Vụ Vạn Thịnh Phát: Trương Mỹ Lan kháng cáo bản án sơ thẩm

27/04/2024 12:30

Mới đây, từ trại giam, bị cáo Trương Mỹ Lan, 68 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm.

Theo đơn kháng cáo, bị cáo Trương Mỹ Lan trình bày các nguyên nhân trong việc tham gia tái cơ cấu Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) dẫn đến có rủi ro, nhưng bị cáo không chiếm đoạt tiền của SCB. 

Từ đó, bị cáo Trương Mỹ Lan xin xem xét lại tội danh mà tòa án cấp sơ thẩm đã buộc tội và mức án tử hình đối với bị cáo.

Hồ sơ điều tra - Vụ Vạn Thịnh Phát: Trương Mỹ Lan kháng cáo bản án sơ thẩm

Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên xử sơ thẩm.

Trước đó, sau hơn 1 tháng xét xử, chiều 11/4, TAND thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên án đối với bị cáo Trương Mỹ Lan và 85 đồng phạm, liên quan đến các sai phạm xảy ra tại tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan.

Bị cáo Trương Mỹ Lan, cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị quy buộc là người sở hữu thực sự và chi phối hơn 91,5% cổ phần SCB, là người thực tế có quyền lực chỉ đạo, điều hành tuyệt đối mọi hoạt động của SCB; tuyển chọn, bố trí nhân sự chủ chốt tại SCB.

Trương Mỹ Lan cùng nhiều đồng phạm đã thực hiện một chuỗi hành vi gồm: tuyển chọn, bố trí nhân sự thân tín của mình vào các vị trí chủ chốt tại Ngân hàng SCB; thành lập một số đơn vị thuộc Ngân hàng SCB chuyên trách cho vay, giải ngân theo yêu cầu của Trương Mỹ Lan.

Trương Mỹ Lan thành lập, sử dụng hàng ngàn công ty “ma”, thuê nhiều cá nhân; câu kết với các cá nhân đứng đầu nhiều doanh nghiệp liên quan để thực hiện tội phạm; thông đồng với nhiều công ty thẩm định giá để nâng khống giá trị tài sản bảo đảm; tạo lập số lượng rất lớn hồ sơ vay vốn khống để rút tiền từ Ngân hàng SCB;

Lập phương án rút tiền, “cắt đứt” dòng tiền sau giải ngân; bán nợ xấu, bán các khoản cấp tín dụng trả chậm để giảm dư nợ tín dụng, giảm nợ xấu, để che giấu sai phạm; mua chuộc, tác động người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan Nhà nước làm trái công vụ.

Từ đó, Trương Mỹ Lan và đồng phạm, với những vị trí, vai trò khác nhau, thực hiện nhiều tội phạm xâm phạm về sở hữu, xâm phạm hoạt động của Ngân hàng, hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước, trong đó nhiều tội phạm được thực hiện dưới dạng đồng phạm có tổ chức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, chiếm đoạt và gây thiệt hại số tiền đặc biệt lớn.

Để che giấu hành vi phạm tội khi bị thanh tra, kiểm tra, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo các cán bộ chủ chốt của Ngân hàng SCB mua chuộc cán bộ, lãnh đạo cơ quan Thanh tra Giám sát ngân hàng, lãnh đạo NHNN Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh, Tổ trưởng Tổ giám sát tăng cường tại Ngân hàng SCB để các cá nhân có thẩm quyền trên bưng bít, che giấu thông tin sai phạm, báo cáo kết quả thanh, kiểm tra không trung thực, không đầy đủ.

Với các thủ đoạn nêu trên, Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã gây thiệt hại hơn 677.000 tỷ đồng của SCB. Hành vi của Trương Mỹ Lan đủ yếu tố cấu thành các tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, Tham ô tài sản và Đưa hối lộ.

Theo HĐXX, hành vi phạm tội của bị cáo Lan và đồng phạm gây ra là đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại đặc biệt lớn với SCB, đẩy ngân hàng này vào tình trạng mất thanh khoản. Đồng thời, vụ việc gây hoang mang trong người dân, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước, xói mòn niềm tin của nhân dân. 

Trong đó, bị cáo Trương Mỹ Lan đóng vai trò chủ mưu, cầm đầu. Vì vậy, cần áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc nhất mới đủ tác dụng răn đe, phòng ngừa chung.

Từ các nhận định nêu trên, HĐXX quyết định tuyên bị cáo Trương Mỹ Lan án tử hình về tội Tham ô tài sản; 20 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và 20 năm tù về tội Đưa hối lộ. Tổng hợp hình phạt chung là tử hình.

Các đồng phạm của Trương Mỹ Lan bị tuyên các mức án từ 3 năm tù treo đến án chung than về các tội danh bị truy tố.

 Về tội Tham ô tài sản mà Trương Mỹ Lan bị tuyên mức án tử hình, án sơ thẩm nhận định, Trương Mỹ lam và các đồng phạm thực hiện hành vi phạm tội trong một thời gian dài, trong khi Bộ luật Hình sự có sự thay đổi cơ bản về đường lối xử lý tại thời điểm trước và sau ngày 1/1/2018.

Theo đó, trước ngày 1/1/2018, Bộ luật Hình sự năm 1999 không quy định tội Tham ô tài sản đối với các pháp nhân ngoài nhà nước. Do đó, các hành vi phạm tội của Trương Mỹ Lan bị truy tố, xét xử về hành vi vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng;

Những hành vi phạm tội xảy ra sau ngày 1/1/2018 được áp dụng theo Bộ Luật Hình sự năm 2015, khi xử lý hành vi tham ô tài sản cả những người phạm tội tại các tổ chức ngoài ngoài Nhà nước.

Bạn đang đọc bài viết "Vụ Vạn Thịnh Phát: Trương Mỹ Lan kháng cáo bản án sơ thẩm" tại chuyên mục Pháp Luật. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 08 6883 9892) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).