DNCS- Từ ngày 18 đến 27/01/2019, trường Đại học Ngân Hàng TP.HCM vinh dự đăng cai tổ chức cuộc họp thường niên lần thứ nhất của Dự án JEUL (Enterprise-University Links) trong khuôn khổ Chương trình Erasmus+ “Nâng cao năng lực của các tổ chức giáo dục thông qua các chương trình hợp tác với các doanh nghiệp”.
Theo đại diện Ban Giám hiệu trường ĐH Ngân Hàng TP. Hồ Chí Minh, Một trong những thách thức lớn của sinh viên sau khi tốt nghiệp là áp lực do thị trường lao động có tính cạnh tranh cao vì kiến thức, chuyên môn của sinh viên sau khi ra trường chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao và thay đổi của nhà tuyển dụng, dẫn đến tỷ lệ sinh viên thất nghiệp ngày gia tăng.
Thực trạng này đã hướng sinh viên của các trường đại học quan tâm hơn đến các chương trình đào tạo có tính sáng tạo và tính thực tế cao gắn liền với các hoạt động của doanh nghiệp thay vì chỉ tiếp thu kiến thức chuyên môn khô khan.
Nhận thấy được sự thay đổi trên, các trường đại học tại Việt Nam đã tăng cường liên kết và hợp tác với các trường đại học lớn tại Châu Âu để học hỏi các kinh nghiệm thực tiễn trong việc xây dựng môn học và chương trình đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu của sinh viên trong điều kiện thị trường năng động. Kết quả là, Dự án Liên kết doanh nghiệp và trường đại học (JEUL – Enterprise-University Links) được thành lập trong khuôn khổ chương trình “Erasmus+ Nâng cao năng lực của các tổ chức giáo dục thông qua các chương trình hợp tác với các doanh nghiệp”, khởi động từ tháng 10/2017 dự kiến đến tháng 10/2020.
Dự án sẽ giới thiệu các yếu tố sáng tạo nhằm tạo nên những tác động tích cực và lan tỏa, góp phần nâng cao năng lực của các trường đối tác tại các quốc gia đang phát triển (cụ thể là Trung Quốc và Việt Nam). Tổng giá trị của dự án là 934.494 €, được tài trợ bởi Ủy ban Châu Âu (EU) với 09 đối tác, trong đó có 05 trường Đại học Châu Âu, 02 trường Đại học Việt Nam và 02 trường Đại học Trung Quốc.
Dự án JEUL sẽ tạo ra các tác động lâu dài và bền vững, cụ thể sau khi kết thúc dự án, mối quan hệ hợp tác giữa các trường đại học tại khu vực Châu Âu và các trường đại học là thành viên của dự án sẽ tiếp tục phát triển mối quan hệ hợp tác ở các phương diện khác nhau (hợp tác triển khai thực hiện các dự án khác, các thỏa thuận song phương, liên kết hợp tác đào tạo và cấp bằng …) các điều khoản chung. Các nhóm mục tiêu của dự án là các trường đại học, đội ngũ nhân sự, các sinh viên hiện tại và sinh viên tiềm năng của trường và các doanh nghiệp. Chính phủ và xã hội sẽ là các đối tượng nhận được từ tác động tích cực kể trên từ dự án.
Cũng tại đây, đại diện lãnh đạo nhà trường cho biết, là một trong những thành viên của dự án, trường Đại học Ngân hàng Tp.HCM sẽ cùng các thành viên khác tích cực triển khai dự án thông qua các hoạt động như giới thiệu các phương pháp giảng dạy dựa trên các bài tập tình huống được xây dựng từ các doanh nghiệp địa phương và nền kinh tế vĩ mô. Bên cạnh đó phương pháp giảng dạy chủ yếu tập trung vào các tình huống thực tế và việc giải quyết tình huống là một yếu tố sáng tạo tại các nước của các trường thành viên nơi mà các phương pháp giảng dạy thường mang nặng định hướng lý thuyết.
Ngoài ra, các trường đại học Trung Quốc và Việt Nam sẽ hợp tác cùng thúc đẩy quan hệ hợp tác hỗ trợ cả ở cấp khu vực và ở cấp độ rộng hơn (các trường đại học ở các nước châu Âu và đối tác).
Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM vinh dự được tổ chức cuộc họp thường niên dự án Erasmus JEUL lần thứ nhất vào ngày 18 đến 27/01/2019 tại cơ sở 36 Tôn Thất Đạm, quận 1, TP.HCM.
Tại đây đại diện các đối tác và các trường sẽ tham dự các buổi hội thảo về kết quả khảo sát doanh nghiệp và ý kiến phản hồi từ sinh viên (theo mục 3.2 của dự án JEUL). Ngoài ra các chuyên gia đến từ EU sẽ đến Việt Nam và Trung Quốc để hỗ trợ triển khai nền tảng VLE – Virtual Learning Environment (theo mục 4.3 của dự án JEUL).
Có thể nói dự án là bước tiến lớn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục và cho thấy sự quan tâm đúng đắn của các trường đối tác và thành viên tham gia dự án trong việc thay đổi và thích nghi với thị trường có nhu cầu ngày càng tăng và thay đổi từng ngày từng giờ./.
Vũ Hạnh