1.833 nhà bị ngập nước dài ngày. Trước mắt hơn 300 hộ có nhu cầu có nơi ở mới; về lâu dài, địa phương cần bố trí chỗ ở mới cho gần 2.000 hộ.

Thành phố Yên Bái là địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất về nhà ở sau bão số 3. Cơn bão đi qua khiến hàng vạn hộ dân của thành phố Yên Bái bị ảnh hưởng, trong đó hàng nghìn ngôi nhà bị sạt lở ta luy, phải di dời để đảm bảo an toàn, với khối lượng trên 1 triệu m3 đất, đá. Trọng điểm sạt lở ta luy tập trung tại các xã Âu Lâu, Văn Phú và các phường Nguyễn Thái Học, Yên Ninh, Minh Tân, Nam Cường, Đồng Tâm.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Yên Bái Phùng Tiến Thanh cho biết, toàn thành phố có hơn 1.400 hộ, với 4.830 nhân khẩu phải di dời do sạt lở đất. Hiện, còn nhiều hộ chưa thể quay lại sinh sống trong chính căn nhà của mình. Do số hộ bị sạt lở rất lớn nên giải pháp được đưa ra là khắc phục sạt lở đất để tái định cư tại chỗ.

Khẩn trương hoàn thành các khu tái định cư

Chú thích ảnh Mỗi hộ bị thiệt hại mất nhà trong cơn bão số 3 trên địa bàn huyện Trạm Tấu được hỗ trợ 100 triệu đồng từ chính quyền huyện và các nguồn tài trợ. Ảnh: TTXVN phát

Xác định rõ nhiệm vụ an cư, tạo chỗ ở an toàn để khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân sau lũ rất cấp bách, vì vậy, các địa phương tại tỉnh Yên Bái ưu tiên bố trí chỗ ở xen ghép, chỗ ở tạm thời cho những hộ bị mất trắng nhà cửa. Đồng thời rà soát, lựa chọn vị trí an toàn, thuận tiện để thiết kế, xây dựng khu tái định cư lâu dài cho người dân.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Nguyễn Thế Phước cho rằng, việc đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân được đặt lên hàng đầu, trong đó ưu tiên bố trí quỹ đất, sử dụng mọi nguồn lực để có chỗ ở nhanh nhất cho người dân bị mất nhà. Cùng với đó, chính quyền và cơ quan chức năng sẽ hoàn thiện dần cơ sở hạ tầng, điện, nước... và thủ tục đất đai, cấp "sổ đỏ" cho người dân trong thời gian sớm nhất.

Việc xây dựng các khu tái định cư được tỉnh Yên Bái tính toán khoảng cách an toàn với các vùng núi nguy cơ sạt lở cao, bảo đảm đất sản xuất nông nghiệp cho người dân. Mặt khác, khi xây dựng cơ sở hạ tầng các thiết chế văn hóa, cơ quan chức tính toán theo hướng đa chức năng, vừa là nơi sinh hoạt văn hóa vừa là nơi cho nhân dân tránh trú khi xảy ra thiên tai.

Ngay từ đầu tháng 10/2024, huyện Lục Yên nhanh chóng triển khai xây dựng khu tái định cư cho 11 hộ dân tại thôn Át Thượng, xã Minh Xuân. Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cho biết, trước mắt, huyện cấp bách bố trí xây dựng tại vị trí cũ 31 nhà, di chuyển bố trí xen ghép trong khu dân cư 17 nhà, đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở 7 nhà. Huyện ưu tiên bố trí ngay khu tái định cư quy mô 35 hộ cho những hộ dân bị sập nhà do sạt lở đất tại xã Minh Xuân.

Về lâu dài, huyện Lục Yên quy hoạch và đang xây dựng các khu tái định cư, cụ thể như: Khu tái định cư tại thôn Làng Mường, xã Tô Mậu có tổng diện tích đất trên 13 nghìn m2 cho 31 hộ dân; khu tái định cư rộng hơn 5.000 m2 cho 19 hộ dân tại thôn Khe Pằn, xã Khánh Hòa... và các khu tái định cư khác đảm bảo di dời gần 200 hộ dân của huyện về nơi ở mới an toàn từ nay đến năm 2027.

Huy động từ nhiều nguồn lực, hiện nay, huyện Văn Chấn cũng như nhiều địa phương khác đang khẩn trương xây dựng các khu tái định cư. Đến nay, toàn huyện quy hoạch 9 khu tái định cư, trong đó 2 khu sẽ hoàn thành trong năm 2024, còn lại 7 khu hoàn thành từ nay đến năm 2030 nhằm di dời toàn bộ các hộ dân thuộc vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất.

Ông Mai Mông Tuân, Bí thư Huyện ủy Văn Chấn cho biết, dù rất khẩn trương nhưng mỗi khu tái định cư sẽ được quy hoạch chi tiết, đảm bảo vị trí an toàn và có đầy đủ cơ sở hạ tầng cần thiết. Huyện tổ chức bốc thăm, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng, giúp người dân ổn định cuộc sống ở vùng đất mới. Tuy nhiên, việc huy động, lồng ghép nguồn lực để xây dựng khu tái định cư luôn là thách thức không nhỏ đối với các địa phương vùng núi còn nhiều khó khăn như Văn Chấn.

Bạn đang đọc bài viết "Yên Bái dồn sức xây dựng tái định cư sau lũ" tại chuyên mục Xã hội. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).