Thứ trưởng Bộ Tài chính chia sẻ về dự án "1 luật sửa 7 luật"

29/10/2024 08:30

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết, dự án "1 luật sửa 7 luật" sẽ tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn, giải phóng nguồn lực tập trung cho tăng trưởng kinh tế.

Theo chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng nay (29/10) Quốc hội sẽ cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia (Dự án 1 luật sửa 7 luật).

Đây là Dự án Luật quan trọng, nếu được thông qua, được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những vấn đề lớn, mang tính cấp bách, điểm nghẽn của nền kinh tế. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đã có những chia sẻ với báo chí xung quanh Dự án Luật.

Giải quyết "điểm nghẽn của điểm nghẽn"

PV: Thưa Thứ trưởng, dự kiến tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ thông qua Dự án 1 luật sửa 7 luật trong lĩnh vực tài chính. Việc cùng một lúc chúng ta dùng 1 luật sửa 7 Luật sẽ rút ngắn thời gian và có ý nghĩa như thế nào?

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi: Chúng ta đã biết, việc xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng. Tháo gỡ những vướng mắc, "điểm nghẽn" trong thể chế tức là chúng ta giải quyết được "điểm nghẽn của điểm nghẽn".

Với quyết sách của Trung ương cũng như Bộ Chính trị về việc xử lý các vướng mắc, "điểm nghẽn" trong hệ thống pháp luật về tài chính vừa qua, chúng tôi cho rằng đây là chủ trương rất trúng, rất đúng và rất kịp thời.

Thứ trưởng Bộ Tài chính chia sẻ về dự án "1 luật sửa 7 luật"- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi.

Sau khi được Chính phủ đồng ý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận, Bộ Tài chính đã chủ trì soạn thảo trình Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung 7 luật thuộc lĩnh vực tài chính theo trình tự, thủ tục rút gọn, tập trung vào các vấn đề mà thực tế đòi hỏi, yêu cầu. Việc dự án luật được soạn thảo theo thủ tục rút gọn đã rút ngắn được thời gian so với trình tự, thủ tục xây dựng luật thông thường và luật cũng có hiệu lực ngay sau khi được phê chuẩn.

Với những nội dung báo cáo Quốc hội phê duyệt tại kỳ họp này, chúng tôi khẳng định sẽ giải phóng được rất nhiều nguồn lực, tạo ra nhiều điều kiện thuận lợi để đóng góp vào sự phát triển của kinh tế xã hội trong thời gian tới, nhất là tại thời điểm này, chúng ta chỉ còn hơn 1 năm cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII của Đảng.

PV: Bộ Tài chính là đơn vị chủ trì soạn thảo dự án luật này. Dự kiến những mục tiêu lớn, mang tính cấp bách nào cần phải sửa ngay để đáp ứng việc quản lý và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế?

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi: Các chính sách lớn khi chúng tôi đề xuất sửa đổi, bổ sung tại Dự án luật này tập trung giải quyết những vướng mắc, điểm nghẽn, có thể kể đến như tháo gỡ điểm nghẽn trong cơ chế chia sẻ, phân bổ, huy động nguồn lực ngân sách Nhà nước, tài sản công nhằm huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính Nhà nước cho tăng trưởng kinh tế. 

Các nội dung này được thể hiện ở việc sửa Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Chúng tôi cũng tập trung chính sách nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ, tăng cường phân cấp, phân quyền cho các cấp, đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng, Tổng Bí thư là phân cấp mạnh, để "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm". Quan điểm này thể hiện trong sửa Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Kế toán.

Thứ trưởng Bộ Tài chính chia sẻ về dự án "1 luật sửa 7 luật"- Ảnh 2.

Quốc hội sẽ cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia

Cùng với đó, chúng tôi đề xuất thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp quản lý chặt chẽ nguồn thu, mở rộng cơ sở thu để đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời và đảm bảo sự công bằng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế. Nội dung này được thể hiện trong sửa Luật Quản lý thuế.

Ngoài ra, chúng tôi cũng đề xuất các chính sách hướng tới đảm bảo tính công khai, minh bạch, thuận lợi để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, quyền tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp, thu hút các nguồn lực của nhà đầu tư trong và ngoài nước, đảm bảo phát triển thị trường vốn, thị trường chứng khoán một cách bền vững… Những nội dung này thể hiện trong nội dung sửa Luật Chứng khoán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Kế toán.

Đồng thời, đề xuất chính sách khi sửa Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Dự trữ quốc gia nhằm tăng tính chủ động trong quan hệ đối ngoại với các nước anh em.

Giảm bớt tình trạng các dự án phải đợi vốn đầu tư

PV: Với Luật Ngân sách Nhà nước sửa đổi, dự kiến có 3 nhóm chính sách lớn, nổi bật là bổ sung cơ chế cho phép sử dụng vốn đầu tư phát triển của địa phương để hỗ trợ ngân sách Trung ương, hỗ trợ các địa phương khác đầu tư dự án hạ tầng có tính chất vùng và liên vùng. Các chính sách này có tháo gỡ được các "điểm nghẽn" thực tế không, thưa ông?

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi: Trong thời gian qua, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết thí điểm cho phép một số địa phương được sử dụng ngân sách địa phương để đầu tư vào các công trình, dự án trọng điểm của Trung ương và trên địa bàn. Nội dung này cũng đã được luật hóa trong Luật Thủ đô.

Một số công trình hạ tầng trọng điểm đã được thực hiện và thực tế đã phát huy hiệu quả tích cực. Có thể kể đến nhiều dự án thực hiện theo cơ chế này, như các tuyến đường vành đai của Hà Nội, Tp.HCM, dự án sân bay Điện Biên, dự án cầu Bạch Đằng (nối Tp.Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh), dự án cầu Như Nguyệt,…

Thứ trưởng Bộ Tài chính chia sẻ về dự án "1 luật sửa 7 luật"- Ảnh 3.

Luật Ngân sách Nhà nước sẽ thúc đẩy việc huy động được nguồn ngân sách của các cấp (Ảnh: Phạm Tùng).

Trên cơ sở chủ trương của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Bộ Tài chính cũng đề xuất với Chính phủ trình Quốc hội bổ sung nội dung này trong Luật Ngân sách Nhà nước để làm sao chúng ta huy động được nguồn ngân sách của các cấp, các địa phương tham gia đầu tư vào các dự án hạ tầng quan trọng, có tính chất liên vùng, liên tỉnh, liên quốc gia, thậm chí là liên quốc tế.

Nếu cơ chế này được giải quyết, sẽ tạo ra nguồn lực tổng thể, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả trung ương và địa phương để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm của đất nước, đóng góp vào sự phát triển của kinh tế xã hội của từng địa phương, của vùng, của cả quốc gia, không những ở thời điểm hiện tại mà còn trong tương lai.

PV: Vậy điều này cũng sẽ giúp chúng ta giảm bớt tình trạng các dự án đợi vốn đầu tư công từ ngân sách Nhà nước, đặc biệt trong bối cảnh sắp tới chúng ta cũng sẽ có những dự án mang tính chất liên vùng như Thứ trưởng vừa chia sẻ?

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi: Tôi hoàn toàn đồng tình. Việc này sẽ huy động được sức mạnh tổng thể của cả trung ương và các địa phương và nó không chia cắt NSNN nhưng phải trên cơ sở các dự án có tính chất động lực cho phát triển vùng, liên tỉnh, cả quốc gia.

Nâng cao chất lượng trái phiếu doanh nghiệp

PV: Một nội dung cũng đang được rất quan tâm trong bối cảnh mong muốn thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng đó là dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi đang đề xuất quy định nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu riêng lẻ. Thay đổi này có tác động thế nào tới thị trường trái phiếu doanh nghiệp?

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi: Luật Chứng khoán đã được Quốc hội ban hành và có hiệu lực thực thi từ năm 2019. Thời gian qua trong quá trình phát triển thị trường đã nảy sinh một số vấn đề, đặc biệt liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Bộ Tài chính nhận thấy cần phải báo cáo Chính phủ để Chính phủ báo cáo Quốc hội có những điều chỉnh để đảm bảo mục tiêu đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra là phát triển thị trường vốn, thị trường chứng khoán một cách an toàn, bền vững, minh bạch.

Thứ trưởng Bộ Tài chính chia sẻ về dự án "1 luật sửa 7 luật"- Ảnh 4.

Thị trường chứng khoán, thị trường vốn, đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ phát triển bền vững sau khi luật sửa đổi được ban hành.

Đối với nhà đầu tư cá nhân, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán hiện đang quy định theo hướng tôn trọng quyền đầu tư của các nhà đầu tư cá nhân trên thị trường. Do đó, Bộ Tài chính không đề xuất sửa các nội dung liên quan đến quyền đầu tư của nhà đầu tư cá nhân trên thị trường, nhà đầu tư cá nhân được quyền đầu tư tất cả các loại trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường, hạn chế rủi ro và đảm bảo quyền lợi trong hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư cá nhân trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, khắc phục những hạn chế của thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong thời gian qua, dự thảo Luật bổ sung quy định theo hướng nâng chất lượng của trái phiếu.

Chúng tôi cũng đề xuất sửa đổi quy trình quyết định phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp đủ điều kiện được nhanh chóng xem xét, cấp chứng nhận phát hành trái phiếu ra công chúng huy động vốn. Đối với trái phiếu phát hành ra công chúng, tất cả các nhà đầu tư cá nhân, tổ chức không phân biệt là chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp đều có thể tham gia.

"1 luật sửa 4 luật" khơi thông điểm nghẽn sẽ tác động tốt nền kinh tế

Chúng tôi cũng tính đến việc các chính sách mới đưa ra cần phải có thời gian để thị trường có sự thích ứng. Do đó, những quy định này chúng tôi dự kiến trình Quốc hội cho phép có hiệu lực từ ngày 1/1/2026.

Tôi tin tưởng rằng, với những đề xuất của Bộ Tài chính, thị trường chứng khoán, thị trường vốn, đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển bền vững, minh bạch, nâng cao chất lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, thúc đẩy các doanh nghiệp công khai, minh bạch thông tin, góp phần cải thiện niềm tin của nhà đầu tư, từ đó, thu hút nguồn vốn đầu tư cho các doanh nghiệp.

PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng đã chia sẻ!

Bạn đang đọc bài viết "Thứ trưởng Bộ Tài chính chia sẻ về dự án "1 luật sửa 7 luật"" tại chuyên mục Tài chính - Chứng khoán. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).