
Tại cuộc tiếp xúc, sau khi nghe đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang báo cáo với cử tri về kết quả Kỳ họp thứ 8, dự kiến nội dung chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV và việc giải quyết kiến nghị của cử tri từ lần tiếp xúc trước, cử tri thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang bày tỏ phấn khởi, đồng tình trước những việc làm quyết liệt, khẩn trương, tinh thần trách nhiệm cao, với nhiều quyết sách mang tính cách mạng, đột phá, tạo nền tảng để phát triển đất nước.
Bà Lê Thị Trúc Ngọc, cử tri phường Mỹ Bình (thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang), cho rằng, cần rà soát, sàng lọc, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ thận trọng, kỹ lưỡng để không ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước; đánh giá, phân loại cán bộ khách quan, công khai, dựa trên kết quả quá trình làm việc.
Bà Ngọc đề nghị Trung ương sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ dôi dư, cán bộ hoạt động không chuyên trách ở cấp xã sau khi sáp nhập.
Đồng tình với chủ trương sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, tạo không gian, dư địa phát triển mới, ông Nguyễn Quốc Khánh, cử tri phường Bình Khánh (thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang) đề nghị cần tăng cường tuyên truyền và thông tin sâu, rộng đến mọi tầng lớp nhân dân về những tiềm năng, nguồn lực phát triển của tỉnh mới sau khi tiến hành sáp nhập, điều chỉnh địa giới hành chính, để người dân nắm rõ, từ đó đồng thuận, ủng hộ chủ trương lớn mà Đảng, Nhà nước đang triển khai.
Bên cạnh đó, cử tri cũng đề nghị các cấp có thẩm quyền quan tâm, đầu tư phát triển các khu vui chơi, giải trí trên địa bàn, nhằm giúp người dân rèn luyện sức khỏe, thúc đẩy phong trào thể dục thể thao trong cộng đồng dân cư; xem xét đầu tư bến phà nối từ thành phố Long Xuyên sang Cồn Phó Ba (phường Mỹ Bình, thành phố Long Xuyên) và xã Mỹ Hòa Hưng…

Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của cử tri; bày tỏ xúc động trước tình cảm, sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân về các đường lối, chủ trương phát triển đất nước của Đảng và nhà nước.
Về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cho biết, các công việc liên quan đang được thực hiện rất khẩn trương, quyết liệt, với tinh thần trách nhiệm cao…, nhằm đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới. Chính quyền địa phương sau sắp xếp phải bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân, đáp ứng các yêu cầu quản trị xã hội hiện đại, thực hiện được các mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững; tạo thế và lực mới cho nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại; tạo đà và động lực cho phát triển kinh tế; chăm lo ngày một tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Phó Chủ tịch nước cho rằng, để thực hiện được mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam trở thành một nước phát triển, thu nhập cao, vượt qua bẫy thu nhập trung bình, cần phải có sự thay đổi mạnh mẽ về khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, từ đó có nền sản xuất mới, cũng như phương thức sản xuất mới, cách quản trị mới để theo kịp các nước phát triển.
Theo Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, sau khi sắp xếp, sáp nhập tỉnh Kiên Giang và tỉnh An Giang, tỉnh mới có không gian, diện tích rộng lớn hơn, địa hình phong phú hơn, nguồn nhân lực lớn hơn… tạo tiền đề, động lực phát triển mới trong tương lai. Để phát huy được lợi thế sau khi sáp nhập hai tỉnh, Phó Chủ tịch nước lưu ý, cấp ủy, chính quyền và nhân dân hai tỉnh Kiên Giang và An Giang phải thật sự năng động, sáng tạo, phát huy được tất cả những lợi thế và thực hiện tốt các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước đề ra.

"Nếu chúng ta vẫn tiếp tục với tư duy cũ, cách làm cũ và níu kéo những giá trị cũ, không tiến bộ thì sẽ không theo kịp nhu cầu phát triển của thời đại", Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nhấn mạnh.