Thực ra thì chuyện các cơ quan nhà nước, nhất là ở các huyện vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn, tiếp khách rồi... ký nợ, rồi cuối năm tìm nguồn trả nó cũng chả mới mẻ, chả lạ lùng gì.
Tôi từng có tới mấy bài báo kể chuyện vui các cơ quan, nhất là các hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, tiếp và... trốn khách.
Có một cơ quan báo của một tỉnh miền Trung, là đô thị du lịch, phải phát công văn xin ý kiến cấp trên về việc... tiếp khách. Vì bất cứ đoàn khách nào đi xuyên Việt thì đều chọn địa phương này là... chiếu nghỉ.
Hồi Vinaphone mới ra cái anh điện thoại cố định nhưng sim di động (gọi là Gphone) mới vui. Là số thì cố định, nhưng gọi như di động, lắp sim vào điện thoại di động. Dùng máy này, đến trước cổng cơ quan hoặc cổng nhà, gọi vào số "đối tác", đối tác thấy đầu số Hà Nội, Sài Gòn chả hạn, hồn nhiên bảo đang ở cơ quan hay ở nhà, thế là... anh đã bị bắt. Bởi nhiều vụ, đứng trước cổng, thấy rõ sếp đang ngồi trong phòng, nhưng gọi di động, nghe trả lời: eng đeng rồi, tui đang đi huyện (anh đen rồi, tôi đang đi huyện), hài hước đến nỗi thành chuyện tiếu lâm.
Lại có câu như là ca dao mới: "Bộ về thì tỉnh giết trâu/ Tỉnh lên, bộ hỏi đi đâu chú mày/ Tỉnh về, thì huyện giết cầy/ Huyện lên, tỉnh hỏi chú mày đi đâu/ Huyện về thì xã giết gà/ Xã lên huyện quát, bỏ nhà đi đâu?"...
Lại nhớ một thời, cũng chưa xa lắm, nhưng giờ nhớ lại, nó như hồi xửa xưa.
Thời ấy, thế hệ ba mẹ tôi, đi công tác là cái xe đạp với ba lô cột sau cái đèo hàng. Và thứ quan trọng nhất trong túi là... tem gạo. Tới đâu, xé một ô trong cái tem ấy, báo cơm. Cấp trên cấp dưới đều thế. Con cái về nhà hay bố mẹ lên thăm con đều thế. Bạn bè đến thăm nhau đều thế.
Rồi dần dần sau này, hào phóng, khách về thì mời cơm dù khách có công tác phí, gồm tiền tàu xe máy bay (tùy tiêu chuẩn cấp bậc), tiền lưu trú và phụ cấp công tác. Thường thì cấp dưới lên trên thì phải tự lo, cấp trên về thì cấp dưới lo. Nhiều khi lo món tiếp các vị cấp trên ăn ở còn tốn thời gian hơn lo việc chuẩn bị báo cáo để làm việc với cấp trên.
Chỉ nguyên việc uống gì cũng nhiều khi đã cãi nhau chí chóe. Thủ trưởng bảo với kế toán, khách này quan trọng, uống Ken nhé. Kế toán bảo bia Sài Gòn thôi, Ken ai kêu nấy trả. Thế là cãi nhau, và đa phần là... kế toán thắng, bởi kế toán chính là người phải hợp thức hóa toàn bộ chứng từ.
Thế nên lại nhớ cái vụ văn phòng hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai "tiếp khách", CSĐT đã kiểm tra hơn 1.000 bộ hóa đơn, cử điều tra viên đến 61 tỉnh thành trong cả nước để xác minh việc chi tiêu tiếp khách từ năm 2013 đến năm 2016. Chỉ riêng trong năm 2015, khoản tiền mà Văn phòng này đề nghị Sở Tài chính Gia Lai quyết toán chi tiếp khách lên đến 3,2 tỉ đồng. Có những thời điểm chi tiếp khách hết sức kỳ lạ, có ngày từ hai đến ba lần mời khách và địa điểm mời có độ xê dịch lớn từ "các tỉnh miền Tây Nam bộ đến Đông Nam bộ và ra cả miền Trung".
Và, chỉ vì "tiếp khách" mà chánh văn phòng, phó chánh văn phòng và kế toán cơ quan này phải đi tù.
Nói cho công bằng, nếu không tư túi, nhân cơ hội tiếp khách mà mang về nhà, thì cái lệ tiếp khách của ta nó cũng đã gây rất nhiều phiền toái, nhiều chuyện cười ra nước mắt đối với "khổ chủ". Nên có hồi bộ tài chính phải ra hẳn cái quy định về tiếp khách, những là bao nhiêu chai nước suối, bao nhiêu chai bia, cấm tiếp rượu ngoại vân vân.
Và nó cũng phải sinh ra cái tệ... nói dối, tệ kê khống, tệ xin/ mua hóa đơn vân vân.
Và nó cũng sinh ra, người có quyền to nhất trong cơ quan là... kế toán.
Bởi quả là, chính họ là người phải nghĩ cách hợp thức hóa, từ kê vống số người (có quy định mỗi người khách không được quá bao nhiêu tiền), kê khống nước suối, kê khống số đoàn (nên trong một ngày có khi phải tiếp 3-4 đoàn) vân vân.
Nó rất nhiều chuyện bi hài mà phải trong cuộc mới hiểu. Nên hồi còn đi làm, trừ những cuộc phải "phương diện quốc gia", còn khách nhưng nếu là bạn thì tôi toàn tự tiếp, nặng đô hơn thì nhờ bạn bè có điều kiện. Những cuộc "phương diện quốc gia" thì cũng phải thủ thuật, ví dụ kêu rất to những món đắt tiền, xịn xò, rồi nhà hàng (đã được hẹn trước) e lệ xin lỗi món ấy vừa hết, xin thay bằng món khác, vân vân...
Và cũng làm khách nhiều, nhưng rút từ mình, tôi luôn "liệu cơm gắp mắm" giúp chủ, không để chủ phải khó xử, phải nợ nần, phải khi gặp mình lần sau thì chào kiểu "Bác lại xuống ạ".
Nhưng cũng có những ông khách rất kinh, chủ tiếp bằng bia Sài Gòn hoặc rượu quê, khách móc ví (giả vờ) xin đổi bia Ken hoặc rượu ngoại, phần chênh lệch khách trả, tất nhiên không chủ nhà nào chịu thế, bèn cười mà như mếu, thì Ken, thì Chivas.
Bây giờ đời sống khá hơn rất nhiều, khách đa phần tự túc, thậm chí còn mời chủ. Nên cái sự đòi nợ ở cái huyện nghèo kia nó là ta vừa buồn cười vừa xót.
Nhưng nó cũng chỉ ra một hiện trạng có thật, hiện trạng tiếp khách bằng tiền ngân sách, rồi không đủ, rồi ký nợ, rồi đồng lần năm này sang năm khác. Nên về cơ sở, chủ yếu là huyện và xã ấy, bao giờ họ cũng có những quán "quen" để tiếp khách. Quán này được chọn vì có thể nợ. Tất nhiên khi tính tiền thì cái lãi của nợ cũng phải được ghép vào rồi. Nhưng nợ tới hơn chục năm như vụ "đòi nợ" đang nhắc thì quả là nó vượt ngưỡng chịu đựng. Hơn nữa, huyện sắp giải tán, nguy cơ mất tiền đã nhỡn tiền nên phải quyết liệt đòi, chứ những quán ăn như thế này cũng là chỗ... có đi có lại. Và các cơ quan nợ ấy, họ chính là khách hàng xịn, là "đối tác" đặc biệt cả đấy...
Và chưa kể, nhiều khi tiếp khách nhưng không phải tiếp khách dù hóa đơn ghi tiếp khách nhưng chả có khách nào. Nó hài hước tới... bi thương.
Còn rất nhiều bi hài quanh chuyện tiếp khách, dẫu như đã nói, bây giờ đã rất khác ngày xưa, tức mươi lăm năm trước, rồi...
* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả!