Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại cổ phần về các giải pháp góp phần phát triển kinh tế-xã hội đất nước tổ chức chiều 21/9, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) Hồ Hùng Anh cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều chỉ đạo, định hướng cho ngành ngân hàng như chỉ thị số 14/CT-TTg, Chị thị số 29/CT-TTg, chỉ thị số 01/CT-NHNN... Techcombank luôn tích cực bám sát những chủ trương, chỉ đạo nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng.
Triển khai nhiều giải pháp tín dụng
Cụ thể, theo Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh, ngân hàng đã không ngừng cải tiến, nâng cấp và ban hành mới các sản phẩm tín dụng phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp theo từng lĩnh vực ngành nghề nhằm đưa ra những giải pháp phù hợp nhất cho khách hàng cũng như có thể giải quyết được triệt để những khó khăn do đặc thù riêng trong lĩnh vực hoạt động kinh doanh của khách hàng.
Techcombank đã tập trung phát triển tín dụng cho phân khúc SMEs theo phương châm tín dụng dễ dàng bằng các chương trình/ chiến dịch cụ thể như: Chương trình cấp tín dụng nhanh không có tài sản bảo đảm (đến 5 tỷ) cho nhóm khách hàng phi tín dụng hiện hữu đang có giao dịch tài khoản tại trên FEB; Chương trình cấp tín dụng nhanh không có tài sản bảo đảm (đến 5 tỷ) thông qua khách hàng khai thác trên kênh đối tác.
Quy trình vay vốn trên MISA Lending chỉ mất 2 phút thực hiện và được số hóa hoàn toàn. Doanh nghiệp nhận kết quả hồ sơ vay vốn chỉ trong 1 ngày và không yêu cầu phải có tài sản đảm bảo. Đối với các chương trình này, Techcombank đã cấp tín dụng được cho hơn 1 nghìn khách hàng trên địa bàn Hà Nội.
Bên cạnh đó, chương trình vay tín chấp một phần hoặc toàn bộ được mở rộng thông qua chính sách quản lý khoản vay thông qua các biện pháp kiểm soát sau giải ngân thay vì dùng công cụ tài sản bảo đảm.
Thực hiện chuỗi các chương trình kết nối giữa các doanh nghiệp kinh doanh trong cùng lĩnh vực, Techcombank giúp doanh nghiệp có thêm nhiều bạn hàng, ví dụ như kết nối với hiệp hội gỗ, hiệp hội Logistics hoặc các chương trình mở rộng quan hệ đối tác để phát triển tín dụng theo chuỗi với chính sách tín dụng đồng nhất phù hợp.
Ngoài ra, thực hiện chính sách giảm phí, lãi vay trên diện rộng và cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư 02/TT-NHNN ngày 23/4/2023 và Thông tư 06/2024/TT-NHNN gia hạn thêm 6 tháng cho Thông tư 02/TT-NHNN, tính đến hết 31/8/2024, tổng giá trị nợ gốc mà Techcombank đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ lũy kế là 6,206 tỷ đồng, tổng giá trị nợ lãi đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ lũy kế là 154 tỷ đồng.
Techcombank cũng thực hiện chiến dịch xây dựng các giải pháp nhằm đơn giản hóa và rút ngắn quy trình, thủ tục cho vay để khách hàng dễ dàng thuận lợi tiếp cận vốn vay và áp dụng số hóa để nâng cao trải nghiệm của khách hàng, ví dụ: Chương trình giải ngân và phát hành bảo lãnh online.
Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh cho biết còn có chương trình tín dụng cho chủ đầu tư dự án và người mua tại các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ với tổng doanh số giải ngân đăng ký 5.000 tỷ đồng.
Về tình hình lãi suất huy động và cho vay, thực hiện theo đúng chủ trương của Chính phủ và NHNN về việc triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất, lãi suất cho vay của Techcombank có xu hướng giảm dần kể từ cuối năm 2022.
Tính đến thời điểm tháng 8/2024, lãi suất cho vay bình quân của Techcombank ở mức 7.73%, tiếp tục giảm so với tháng 3/2024 và đã giảm 2.24% so với thời điểm Tháng 12.2023. Trong đó, so với thời điểm 31/12/2023, tại 31/8/2024, lãi suất cho vay bình quân khách hàng cá nhân đối với các khoản vay thuộc lĩnh vực sản xuất kinh doanh là một trong những lĩnh vực ghi nhận mức giảm nhiều nhất (giảm 2.48% từ mức 10,11% xuống còn 7,63%).
Tìm giải pháp ổn định, khơi thông dòng vốn trên thị trường
Tại hội nghị, đại diện Techcombank, ông Hồ Hùng Anh đã đưa ra 3 đề xuất, kiến nghị. Thứ nhất, đó là rất cần thiết phải khơi thông nguồn vốn lãi dài hạn cho doanh nghiệp phát triển ổn định từ thị trường chứng khoán. Tạo điều kiện thuận lợi cho phép các doanh nghiệp được tiếp cận vốn đầu tư từ các nhà đầu tư tổ chức, cá nhân nhằm đa dạng hóa nguồn vốn, cũng như tạo ra cơ sở vốn vững chắc, ổn định cho đầu tư máy móc, thiết bị, khôi phục và mở rộng sản xuất.
Thứ hai, với nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh: Cần xây dựng các chương trình, các gói hỗ trợ từ nguồn Ngân sách, cụ thể là các chương trình bảo lãnh tín dụng, đặc biệt là cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp gặp khó khăn trong xuất khẩu, bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn; bổ sung, gia hạn các chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng (VAT) cho các năm tiếp theo; giảm thiểu các thủ tục giấy tờ, qua đó giảm các loại chi phí liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh như chi phí vận tải, xuất nhập khẩu… nhằm giúp doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng tài chính.
Thứ ba, cần có các cơ chế, chính sách mạnh hơn nữa nhằm khuyến khích doanh nghiệp trong chuyển đổi xanh, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tham gia thị trường vốn/phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp làm dự án xanh, các cơ chế khuyến khích về thuế và bảo hiểm tín dụng xanh./.
Phương Liên