Vẫn những chuyện làm ta rơi nước mắt

19/08/2024 12:30

Rất nhiều người đã khóc khi hôm qua đọc cái tin về cô bé học trò Lê Thảo Duyên ở Quảng Ngãi. 19 tuổi, 4 lần đeo khăn tang, 1 lần làm mẹ. Và giờ cháu đậu một lúc 3 trường đại học.

Một thân một mình nuôi đứa con nhỏ tên là Gạo, làm thuê làm mướn và học. Học rất giỏi. Đặc biệt, trong những việc làm thêm kiếm tiền để nuôi con, tự nuôi mình và để học như may, làm gia sư, phục vụ nhà hàng, rửa chén quán ăn, bưng bê cà phê, môi giới bán đất... thì có một việc khiến tôi quan tâm và cảm phục: Viết tản văn cho các báo, để lấy nhuận bút, tất nhiên.

Tôi quan tâm bởi tôi cũng là người làm nghề viết, là nhà thơ, nhà báo, bạn bè tôi, đàn em nữa, nhiều người cũng thế, nhưng là khi đã trưởng thành, đã thành danh mới dám mơ kiếm tiền từ chữ, còn khi đang là học trò, được in là may rồi. Thế mà cô bé coi đấy là một việc để kiếm tiền hàng ngày. Hết sức nể.Và rồi tôi cũng giật mình, té ra cô bé là bạn facebook của tôi. 

Hình như trong danh sách 5000 bạn facebook của tôi có mỗi bạn này là học sinh, nhưng khi add cháu thì tôi không biết cháu là học sinh, mà nghĩ đây là một bạn văn đã trưởng thành.

Đọc bài báo về cháu, ngoài chuyện cảm phục cháu, hết sức cảm phục, tôi phải thốt lên với một người bạn: lẫm liệt quá, bi tráng quá, đáng nể quá, thì càng cảm phục gấp bội những người đã quan tâm, đã giúp cháu, mà chi tiết vỡ òa nhất là khi cháu gọi thầy giáo của mình: Thầy nấu cơm cho em ăn với. Thầy lại gọi cho vợ mình, nói nấu cơm cho mẹ con Duyên về ăn.

Hồi tôi đi học, thầy cô là một thế giới khác, thế giới của bề trên, của thánh thần, của hào quang, thế giới để mình ngưỡng mộ, để kính nhi viễn chi, ngưỡng vọng từ xa, chứ đố dám “thầy ơi nấu cơm em ăn với” như thế.

Vẫn những chuyện làm ta rơi nước mắt- Ảnh 1.

Cô bé Lê Thảo Duyên (Ảnh: Báo Tuổi Trẻ)

Và cả cái tập thể các thầy cô của trường ấy, rồi hàng xóm láng giềng, rồi cả cha của bé Gạo, con trai 3 tuổi của Duyên, một chàng trai vắn số, nhưng là chỗ dựa rất lớn của Duyên trong những chuỗi ngày đau khổ cùng cực, bố mẹ đẩy qua đẩy về lênh đênh Quảng Ngãi - Thái Bình, rồi họ cùng qua đời, chỗ dựa cuối cùng là bà ngoại cũng qua đời, và người bạn trai này cũng qua đời vì tai nạn. Hỏi còn có ai có thể khổ hơn thế, nhưng cô bé này đã đứng vững, vẫn học rất giỏi, làm thuê kiếm tiền nuôi con tử tế.

Té ra trong đời, còn rất nhiều những tấm lòng, từ tốt tới cực tốt. Sáng ngồi cà phê nói chuyện, có mấy bạn nhắc tới vụ giáo dụcThái Bình, tới giờ mà một số trường ở tỉnh này vẫn chưa xác định được thời gian nhập học vì lùm xùm vụ thi cử đầu vàotháng trước, giám đốc sở bị đình chỉ công tác. Rằng, bên cạnh những việc như ở Thái Bình thì vẫn có chuyện như cô bé Duyên này và các thầy cô giáo của cháu, những tấm gương đúng nghĩa là những người thầy. 

Đây là tâm sự của thầy Tình trên một tờ báo, người thầy đã gọi cho vợ nấu cơm cho mẹ con Duyên ăn, người mà Duyên coi như cha: “Tôi vừa đi dạy vừa làm ruộng nuôi con. Giá mà tôi khấm khá tí, chắc tôi nuôi thằng Gạo cho nó yên tâm đi học”. Trời ơi, một ông thầy vừa đi dạy vừa làm ruộng nuôi con và tấm lòng Bồ Tát.

Khi tiến sĩ chưa có bằng tốt nghiệp phổ thông trung họcKhi tiến sĩ chưa có bằng tốt nghiệp phổ thông trung họcĐỌC NGAY

Tôi có nhiều bạn văn, từ già tới trẻ, nhưng hình như chưa có ai viết văn, viết báo với mục đích vừa trong sáng vừa thực tế như cô bé này cả. Nên tôi hết sức ủng hộ cháu vào học khoa báo chí của đại học sư phạm Đà Nẵng. Cháu có năng khiếu rồi, giờ là lúc bổ sung kiến thức để có thể hành nghề như một người viết chuyên nghiệp. 

Và nói thật, nếu là người có quyền của trường ấy, ngay lập tức tôi sẽ quyết định nhận cháu vào học. Một tân sinh viên có đầu vào tốt đến như thế mà bỏ qua thì quả là rất đáng tiếc, rất phí. Và học ở đấy, cháu gần quê hơn, sinh hoạt tại Đà Nẵng cũng rẻ và cũng đủ năng động để cháu vừa học vừa làm thêm nuôi con.

Thì cứ rưng rưng về những việc tốt, người tốt như thế, thì lại gặp cái tin là bác sĩ đội nguyên mũ bảo hiểm đỡ đẻ cho sản phụ đẻ rơi bên đường.

Thì cũng tất nhiên, ai gặp trường hợp ấy, kể cả không phải bác sĩ, cũng sẽ xắn tay giúp, không cách này cũng phải cách kia. Nhưng vẫn cứ nghĩ, con người có... số.

Là mẹ cháu bé đang đến trạm xá để sinh thì... bé lòi đầu ra. Đúng lúc ấy thì bác sĩ Giàng A Vinh xuất hiện.

Nó thần kỳ là chỗ này: Từ nhà bác sĩ Vinh ở thị trấn đến trạm xá xã, đúng cái xã mà sản phụ đang đến để sinh ấy, là 40 km. Và hôm ấy là thứ 7, nhẽ anh Vinh ở nhà, nhưng có việc, anh vẫn đến cơ quan, và anh đã gặp đúng lúc cháu bé đòi ra khi cách trạm xá 20 km, tức nửa quãng đường anh đi làm hàng này. Và cái xã mà anh làm việc ấy là xã Nặm Khắt thuộc huyện Mù Cang Chải của tỉnh Yên Bái. Một xã vùng xa của một huyện vùng cao.

Để thấy là, lòng tốt có rất nhiều ngoài đời. Nhưng cũng còn có cả may mắn nữa, sự may mắn để lòng tốt được kích hoạt, được thể hiện, được lan tỏa. Sự may mắn khiến bác sĩ Vinh có mặt đúng lúc. Có thể không gặp bác sĩ Vinh, cháu bé và mẹ sẽ gặp người khác, tấm lòng tốt khác, nhưng cái kết có thể sẽ không hoàn hảo như gặp bác sĩ Vinh. May mắn là vì thế. Thần kỳ là vì thế.

Bạn đang đọc bài viết "Vẫn những chuyện làm ta rơi nước mắt" tại chuyên mục Văn hóa - Giáo dục. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).