Chiều 12/11, tiếp tục phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị Bộ trưởng cho biết việc quản lý và kiểm soát nội dung trên các nền tảng số xuyên biên giới gặp nhiều khó khăn do sự khác biệt về pháp lý và công nghệ.
"Bộ Thông tin và Truyền thông có kế hoạch gì để tăng cường hợp tác quốc tế, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm nhằm để nâng cao hiệu quả quản lý, đồng thời bảo vệ lợi ích quốc gia trên không gian mạng", đại biểu chất vấn.
Ông cũng đề nghị Bộ trưởng cho biết thực trạng, trách nhiệm và giải pháp xử lý vấn đề này.
Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Việt Nam là nước có chủ quyền trên không gian mạng, có luật pháp, có chính quyền, có lực lượng trong tay, do đó các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới phải tuân thủ pháp luật Việt Nam.
"Không chỉ tuân thủ luật pháp mà còn phải góp phần xây dựng đất nước mà mình đang kinh doanh", ông Hùng nói.
Ông Hùng cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm việc trong nhiều năm và đã đạt được nhiều kết quả rất tích cực như tăng tỉ lệ gỡ bỏ thông tin xấu, độc (từ 10-20% năm 2018 đến nay đã nâng lên tỉ lệ trên 95%); trường hợp đặc biệt phải xử lý trong vòng hai tiếng với các thông tin xấu, độc.
"Trước đây chỉ gỡ bỏ thông tin xấu, độc, bây giờ phải gỡ bỏ các tài khoản, xóa các trang tạm thời, thậm chí xóa vĩnh viễn", Bộ trưởng cho hay.
Vẫn theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, nhiều mạng xã hội lớn đã hợp tác với Bộ Thông tin và Truyền thông để tuyên truyền chống tin giả, lừa đảo trực tuyến, đồng thời quảng bá hình ảnh, con người Việt Nam ra nước ngoài. Ngoài ra, các mạng xã hội đã tuân thủ pháp luật của Việt Nam, đã đóng thuế ở Việt Nam.
"Trong 2,5 năm, chúng ta đã thu được trên 20.000 tỷ đồng, tăng 6 lần so với trước đây. Các mạng xã hội cũng hiện diện pháp lý ở Việt Nam để thuận tiện xử lý các thông tin, các vi phạm", Bộ trưởng thông tin.