Vì sao Tập đoàn Bệnh viện TNH lấn sân sang lĩnh vực đào tạo?

27/12/2024 16:30

Tại ĐHĐCĐ bất thường, Bệnh viện TNH đã bổ sung ngành nghề đăng ký kinh doanh, nâng tổng số từ 5 lên 14 ngành, bao gồm cả đào tạo ở các bậc đại học, cao đẳng và trung cấp…

Sáng ngày 27/12, Công ty Cổ phần Tập đoàn Bệnh viện TNH (HoSE: TNH) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường lần 1 năm 2024.

Theo đó, HĐQT công ty thông qua việc thay đổi số lượng thành viên HĐQT từ 8 lên 9 người. Đồng thời, bầu bổ sung ông Romeo Fernandez Lledo là Thành viên HĐQT độc lập nhiệm kỳ 2020-2025. Mức thù lao tối đa dành cho thành viên HĐQT độc lập mới được đề xuất là 4 tỷ đồng/năm.

Ông Romeo Fernandez Lledo sinh năm 1955 tại Phillipines từng đảm nhiệm nhiều vị trí cố vấn, tư vấn điều hành tại một số bệnh viện. Hiện ông đang giữ chức Giám đốc Công ty PROSPECT INNOVATIONS AND CONSULTING SERVICES tại Canada.

Mở rộng ngành nghề để giải bài toán nhân sự

Bên cạnh đó, Bệnh viện TNH đã điều chỉnh danh mục kinh doanh, tăng từ 5 ngành nghề lên 14 ngành nghề, trong đó bao gồm đào tạo đại học, cao đẳng, trung cấp;...

Với việc mở rộng thêm lĩnh vực đào tạo, ông Lê Xuân Tân - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Bệnh viện TNH nhấn mạnh: "Trong ngành y tế, cả công lập và tư nhân, nhân lực luôn là vấn đề khó khăn nhất. Hiện chúng ta không chỉ thiếu nhân lực mà chất lượng cũng chưa đạt yêu cầu".

Vì sao Tập đoàn Bệnh viện TNH lấn sân sang lĩnh vực đào tạo?- Ảnh 1.

Ban chủ tọa ĐHĐCĐ bất thường lần 1 năm 2024 của Bệnh viện TNH trả lời các câu hỏi của cổ đông.

Ông Tân chia sẻ thêm rằng, các tập đoàn trong và ngoài nước đều chủ động đào tạo và cung cấp nhân lực cho chính hệ thống của họ. Bệnh viện TNH đã mở rộng một số bệnh viện và đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ đầu tư khoảng 10 bệnh viện lớn. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi nguồn nhân lực rất lớn.

"Nguồn nhân lực từ điều dưỡng đến kỹ thuật viên đều khó tuyển dụng, và ngay cả khi tuyển được, chất lượng vẫn chưa đáp ứng mong muốn", ông Tân cho biết. Vì vậy, việc mở các trường đào tạo về y dược để cung cấp nhân lực nội bộ được xem là hướng đi chiến lược, thậm chí có thể mở rộng sang mục tiêu xuất khẩu lao động trong tương lai.

Về vấn đề cổ đông thoái vốn, ông Ngô Minh Trường – Thành viên HĐQT, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn TNH, cho biết: "Theo các tài liệu công bố, một số cổ đông có chuyển nhượng cổ phần, nhưng đều là giao dịch nội bộ với người liên quan, không phải thoái vốn. Một số cổ phần được chuyển nhượng nằm ngoài phạm vi quản lý của HĐQT và các cổ đông sáng lập".

Tập đoàn Bệnh viện TNH: Tham vọng và thực tế

Một vấn đề cũng được cổ đông công ty thắc mắc là việc công ty không đề cập đến phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ, trong khi vấn đề này từng được đề cập tại nghị quyết HĐQT ngày 1/11 triệu tập ĐHĐCĐ bất thường.

Trả lời cổ đông tại đại hội, ông Trường cho biết, công ty đã làm việc với một số nhà đầu tư chiến lược, chuyên nghiệp, có khả năng đóng góp về mặt tài chính, quản trị và có thể tư vấn để giúp tập đoàn phát triển trong thời gian tới.

Trong quá trình trao đổi, đàm phán, có một số yếu tố công ty chưa làm việc cụ thể được với đối tác. Do đó, ban lãnh đạo vẫn sẽ tiếp tục làm việc và báo cáo với cổ đông tại các đại hội tiếp theo.

Bệnh viện TNH Lạng Sơn: Vừa xây, vừa xin

Về nguồn vốn cho 2 dự án Bệnh viện TNH Hà Nội và Bệnh viện TNH Lạng Sơn, ông Ngô Minh Trường - Phó Tổng Giám đốc TNH, cho biết dự án TNH Hà Nội được triển khai bằng nguồn lực từ lợi nhuận sau thuế kết hợp với các khoản vay ngân hàng. Trong khi đó, tại TNH Lạng Sơn, cơ cấu vốn của dự án duy trì tỉ lệ 45% từ vốn chủ sở hữu, phần còn lại là vốn vay.

Liên quan đến tiến độ xây dựng dự án TNH Lạng Sơn, ông Hoàng Tuyên - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Bệnh viện TNH cho biết, quy mô của dự án là 9 tầng nhưng theo quy hoạch xây dựng của thành phố Lạng Sơn chỉ là 5 tầng. 

Vì sao Tập đoàn Bệnh viện TNH lấn sân sang lĩnh vực đào tạo?- Ảnh 2.

Tại ĐHĐCĐ bất thường, Bệnh viện TNH đã bổ sung ngành nghề đăng ký kinh doanh, nâng tổng số từ 5 lên 14 ngành, bao gồm cả đào tạo ở các bậc đại học, cao đẳng và trung cấp…

TNH đã có hồ sơ xin điều chỉnh quy hoạch lên 9 tầng để phù hợp với nhu cầu phát triển. Việc thay đổi quy hoạch mất rất nhiều thời gian, nên TNH quyết định áp dụng phương án vừa thi công vừa xin thay đổi quy hoạch.

"Hiện tại, 5 tầng đầu đã hoàn thiện, nên không thể tiếp tục xây thêm do đó chúng tôi đang các hạng mục bên trong cũng đang được gấp rút hoàn thành. Thủ tục thay đổi quy hoạch hiện đang ở giai đoạn cuối, và chúng tôi kỳ vọng có thể tiếp tục xây dựng trong quý I/2025", ông Tuyên cho biết.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Bệnh viện TNH cũng khẳng định nỗ lực đẩy nhanh tiến độ, vừa làm vừa hoàn thiện các thủ tục. "Nếu phải chờ hoàn tất thay đổi quy hoạch trước khi khởi công, dự án có lẽ đến nay vẫn chưa thể bắt đầu", ông Tuyên nói.

Trả lời câu hỏi của cổ đông về các đánh giá chưa tích cực đối với dịch vụ của công ty, ông Hoàng Tuyên, cho biết thời gian qua, tập đoàn đã thực hiện nhiều thay đổi về cơ cấu tổ chức, bổ sung nhân sự ở các vị trí quan trọng nhằm nâng cao chất lượng phục vụ.

"Chúng tôi đang tuyển dụng các vị trí như giám đốc marketing, giám đốc nhân sự để đảm nhận các mảng còn yếu. Việc bổ sung đội ngũ nhân sự chất lượng cao là điều cần thiết để cải thiện truyền thông và khắc phục những tồn tại. Bên cạnh đó, công nghệ thông tin cũng là lĩnh vực được tập đoàn chú trọng phát triển trong thời gian tới" ,ông Tuyên nhấn mạnh.

Bạn đang đọc bài viết "Vì sao Tập đoàn Bệnh viện TNH lấn sân sang lĩnh vực đào tạo?" tại chuyên mục Văn hóa - Giáo dục. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).