Thừa Thiên-Huế trước vận hội mới - Kỳ 3: Giải bài toán khó ở phía Tây

23/10/2024 09:30

Một trong những thành công của Thừa Thiên-Huế là giải được bài toán khó ở mạn phía Tây khi đưa huyện A Lưới thoát khỏi huyện nghèo năm 2024.

Trên hành trình hoàn thành mục tiêu trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, có lẽ với lãnh đạo tỉnh

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện A Lưới thoát nghèo năm 2024 cho lãnh đạo huyện.

Trong đó, huyện A Lưới đã chú trọng thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) giảm nghèo các năm 2022, 2023; Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, thực hiện các Nghị quyết của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế; Nghị quyết của Huyện ủy và HĐND huyện A Lưới về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022-2025, UBND huyện A Lưới đã xây dựng kế hoạch giảm nghèo giai đoạn 2022-2025.

Nhờ triển khai có hiệu quả các Chương trình MTQG kể trên và thực hiện đồng bộ các giải pháp nên tổng vốn đầu tư toàn xã hội của huyện A Lưới đạt 1.279 tỷ đồng/năm; thu ngân sách đạt hơn 26,9 tỷ đồng/năm. Đến nay, nhiều xã biên giới ở A Lưới có sự khởi sắc đáng kể khi đã tăng cường đào tạo việc làm, hỗ trợ nhà ở và các mô hình sinh kế giúp cho người dân tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Thừa Thiên-Huế trước vận hội mới - Kỳ 3: Giải bài toán khó ở phía Tây- Ảnh 2.

Sức sống mới ở A Lưới.

Cùng với triển khai có hiệu quả các Chương trình MTQG, huyện A Lưới còn thực hiện đồng bộ nhiều chính sách, kế hoạch về giảm nghèo bền vững. Nhờ vậy nên từ năm 2021 đến 2023, quy mô hộ nghèo và hộ cận nghèo đa chiều của huyện A Lưới giảm từ 9.207 hộ xuống còn 5.720 hộ, giảm 3.487 hộ (giảm 37,87%), và đến cuối năm 2024 sẽ giảm còn 3.681 (2.057 hộ nghèo và 1.624 hộ cận nghèo). Theo đó, quy mô hộ nghèo, hộ cận nghèo đa chiều trong giai đoạn 2021-2024 của huyện A Lưới giảm 5.526 hộ, tương ứng giảm 60,02%, đạt mục tiêu về giảm tỷ lệ nghèo đa chiều quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 1 Quyết định số 880/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Về thu nhập bình quân đầu người, vào cuối năm 2020, huyện A Lưới đạt 25 triệu đồng/người/năm, đến cuối năm 2023 đạt mức 35,22 triệu đồng/người/năm (tăng 1,41 lần).

Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết, dự kiến đến cuối năm 2024, huyện A Lưới đạt mức thu nhập 40 triệu đồng/người/năm (tăng 1,6 lần) và cuối năm 2025 đạt trên 45 triệu đồng/người/năm (tăng 1,8 lần). Kết quả này đạt mục tiêu về mức thu nhập của hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện A Lưới theo quy định điểm c, khoản 1, Điều 1 Quyết định số 880/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Đổi đời nhờ thay đổi tập quán, nếp nghĩ

Nhớ lại vào năm 2011, do ảnh hưởng của dự án thuỷ điện trên sông A Sáp, nên người dân trong thôn phải để chuyển đến sống tại Khu tái định cư xã Hồng Thượng, huyện A Lưới, anh Hồ Văn Lứa, Bí thư chi bộ thôn A Đên, xã Hồng Thượng, cho biết, gần như 90% các hộ di dân này là người dân tộc thiểu số Tà Ôi và Pa Cô và đều là hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Sau nhiều năm, nhờ sự quan tâm, hỗ trợ chính sách của chính quyền địa phương, hiện nay, cả thôn A Đên gồm 89 hộ với gần 380 nhân khẩu chỉ còn 21 hộ nghèo, giảm xuống chỉ còn khoảng 20%.

Thừa Thiên-Huế trước vận hội mới - Kỳ 3: Giải bài toán khó ở phía Tây- Ảnh 3.

Anh Hồ Văn Lứa thoát nghèo từ năm 2022.

Để đạt được kết quả này, theo anh Lứa, chính là nhờ sự thay đổi trong tập quán của người đồng bào dân tộc thiểu số. Trước đây, bà con người dân tộc của thôn đều quen với kiểu canh tác trồng trọt là gieo trồng lên đất để rồi phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên, hay chăn nuôi thì quen với tập quán thả rông.

Bí thư chi bộ thôn A Đên chia sẻ, sau những lần được địa phương, các ban ngành tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, được tiếp xúc với những điều mới mẻ, bà con đã bắt đầu áp dụng các phương pháp học được vào sản xuất, gieo trồng nên năng suất vì thế mà tốt hơn.

Thừa Thiên-Huế trước vận hội mới - Kỳ 2: Cần “đánh thức” kinh tế về đêm

“Không chỉ được học về kỹ thuật phương pháp chăn nuôi, trồng trọt, người dân còn được hỗ trợ về cây giống, vật nuôi. Nhiều hộ trong thôn nhờ áp dụng hiệu quả nên đã nhanh chóng thoát nghèo”, anh Lứa thông tin.

Bản thân hộ anh Lứa trước đây cũng là hộ nghèo, sau khi được mở mang kiến thức, tiếp xúc các mô hình kinh tế nông nghiệp và sự hỗ trợ về vốn, gia đình anh đã thoát nghèo vào năm 2022.

Anh Lứa cho biết, hiện anh có đàn bò khoảng 4 con, tới đây, nhờ hỗ trợ vay vốn, anh sẽ mở rộng đàn và đầu tư xây dựng thêm chuồng trại để chăn nuôi tập trung.

Trong căn nhà bê tông cấp 4 kiên cố, Bí thư thôn A Đên chia sẻ, sau khi tiếp cận với những cái mới tại các lớp tập huấn, anh biết thêm nhiều mô hình hay nên mạnh dạn đầu tư nuôi thêm ngan vịt, gà, thỏ, cá trê phi và giun quế. Tất cả đều được anh nuôi theo mô hình khép kín, tận dụng hiệu quả các phế phẩm từ hoạt động trồng trọt.

Thừa Thiên-Huế trước vận hội mới - Kỳ 3: Giải bài toán khó ở phía Tây- Ảnh 4.

Thừa Thiên-Huế trước vận hội mới - Kỳ 3: Giải bài toán khó ở phía Tây- Ảnh 5.

Mô hình nuôi thỏ, giun quế, cá trê của anh Lứa đang phát huy hiệu quả.

Nói về hành trình thoát nghèo của huyện nhà, anh Lê Hoàng Vũ Hải Quang, Chánh văn phòng UBND huyện A Lưới (một cán bộ trẻ, năng động từng kinh qua nhiều vị trí cơ sở, nằm lòng đời sống, nếp sinh hoạt và những đổi thay của bà con đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn), chia sẻ, một trong những điều mà huyện làm tốt đó chính là giải quyết công ăn việc làm cho người dân, đặc biệt là lực lượng lao động trẻ.

Theo số liệu anh Quang cung cấp, trong 6 tháng đầu năm nay, các thành phần kinh tế trên địa bàn huyện ước giải quyết việc làm cho 250 lao động. Tổ chức 06 lớp dạy nghề cho hơn 120 học viên thuộc Chương trình 1719. Đặc biệt, đã mở 27 hội nghị tư vấn tuyên truyền công tác và từ đầu năm đến nay đã đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động, đã có 32 người xuất cảnh, đạt 45,7% kế hoạch năm.

Thừa Thiên-Huế trước vận hội mới - Kỳ 3: Giải bài toán khó ở phía Tây- Ảnh 6.

Anh RaPat Lục, một người vươn lên thoát nghèo và thay đổi cuộc sống sau khi đi làm việc ở nước ngoài về.

Theo Chánh văn phòng UBND huyện A Lưới, những năm gần đây, nhờ phát huy tốt công tác vận động, định hướng việc làm cho lực lượng lao động trẻ cùng sự phối hợp hiệu quả với các trung tâm giới thiệu việc làm uy tín, rất nhiều con em người đồng bào dân tộc thiểu số đã xuất cảnh lao động ở nhiều nước như: Nhật, Hàn Quốc. Hằng năm, nhờ tiền gửi từ lực lượng này, nhiều hộ gia đình không chỉ có vốn làm ăn, mà còn thay đổi tích cực đời sống sinh hoạt.

Trong căn nhà 2 tầng vừa mới xây xong, anh RaPat Lục (SN 1990), trú ở thôn Pa Ring-Cân Sâm, xã Hồng Hạ, vui mừng chia sẻ, nhờ được địa phương tư vấn, hỗ trợ qua trung tâm việc làm nên năm 2020 anh đã đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản.

Sau 4 năm hết hạn hợp đồng, trở về với số vốn trong tay, anh Lục đã giúp ba mẹ xây lại căn nhà gỗ xập xệ trước đây thành nhà 2 tầng với chi phí hơn 800 triệu đồng và đưa gia đình thoát hộ cận nghèo. Số tiền tích cóp còn lại, anh Lục dự định sẽ đầu tư xây dựng một trang trại kết hợp giữa chăn nuôi và trồng trọt trên khu đất có sẵn của gia đình.

Thừa Thiên-Huế trước vận hội mới - Kỳ 3: Giải bài toán khó ở phía Tây- Ảnh 7.

Căn nhà 2 tầng anh RaPat Lục vừa xây mới cho ba mẹ.

Ông RaPat Tha - Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Hạ - chia sẻ, trước đây, phần lớn thanh niên người dân tộc thiểu số trên địa bàn học xong cấp 3 thường ở lại địa phương lập gia đình hoặc vào nam làm công nhân, họ chấp nhận sống cuộc sống dưới mức trung bình. Sau khi thấy nhiều trường hợp người trẻ trên địa bàn thay đổi đời sống kinh tế nhờ đi lao động nước ngoài, nhiều người đã thay đổi cách nhìn về xuất khẩu lao động và thay đổi nếp nghĩ, mạnh dạn theo xu thế mới với mong muốn thoát cuộc sống cơ cực.

“Hằng năm, xã thường phối hợp với huyện đoàn và Trung Tâm Dịch vụ việc làm Tỉnh Thừa Thiên-Huế để hỗ trợ, tư vấn và đưa thành công nhiều người đi làm việc ở nước ngoài. Những người này đã góp một phần rất lớn vào việc thay đổi đời sống kinh tế của nhiều hộ gia đình trên địa bàn”, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Hạ nói.

Phát huy thế mạnh, cam kết không để tái nghèo

A Lưới là tỉnh có diện tích rừng lớn nhất tỉnh Thừa Thiên-Huế với hơn 100.000 ha. Để phát huy hơn nữa thế mạnh này, Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết, thời gian tới, địa phương sẽ quan tâm chú trọng và khuyến khích bà con tham gia phát triển rừng theo tiêu chuẩn quốc tế FSC của châu Âu.

Thừa Thiên-Huế trước vận hội mới - Kỳ 3: Giải bài toán khó ở phía Tây- Ảnh 8.

Thế mạnh của A Lưới là có diện tích rừng lớn.

Muốn làm tốt được việc này, ngoài công tác tuyên truyền vận động bà con thay đổi tập quán trồng rừng “ăn xổi”, theo ông Hùng, các sở ban ngành cũng cần chú trọng đến việc đảm bảo lợi ích cho người dân khi tham gia phát triển rừng theo tiêu chuẩn quốc tế FSC. Trong đó, đặc biệt phải đảm bảo nguồn giống cây trồng chất lượng, uy tín cho bà con. Vì giống là vấn đề then chốt quyết định đến chất lượng và năng suất rừng trồng. Giống tốt thì khi cây phát triển trên 5 năm, đảm bảo đủ tiêu chuẩn sẽ không bị gãy, đổ…

Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết, hiện diện tích rừng trên địa bàn huyện được cấp chứng chỉ FSC là 1.760 ha; diện tích rừng gỗ lớn đến nay là 2.014 ha; dự kiến đến cuối năm 2024 đạt 2.164 ha. Với sự nỗ lực của chính quyền địa phương, cùng sự đồng thuận của người dân, càng nhiều diện tích rừng đạt chuẩn FSC tăng, tiến tới làm tín chỉ carbon, bà con sẽ được tiếp cận với nguồn chi trả giảm phát thải nhà kính, góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ dân sống gần rừng.

Chia sẻ về cam kết sẽ không để A Lưới tái nghèo, Chủ tịch UBND huyện A Lưới Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, sau khi thoát khỏi huyện nghèo, địa phương sẽ tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, sự phối hợp của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể, phát huy vai trò già làng, trưởng bản trong thực hiện công tác giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, sẽ tiếp tục sử dụng có hiệu quả nguồn vốn của Nhà nước, thực hiện tốt các Chương trình MTQG lồng ghép xây dựng nông thôn mới, các đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, dự án phát triển du lịch và khôi phục, phát triển nghề truyền thống gắn với giảm nghèo bền vững.

“Các hộ thoát nghèo sẽ được huyện tiếp tục quan tâm, hỗ trợ phát triển chăn nuôi, trồng trọt, được tham gia học tập, chuyển giao khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất. Ngoài ra, hộ nghèo và cận nghèo sẽ được tham gia học nghề, vay vốn sản xuất, được thụ hưởng các chế độ chính sách của Nhà nước trong các chương trình hỗ trợ đồng bào vùng khó khăn. Huyện cam kết các hộ thoát nghèo giai đoạn 2021-2025 không tái nghèo trở lại”, Chủ tịch UBND huyện A Lưới khẳng định.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Thanh Bình, thời gian qua, tỉnh đã nỗ lực triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội với nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Và huyện A Lưới được Thủ tướng Chính phủ công nhận thoát nghèo năm 2024 có ý nghĩa hết sức quan trọng trong tiến trình xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW, ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị.

Lê Kông

Bạn đang đọc bài viết "Thừa Thiên-Huế trước vận hội mới - Kỳ 3: Giải bài toán khó ở phía Tây" tại chuyên mục Văn hóa - Giáo dục. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).