Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi)

05/02/2025 22:00

(Chinhphu.vn) - Ngày 5/2, tại Phiên họp thứ 42, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi)- Ảnh 1.

Phiên họp thứ 42, Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Ảnh: VGP/LS

Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV gồm 14 bộ và 3 cơ quan ngang bộ

Trình bày tóm tắt Tờ trình dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, mục tiêu xây dựng dự án Luật là sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ; nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ, tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước hiệu lực, hiệu quả. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, thúc đẩy Chính phủ kiến tạo phát triển, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Theo đó, dự thảo Luật dự kiến gồm 5 chương, 35 điều. So với Luật hiện hành giảm 2 chương, giảm 15 điều. Nội dung cơ bản của dự thảo Luật gồm: Hoàn thiện các quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong mối quan hệ với các cơ quan nhà nước ở Trung ương (Quốc hội, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam); hoàn thiện các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ và mối quan hệ giữa các cơ quan của Chính phủ; hoàn thiện các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong mối quan hệ với chính quyền địa phương.

Đối với Tờ trình về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh sự cần thiết để bộ máy mới nhanh chóng ổn định, đi vào hoạt động ngay, không để ngắt quãng công việc, không để khoảng trống về thời gian, không để bỏ trống địa bàn, lĩnh vực, không để ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của xã hội, của người dân. Theo đó, phương án cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV gồm 14 bộ và 3 cơ quan ngang bộ.

Nêu quan điểm thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Tổ chức Chính phủ. Về cơ bản, các tài liệu trong hồ sơ đã bảo đảm đầy đủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về hồ sơ trình xem xét, thông qua theo trình tự, thủ tục rút gọn. Nội dung của dự thảo Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và thống nhất với các chính sách được đề xuất trong hồ sơ đề nghị xây dựng Luật.

Bên cạnh đó, do Luật Tổ chức Chính phủ được sửa đổi đồng thời với nhiều luật có liên quan như Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân... do đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, đối chiếu để bảo đảm đồng bộ về chính sách và tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng nêu rõ quan điểm đối với một số vấn đề lớn của dự án Luật như: Nguyên tắc phân định thẩm quyền; về phân cấp; về điều khoản chuyển tiếp; về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ; mối quan hệ của Chính phủ với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan tư pháp;...

Trong đó, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy định về "phân cấp", "ủy quyền" tại dự thảo Luật, đồng thời, làm rõ chủ thể được phân cấp, cơ chế chịu trách nhiệm của cơ quan được phân cấp để bảo đảm đồng bộ, thống nhất với quy định của dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); đề nghị làm rõ về việc cơ quan nhận phân cấp có thể phân cấp tiếp cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan nhà nước cấp dưới hay không?

Về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành các phương án như đề nghị của Thủ tướng Chính phủ. Hồ sơ 2 dự thảo Nghị quyết được chuẩn bị đầy đủ, bảo đảm theo quy định pháp luật, đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Phân cấp tối đa để Chính phủ chủ động, tháo gỡ được vướng mắc, đưa đất nước phát triển

Tại phiên họp, các ý kiến tán thành sửa đổi toàn diện Luật Tổ chức Chính phủ nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng về tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ; thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; tiếp tục thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ về đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật....

Đồng thời, các đại biểu tập trung cho ý kiến về một số nội dung trọng tâm liên quan tới quy định về nguyên tắc phân định thẩm quyền; phân cấp, ủy quyền; điều khoản chuyển tiếp, quan hệ của Chính phủ với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội...

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, hiện nay nhân dân rất quan tâm tới việc sắp xếp bộ tổ chức bộ máy nhà nước, bảo đảm đúng chủ trương “tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả”. Do đó, các nội dung trình Quốc hội liên quan tới sắp xếp tổ chức bộ máy phải phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; quá trình chuẩn bị cần khẩn trương, kỹ lưỡng, bảo đảm chất lượng.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra đã làm việc rất trách nhiệm, tích cực, bảo đảm tiến độ. Tuy nhiên, để hoàn thiện cần tiếp tục rà soát bảo đảm nội dung sửa đổi phải phù hợp và thống nhất trong hệ thống pháp luật nói chung. 

Nhấn mạnh trong lần sửa đổi này cần đẩy mạnh phân cấp cho Chính phủ tối đa, để Chính phủ chủ động, tháo gỡ được khó khăn vướng mắc, đưa đất nước phát triển, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu phải bảo đảm tính thống nhất giữa các quy định liên quan tới phân cấp, phân quyền quy định trong luật này với các luật có liên quan như: Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Về nguyên tắc phân định thẩm quyền tại Điều 7, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, quy định phải bám sát chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, bài phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm, đồng thời cần quy định rõ về mối quan hệ giữa Chính phủ và Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các tổ chức chính trị - xã hội,... phân định rõ thẩm quyền giữa cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp. Rà soát, xử lý các nội dung còn giao thoa về chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan.

Nhắc lại yêu cầu của Tổng Bí thư Tô Lâm về phân cấp phân quyền để “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện nội hàm khái niệm về “phân cấp”, “ủy quyền” tại dự thảo Luật để bảo đảm đồng bộ, thống nhất với quy định của dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); quy định rõ về các điều kiện phân cấp như tài chính, nguồn nhân lực, thủ tục hành chính;... Ngoài ra, làm rõ hơn về điều kiện, người được phân cấp, tránh trường hợp đùn đẩy trách nhiệm; cơ quan được phân cấp phải chủ động, không nên quy định về việc phân cấp tiếp.

Liên quan điều khoản chuyển tiếp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần xác định rõ các điều, khoản, điểm của luật, pháp lệnh đã được điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi)- Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi - Ảnh: VGP/LS

Thống nhất cao việc sửa đổi toàn diện Luật Tổ chức Chính phủ

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cao sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Tổ chức Chính phủ và ban hành 2 dự thảo Nghị quyết của Quốc hội. Đồng thời, đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ và cơ quan chủ trì soạn thảo – Bộ Nội vụ cùng các cơ quan có liên quan trong việc khẩn trương chuẩn bị hồ sơ dự án Luật, 2 dự thảo Nghị quyết thể hiện sự nghiêm túc, chất lượng, công phu, đúng quy định, bám sát yêu cầu đổi mới, tư duy xây dựng pháp luật;... 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đánh giá cao Ủy ban Pháp luật đã phối hợp với các cơ quan của Quốc hội khẩn trương tổ chức thẩm tra với nhiều nhận xét, ý kiến xác đáng, cụ thể và phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì soạn thảo hoàn chỉnh hồ sơ.

Về cơ bản, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành các nội dung lớn của dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) đã thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng về đổi mới, sáng tạo sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước “tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả”, phân định thẩm quyền trách nhiệm giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp theo nguyên tắc phân cấp cho Chính phủ tối đa, tạo điều kiện thuận lợi cho Chính phủ quản lý điều hành, phát triển kinh tế - xã hội theo chức năng, nhiệm vụ; thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý giữa Trung ương và địa phương.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu các cơ quan tiếp tục rà soát các luật có liên quan như Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân,... để bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, bảo đảm tuân thủ Hiến pháp.

Về một số nội dung cụ thể, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, liên quan tới quy định về phân cấp cần tiếp tục rà soát, làm rõ hơn nội dung phân cấp, ủy quyền trong hệ thống hành chính, các từ ngữ, thuật ngữ thể hiện, bảo đảm đúng quy định của Đảng, thống nhất trong hệ thống pháp luật, các luật có liên quan. Ngoài ra, bảo đảm đồng bộ giữa phân cấp về nhiệm vụ, quyền hạn được giao với phân cấp về thủ tục hành chính, trình tự giải quyết công việc; làm rõ trách nhiệm giữa cấp trên và cấp dưới trong phân cấp; phân cấp cần gắn với bảo đảm nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm thực hiện kết quả nhiệm vụ. Đồng thời, không phân cấp tiếp; phân cấp phải đảm bảo thông suốt, thuận lợi, khả thi...

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu bổ sung ý kiến của cơ quan thẩm tra, ý kiến tại phiên họp liên quan tới quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ (Điều 10), thời hạn chuyển tiếp; ...

Về 2 dự thảo: Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí theo phương án đề xuất của Chính phủ, đồng thời đề nghị tiếp tục rà soát, tiếp thu ý kiến tại phiên họp để khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án Luật, dự thảo Nghị quyết bảo đảm chất lượng, tiến độ theo quy định.

LS

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi): Tạo khuôn khổ pháp lý đổi mới, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máyLuật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi): Tạo khuôn khổ pháp lý đổi mới, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy
Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Đề xuất sửa Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phươngĐề xuất sửa Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương

Bạn đang đọc bài viết "Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi)" tại chuyên mục Tin tức - Thời sự. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).