Vì sao người Việt vẫn “đi cà phê” mỗi ngày bất chấp kinh tế khó khăn?

27/03/2024 16:17

Các khó khăn về kinh tế không làm ảnh hưởng tới thói quen “đi cà phê” của người Việt. Gần 60% người được hỏi cho biết sẵn sàng chi từ 41.000 đồng để “đi cà phê”.

Theo Người Lao Động, ngày 27/3, iPOS.vn công bố Báo cáo thị trường Kinh doanh Ẩm thực (F&B) tại Việt Nam năm 2023. Đây là dự án nghiên cứu chuyên sâu thường niên, do iPOS.vn phối hợp cùng Công ty CP Nghiên cứu ngành và Tư vấn Việt Nam - VIRAC, Hệ thống kênh thông tin và kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực F&B Việt Nam thực hiện trong 4 tháng với gần 3.000 nhà hàng/quán ăn và gần 4.000 thực khách trên cả nước.

Theo khảo sát, mức chi cho "đi cà phê" – khái niệm chỉ việc ra quán phục vụ thức uống - tiếp tục tăng trưởng, khi 59,5% đáp viên cho hay sẵn sàng chi từ 41.000 đồng trở lên cho 1 lần "đi cà phê" (năm 2022 là 58%).

Mức chi phổ biến nhất là từ 41.000 – 70.000 đồng, chiếm 45,2% - tương tự khảo sát năm 2022 nhưng tỉ lệ người chọn tăng hơn (năm 2022 là 44%).

Tiêu dùng & Dư luận - Vì sao người Việt vẫn “đi cà phê” mỗi ngày bất chấp kinh tế khó khăn?

Từ 41.000 - 70.000 đồng là mức chi phổ biến cho một lần đi cà phê hiện nay

Hầu hết, người Việt sẽ thỉnh thoảng "đi cà phê" (khoảng 1-2 lần/tháng), với 42,6% lựa chọn. Số lượng thực khách đi cà phê bên ngoài với tần suất 1-2 lần/tuần tăng cao so với năm 2022, với 30,4% đáp viên lựa chọn (năm 2022 là 22,6%).

Có tới 6,1% người được hỏi thừa nhận "đi cà phê" mỗi ngày. Đây là nhóm khách hàng thường xuyên đến quán nhằm gặp gỡ công việc, còn lại là khách hàng sinh viên và làm việc tự do.

Báo cáo nhận xét đây là một yếu tố bất ngờ trong trong một năm kinh tế khó khăn như năm 2023, khi người Việt tăng chi và tăng tần suất "đi cà phê".

Ngoài ra, khảo sát cũng chỉ ra người đang hẹn hò có tần suất đi cà phê nhiều hơn là 1-2 lần/tuần trong khi người độc thân và có gia đình thường chỉ đi cà phê 1-2 lần/tháng.

Do đó, các chiến dịch truyền thông hướng tới nhóm đối tượng cặp đôi có xu hướng hiệu quả trong vài năm gần đây, đặc biệt vào dịp lễ, Tết.

Tiêu dùng & Dư luận - Vì sao người Việt vẫn “đi cà phê” mỗi ngày bất chấp kinh tế khó khăn? (Hình 2).

TP.HCM là tỉnh thành sở hữu nhiều nhà hàng, quán cà phê nhất, chiếm gần 40% số lượng trên toàn quốc

Báo cáo dẫn số liệu thống kê của Euromonitor, quy mô thị trường cà phê Việt Nam ước đạt 11.560 tỉ đồng vào năm 2023 và tăng lên 12.400 tỉ đồng vào năm nay.

Một bất ngờ khác được nêu trong báo cáo là dù chịu ảnh hưởng bởi những khó khăn chung của nền kinh tế, ngành kinh doanh F&B vẫn khẳng định sức hút với doanh thu ở mức ổn định cao.

Cụ thể, theo khảo sát, có đến 79,6% doanh nghiệp F&B cho biết kết quả kinh doanh tốt và có đủ nguồn lực để phát triển trong tương lai gần.

Trong số các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt, có 51,7% cho biết có dự định mở rộng quy mô trong tương lai gần.

Tính đến hết năm 2023, doanh thu ngành F&B đã ghi nhận mức tăng trưởng 11,47%, đạt hơn 590.000 tỉ đồng.

Theo PLO, các chuyên gia trong lĩnh vực F&B cho rằng đi uống cà phê, trà sữa là hoạt động giải trí của bất kỳ cá nhân nào. Vì vậy các yếu tố liên quan đến trải nghiệm vẫn được người Việt đề cao hơn.

Khảo sát do iPOS thực hiện tại 63 tỉnh thành tại Việt Nam, chủ yếu tại các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Quảng Ninh, Nghệ An, Bình Dương… với hàng nghìn thực khách tham gia.

Ông Vũ Thanh Hùng, Tổng Giám đốc Công ty CP iPOS.vn, đánh giá năm 2023 là một năm đầy thách thức với ngành F&B Việt Nam, với ảnh hưởng chung của nền kinh tế vĩ mô. Tuy vậy, thị trường vẫn có những tín hiệu tích cực, cho thấy sức hấp dẫn và tiềm năng phát triển mạnh mẽ.

KHÁNH LINH (t/h)

Bạn đang đọc bài viết "Vì sao người Việt vẫn “đi cà phê” mỗi ngày bất chấp kinh tế khó khăn?" tại chuyên mục Thị trường. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 08 6883 9892) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).