TPBS Hoa Nhất được “phù phép” thành thuốc trị Gout

14/11/2024 12:30

Sản phẩm Hoa Nhất, vốn chỉ là thực phẩm bổ sung, bất ngờ được quảng cáo như một loại thuốc đặc trị gout, khiến không ít người bệnh lầm tưởng về hiệu quả thần kỳ của sản phẩm.

Từ thực phẩm bổ sung đến “thần dược” trị bệnh Gout?

Sau khi bài viết

Rất nhiều trang Fanpage về sản phẩm Hoa Nhất được lập ra và chạy quảng cáo liên tục trên MXH gây hiểu nhầm là thuốc điều trị bệnh gout.

Chiến lược của Hoa Nhất là sử dụng hình ảnh của những nghệ sĩ nổi tiếng như Quyền Linh, Đan Trường, Quang Thắng và Chiến Thắng để quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội (MXH), tạo dựng niềm tin với người tiêu dùng. Đặc biệt, các video quảng cáo còn lồng ghép hình ảnh bác sĩ và dược sĩ trong trang phục chuyên môn, nhằm tăng tính thuyết phục và chuyên nghiệp cho sản phẩm.

Trong một đoạn video thu hút đông đảo lượt xem, nghệ sĩ Chiến Thắng chia sẻ: “Sữa hạt trị gout Hoa Nhất, chỉ một ly vào buổi tối giúp chấm dứt gout, xóa sổ Topic, khắc phục rối loạn chuyển hóa, tan lắng đọng urat, đào thải axit dư thừa, hết đau nhức và trị dứt điểm gout, không lo tái phát. Đây là giải pháp hiệu quả số một hiện nay”. 

Trong clip quảng cáo, nghệ sĩ Chiến Thắng liên tục sử dụng từ "trị", "điều trị dứt điểm", "không tái phát",... khi sử dụng sản phẩm Hoa Nhất, mặc dù đây chỉ là thực phẩm bổ sung (Video trên Fanpage của sản phẩm Hoa Nhất).

Những lời quảng cáo như vậy không chỉ khiến người xem bị cuốn hút mà còn tạo cảm giác tin tưởng vào sản phẩm như một phương pháp điều trị gout nhanh chóng và toàn diện.

Đồng thời nghệ sĩ còn kêu gọi những người bị gout hãy dùng sản phẩm và giới thiệu những chương trình ưu đãi hấp dẫn.

Sự nhiệt tình của nghệ sĩ Chiến Thắng trong lời quảng cáo này khiến nhiều người bệnh dễ dàng đặt kỳ vọng vào công dụng kỳ diệu mà sản phẩm được cho là mang lại, mà không mảy may nghi ngờ về tính xác thực.

Trên trang website https://www.chuagouthoanhat.website/chinhhang, sữa hạt Hoa Nhất được mô tả có khả năng “tiêu diệt gout tận gốc, đánh bay tinh thể urat, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm và đảm bảo khỏi 100% gout cấp, mãn tính và di truyền”. 

Những lời hứa hẹn như "ngăn ngừa biến chứng ung thư hoặc tàn phế" càng làm tăng nỗi lo lắng của người tiêu dùng và thôi thúc họ mua sản phẩm. Đáng chú ý, các quảng cáo này không đính kèm bất kỳ nghiên cứu hay thử nghiệm lâm sàng nào để chứng minh hiệu quả.

TPBS Hoa Nhất được “phù phép” thành thuốc trị Gout- Ảnh 2.

Bài quảng cáo của sản phẩm Hoa Nhất trên trang website https://www.chuagouthoanhat.website/chinhhang.

"Chỉ cần kiêng lòng lợn và thịt chó, khỏi ngay bệnh gout"

Để tìm hiểu rõ thông tin về sản phẩm, phóng viên (PV) liên hệ theo số hotline: 0985****** trên trang website của Hoa Nhất. Trong vai có người nhà bị bệnh gout lâu năm, PV được nhân viên tên Trang tư vấn tận tình. 

Trang khẳng định chỉ cần dùng 1 ly mỗi ngày, với 2 muỗng pha 200ml nước ấm, người bệnh sẽ thấy kết quả rõ rệt chỉ trong thời gian ngắn. Theo Trang, trong quá trình sử dụng, đội ngũ “chuyên gia” sẽ gọi điện đồng hành và hướng dẫn bệnh nhân. 

Trang tự tin cho rằng chỉ cần một liệu trình là 3 hộp (mua 2 tặng 1) với giá 3,5 triệu đồng, uống trong vòng 2 tháng là có thể chữa khỏi hoàn toàn gout và không phải kiêng gì ngoài lòng lợn và thịt chó.

Khi phóng viên thắc mắc rằng liệu có thực sự khỏi hoàn toàn không, Trang khẳng định chắc nịch rằng: “sản phẩm bên em dùng cực kỳ tốt, có những khách hàng bị rất nặng đi lại khó khăn mà khi dùng sản phẩm này vẫn đạt hiệu quả thì chị phải biết sản phẩm này chất lượng như thế nào”.

Thậm chí, cô cam đoan kết quả sẽ kéo dài đến 10 năm, sau 10 năm chỉ cần uống nhắc lại nếu tái phát.

Tra cứu trên MXH, PV tỏ ra băn khoăn vì thấy trên bao bì sản phẩm chỉ ghi là sản phẩm bổ sung chứ không phải là thuốc, Trang lập tức cắt ngang và nói: “sản phẩm này thực chất cũng là thuốc, nhưng được bào chế dạng sữa để không ảnh hưởng đến dạ dày và thận, không gây tác dụng phụ”. 

TPBS Hoa Nhất được “phù phép” thành thuốc trị Gout- Ảnh 3.

Theo bản tự công bố ngày 22/7/2024, sản phẩm Hoa Nhất thực chất chỉ là thực phẩm bổ sung chứ không phải là thuốc đặc trị như quảng cáo.

Tuy nhiên, khi được hỏi về những giấy tờ chứng minh sản phẩm trên là thuốc thì Trang chỉ đưa ra được bản tự công bố sản phẩm. Nghĩa là sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất tự lập và công bố, công ty sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Theo bản tự công bố ngày 22/7/2024, sản phẩm Hoa Nhất cũng do Công ty Cổ phần Thương mại Quốc tế Otis Việt Nam phân phối, có địa chỉ đăng ký tại tầng 4, số 7A Lê Đức Thọ, Phường Mai Dịch, Quận Cầu Giấy, Hà Nội và người đại diện pháp luật là ông Hoàng Mạnh Hùng.

Điều đáng nói, theo nội dung công bố này, sản phẩm Hoa Nhất chỉ đăng ký là thực phẩm bổ sung, hoàn toàn không phải là thuốc đặc trị như quảng cáo rầm rộ trên MXH. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn cố tình tự gán nhãn "sữa đặc trị" nhằm gia tăng sức hút, lừa dối không ít khách hàng, đặc biệt là những người mắc bệnh gout với mong muốn tìm cách điều trị hiệu quả. 

Thêm vào đó, khi phóng viên đến trụ sở công ty tại số 7A Lê Đức Thọ, Phường Mai Dịch, Quận Cầu Giấy để xác minh, bảo vệ tòa nhà cho biết không có công ty nào tên như trên tại đây, khiến thông tin càng trở nên mập mờ. 

TPBS Hoa Nhất được “phù phép” thành thuốc trị Gout- Ảnh 4.

Bảo vệ tòa nhà cho biết không có công ty nào tên Cty Cổ phần Thương mại Quốc tế Otis Việt Nam ở đây.

Những chiêu trò quảng cáo và tuyên bố vô căn cứ này không chỉ làm mất niềm tin của người tiêu dùng mà còn có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của họ.

Thực tế "sữa" Hoa Nhất liệu có đặc trị gout?

Gout là một dạng viêm khớp đặc thù do sự tích tụ axit uric trong máu, khiến các tinh thể urat hình thành trong khớp, gây ra những cơn đau nhức dai dẳng. Việc điều trị gout không đơn giản chỉ là sử dụng thuốc, nó đòi hỏi một kế hoạch dài hạn bao gồm kiểm soát chế độ ăn uống, điều chỉnh lối sống và tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ dẫn y tế.

Chia sẻ với Người Đưa Tin, ThS.Bs Hồ Thị Lê - Bệnh viện Quân y 175 cho biết: "Gout là bệnh do rối loạn chuyển hóa purin, làm tăng axit uric trong máu và gây ra tình trạng viêm khớp đau đớn. 

Điều trị gout là một quá trình kéo dài, không thể nhanh chóng khỏi trong vài tuần như các quảng cáo về ‘sữa đặc trị gout’ thường hứa hẹn. Người bệnh cần điều chỉnh lối sống, chế độ ăn uống và kiểm soát các yếu tố nguy cơ để ngăn ngừa tái phát". 

Bác sĩ Lê nhấn mạnh, không có sản phẩm nào mà điều trị dứt điểm bệnh gout chỉ trong vòng 2 tháng, những lời quảng cáo về sản phẩm hứa hẹn chữa khỏi bệnh gout trong thời gian ngắn như vậy thực sự cần thận trọng xem xét vì có thể gây hiểu lầm và dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe.

TPBS Hoa Nhất được “phù phép” thành thuốc trị Gout- Ảnh 5.

Theo bác sĩ, không có sản phẩm nào mà điều trị dứt điểm bệnh gout trong vòng 2 tháng .

Trong khi đó, các tư vấn viên của Hoa Nhất lại không ngần ngại đưa ra những khuyến nghị thiếu cơ sở, như khuyên bệnh nhân gout chỉ cần kiêng lòng lợn và thịt chó, bỏ qua những thực phẩm khác. 

Thực tế, theo Ths.Bs Lý Việt Hải – Trưởng khoa Hồi sức tích cực – chống độc, Bệnh viện Đa khoa Hòe Nhai, chế độ ăn uống đối với người bị gout phải được kiểm soát chặt chẽ và khoa học. 

Người bệnh gout cần giảm lượng đạm, nhất là hạn chế rượu bia, đồng thời tránh thịt đỏ, tôm, cá – giới hạn dưới 100g cho người dưới 50kg và không quá 150g cho người trên 60kg.

Bên cạnh đó, bác sĩ Hải cũng khuyến cáo người bệnh nên ăn những thực phẩm ít purin như thịt lợn nạc, lườn gà, trứng, sữa ít béo, với protein chỉ chiếm khoảng 10% khẩu phần. 

Tăng cường các loại rau quả giúp đào thải axit uric như cherry, dâu tây, cải bẹ xanh, cam cũng rất có ích. Đối với chất béo, nên ưu tiên dầu oliu, dầu lạc, dầu vừng và hạn chế dầu đậu nành, dầu hạt hướng dương, đồ chiên rán và mỡ động vật. 

Những thực phẩm giàu carbohydrate an toàn với gout như cơm, mì, khoai, bánh mì, ngũ cốc, có tác dụng giảm và hòa tan axit uric, rất thích hợp để bổ sung vào bữa ăn hàng ngày.

TPBS Hoa Nhất được “phù phép” thành thuốc trị Gout- Ảnh 6.

Chế độ ăn uống đối với người bị gout phải được kiểm soát chặt chẽ, khoa học và nên có lối sống lành mạnh.

Ngoài ra, bác sĩ còn khuyên người bệnh nên uống đủ nước mỗi ngày (khoảng 40ml/kg cân nặng) để hỗ trợ quá trình đào thải axit uric qua đường tiểu, kèm theo 500-1000mg vitamin C để tăng cường sức khỏe. Cách chế biến món ăn cũng cần lưu ý, nên ưu tiên các món hấp, luộc thay vì chiên xào nhiều dầu mỡ.

Kiểm tra sức khỏe định kỳ và theo dõi nồng độ acid uric trong máu. Nếu có triệu chứng bất thường hoặc nghi ngờ mắc bệnh gout, nên đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ và tuân thủ các hướng dẫn sử dụng thuốc.

Stress và áp lực có thể làm tăng sản sinh cortisol, một loại hormone có liên quan đến việc tăng nồng độ acid uric trong máu. Do đó, nên tìm những cách thư giãn và giải tỏa stress như nghe nhạc, thiền, yoga, đọc sách...

Hào Kim: Sữa hạt "đặc trị" hay cú lừa "đặc sắc"?Thu hồi toàn quốc thuốc viên nén trị gout CALCERGY của Dược phẩm Bình Minh

Bác sĩ Hải cũng cảnh báo, việc sử dụng các sản phẩm quảng cáo là "đặc trị gout" mà không có sự chứng minh khoa học có thể gây tác dụng phụ nguy hiểm như nhiễm độc gan, tăng huyết áp, tiểu đường, và đặc biệt dẫn đến tình trạng suy thận hoặc dị ứng nghiêm trọng.

Gần Tết, khi nhu cầu sức khỏe càng tăng cao, nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc lại tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội, với những lời quảng cáo hoa mỹ và hứa hẹn khó tin. 

"Người tiêu dùng cần phải tỉnh táo, sáng suốt trong việc lựa chọn sản phẩm, tránh rơi vào cạm bẫy của những chiêu trò marketing thiếu minh bạch. 

Sức khỏe là tài sản quý giá nhất, vì vậy, hãy luôn bảo vệ bản thân và gia đình bằng cách tìm hiểu kỹ lưỡng, tham khảo ý kiến chuyên gia và chỉ mua sắm từ những nguồn đáng tin cậy", bác sĩ Hải khuyến cáo.

Nhóm PV

Bạn đang đọc bài viết "TPBS Hoa Nhất được “phù phép” thành thuốc trị Gout" tại chuyên mục Văn hóa - Giáo dục. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).