Tư vấn an toàn, vệ sinh lao động cho nông dân, ngư dân

25/09/2024 16:13

Ngày 25/9, Ban Chỉ đạo Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động Trung ương tổ chức Hội nghị tổng kết Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2024.

Chú thích ảnh Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động Trung ương phát biểu. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Theo thông tin tại hội nghị, Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2024 diễn ra nhiều hoạt động thiết thực, phong phú; được các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người lao động hưởng ứng sôi nổi, đổi mới, sáng tạo phù hợp với điều kiện tình hình thực tế. Với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan là thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương tham mưu, đề xuất xây dựng chủ đề, kế hoạch, tổ chức cũng như làm việc với một số địa phương, doanh nghiệp về kế hoạch tổ chức Tháng hành động.

Hưởng ứng Tháng hành động, trong 6 tháng đầu năm 2024, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tiến hành 67 cuộc thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về lao động, an toàn, vệ sinh lao động tại 67 đơn vị và xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt trên 1 tỷ đồng.

Về phía các bộ, ngành liên quan, các đơn vị y tế thuộc Bộ Y tế đã tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho gần 207.000 người lao động; khám phát hiện bệnh nghề nghiệp tại 18.537 đơn vị; tiến hành đo kiểm môi trường lao động cho hơn 1.250 đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh. Bộ Quốc phòng đã tổ chức hơn 1.236 lớp huấn luyện cho gần 145.600 người; tổ chức thăm và tặng quà cho 689 gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức thăm hỏi, động viên và tặng quà cho hơn 84.770 nạn nhân, gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động. Và lần đầu tiên, Tổng Liên đoàn tổ chức cuộc thi trực tuyến “Công nhân, viên chức, lao động tìm hiểu về công tác an toàn vệ sinh lao động” ở quy mô toàn quốc với sự tham gia của trên 836.100 người là cán bộ, công nhân viên thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, ngành.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo, các hoạt động truyền thông mạnh về tai nạn, sự cố trước, trong và sau Tháng hành động đã góp phần cảnh báo và nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, doanh nghiệp; đã có sự chuyển biến và quan tâm hơn đến công tác an toàn, vệ sinh lao động, phòng, chống tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sức khỏe tâm thần cho người lao động, giảm xung đột tại nơi làm việc; chú ý đầu tư đáng kể để cải tiến công nghệ, cải thiện điều kiện làm việc.

Việc tổ chức triển khai thực hiện Tháng hành động của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đã thực sự đi vào chiều sâu và hiệu quả, gắn với chức năng, nhiệm vụ của mình, đặc biệt là chăm lo người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và cả người lao động ở khu vực phi kết cấu. Nhiều hoạt động thiết thực nhằm giảm căng thẳng, giảm xung đột tại nơi làm việc đã được bộ, ngành, doanh nghiệp thực hiện, hưởng ứng tích cực. Các doanh nghiệp đã quan tâm, chú trọng đến công tác quan trắc môi trường, cải thiện điều kiện làm việc, tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng, chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động.

Song, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những hạn chế, tồn tại. Nổi lên là các nội dung hoạt động hưởng ứng Tháng hành động trong các làng nghề, khu vực không có quan hệ lao động chưa tạo được chuyển biến mạnh mẽ, tích cực. Tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2024 có xu hướng giảm nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp. Một số địa phương tai nạn lao động chết người tăng cao như Đồng Nai (30 người), Thành phố Hồ Chí Minh (26 người), Hà Nội (22 người), Quảng Ninh (18 người)...

Chú thích ảnh Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Chu Thị Hạnh trình bày "Báo cáo kết quả tổ chức Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2024" của Ban Chỉ đạo. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Theo bà Chu Thị Hạnh - Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), hiện nay các đơn vị đang xây dựng Kế hoạch tổng thể Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động năm 2025 và hướng vào những vấn đề trọng tâm, nổi cộm. Trong đó, sẽ gắn với các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống cháy nổ và các hoạt động của Tháng Công nhân.

Dự kiến sẽ tăng thời lượng thông tin, tuyên truyền về an toàn, vệ sinh lao động và phòng, chống cháy nổ phù hợp với đặc thù, điều kiện sản xuất, nhóm đối tượng theo hướng dễ hiểu, dễ nhớ, dễ tiếp cận. Tăng cường các hoạt động thông tin, tư vấn, hỗ trợ về an toàn, vệ sinh lao động trong cả khu vực có quan hệ lao động, các làng nghề, cho nông dân, ngư dân, đặc biệt trong sử dụng các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động - bà Chu Thị Hạnh cho biết.

Chú thích ảnh Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Hà Tất Thắng trình bày kế hoạch và công tác tổ chức Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2025. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Về lễ phát động năm 2025, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho ý kiến có thể tập trung vào nâng cao ý thức, trách nhiệm, huấn luyện của người sử dụng lao động. Về thi đua khen thưởng, Bộ sẽ hướng dẫn cụ thể và đề nghị các bộ, ngành giới thiệu hồ sơ chất lượng, ví dụ doanh nghiệp không có tai nạn lao động, cơ quan làm tốt an toàn vệ sinh lao động…

Bạn đang đọc bài viết "Tư vấn an toàn, vệ sinh lao động cho nông dân, ngư dân" tại chuyên mục Xã hội. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).