Thủ đoạn lừa chạy chuyển trường chiếm đoạt tiền tỷ của cựu giáo viên

17/12/2024 08:30

Do thua lỗ trong đầu tư bất động sản nên Trâm đã giả mạo cán bộ ngành giáo dục để lừa đảo, chiếm đoạt gần 1 tỷ đồng của nhiều giáo viên trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Giả mạo cán bộ ngành giáo dục

Ngày 17/12, tin từ Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, cơ quan đã phối hợp với Viện kiểm sát cùng cấp tống đạt các quyết định khởi tố, thực hiện khám xét nơi ở của Dương Thị Lệ Trâm (30 tuổi, ngụ tại huyện Đức Trọng) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo điều tra của Công an, Dương Thị Lệ Trâm từng làm giáo viên hợp đồng tại một trường học ở thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng. Năm 2016, Trâm nghỉ dạy rồi chuyển qua làm môi giới, đầu tư bất động sản.

Đến tháng 10/2023, do thua lỗ trong đầu tư bất động sản nên Trâm nảy sinh ý định lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân. Trâm làm bảng tên, tự xưng là người của ngành giáo dục tỉnh Lâm Đồng, tìm gặp những giáo viên có nguyện vọng chuyển đơn vị công tác để nhận "chạy" việc.

Thủ đoạn lừa chạy chuyển trường chiếm đoạt tiền tỷ của cựu giáo viên- Ảnh 1.

Dương Thị Lệ Trâm tại cơ quan công an (Ảnh: CACC).

Để lừa đảo, Trâm lên mạng Internet, truy cập vào Cổng thông tin điện tử của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Lâm Đồng, Phòng Giáo dục của một số huyện nghiên cứu chỉ tiêu của các trường mầm non, tiểu học và THCS ở Tp.Bảo Lộc, huyện Bảo Lâm. Sau đó, Trâm lên Facebook đặt làm giả bảng tên của Sở GD&ĐT tỉnh Lâm Đồng với nội dung: "Dương Thị Lệ Trâm, cán bộ Phòng Chính trị".

Ngày 24/10/2023, khi có bảng tên giả và nghiên cứu các chỉ tiêu hợp đồng, viên chức của một số trường học ở Tp.Bảo Lộc, huyện Bảo Lâm, Trâm tìm đến Lê Thị Phương Th. (là họ hàng của Trâm) đang dạy tiểu học ở Tp.Bảo Lộc đang có nhu cầu chuyển công tác về dạy học tại phường Lộc Sơn để lừa đảo.

Trâm nói với bà Th. mình đang công tác tại Phòng Chính trị thuộc Sở GD&ĐT tỉnh Lâm Đồng, có nhiều mối quan hệ với lãnh đạo của Sở GD&ĐT, Sở Nội vụ, Phòng Giáo dục Tp.Bảo Lộc nên có khả năng giúp bà Th. chuyển về dạy học tại phường Lộc Sơn.

Trâm còn nói với bà Th. là giáo viên nào có nhu cầu chuyển trường, thi tuyển viên chức thì liên hệ để Trâm giúp.

Tưởng Trâm là cán bộ của Sở GD&ĐT tỉnh Lâm Đồng thật nên bà Th. đã nhờ Trâm giúp xin chuyển trường cho mình và giới thiệu cho Trâm thêm một số giáo viên khác như chị Trần Thị H. (29 tuổi, ngụ Tp.Bảo Lộc) để lo viên chức; chị Lê Thị Hồng Th. (34 tuổi, ngụ Tp.Bảo Lộc) để xin chuyển trường.

Tin tưởng vào Trâm, 11 giáo viên ở tỉnh Lâm Đồng đã chuyển tiền để người này "chạy việc". Lực lượng công an xác định, Trâm đã lừa đảo, chiếm đoạt của các nạn nhân với tổng số tiền khoảng gần 1 tỷ đồng.

Tạo tài khoản giả, giả mạo giấy tờ để lừa đảo

Để tạo niềm tin cho bà Th., Trâm đã từ huyện Đức Trọng xuống Tp.Bảo Lộc và giả vờ đang đi thanh tra các trường học tại đây. Trâm tạo ra 2 tài khoản Zalo giả mang tên "Chị Trang nội vụ" và "Chị Mai PTC", rồi nhắn tin với tài khoản Zalo "Lệ Trâm" để trao đổi về việc chuyển trường, tuyển viên chức, và gửi những cuộc trò chuyện này cho bà Th. nhằm tăng thêm sự tin tưởng.

Trâm còn truy cập vào Cổng thông tin điện tử của Phòng Giáo dục Tp.Bảo Lộc, lấy số điện thoại của một Phó Phòng Giáo dục, tải hình đại diện Zalo của lãnh đạo này, tạo tài khoản "A Hữu PGD", và nhắn tin với tài khoản Zalo "Lệ Trâm".

Sau đó, Trâm chụp màn hình những tin nhắn này cùng với hình ảnh bảng tên giả của Sở GD&ĐT tỉnh Lâm Đồng và gửi cho bà Th. và chị H..

Từ ngày 31/10/2023 đến 16/5/2024, bà Th. đã 17 lần chuyển cho Trâm tổng cộng 874 triệu đồng. Nhờ sự giới thiệu của bà Th., Trâm tiếp tục lừa thêm 8 giáo viên để lo việc thi tuyển viên chức và chuyển trường.

Để bà Th. và các giáo viên thêm tin tưởng, Trâm tiếp tục truy cập vào Cổng thông tin điện tử của Sở GD&ĐT, Sở Nội vụ và Phòng Giáo dục Tp.Bảo Lộc, tải các "Văn bản, Quyết định" liên quan đến luân chuyển giáo viên, tuyển dụng viên chức.

Trâm nhờ chỉnh sửa các văn bản giả mạo qua dịch vụ photoshop online. Những văn bản này, sau khi được chỉnh sửa, có đóng dấu đỏ của Sở Nội vụ và Sở GD&ĐT tỉnh Lâm Đồng, đã được Trâm gửi cho bà Th. và chị H.

Tin tưởng vào các văn bản giả, bà Th. đã nhận tiền của các giáo viên rồi chuyển tiếp cho Trâm để hoàn tất hồ sơ. Tổng số tiền mà bà Th. đã chuyển cho Trâm để lo việc cho 7 giáo viên là 631 triệu đồng. Ngoài ra, còn có 130 triệu đồng mà chị Nguyễn Thị L. chuyển trực tiếp.

An Giang: Bắt giam chủ hụi lừa đảo chiếm đoạt trên 2,4 tỷ đồngVụ Tiktoker Mr Pips lừa đảo: Tạm ngưng giao dịch 11 căn hộ cao cấp tại TP.HCM

Đến tháng 7 và 8/2024, khi bà Th. và chị H. nghi ngờ Trâm không thể thực hiện cam kết chuyển trường như đã hứa, họ yêu cầu Trâm trả lại tiền. Tuy nhiên, Trâm tiếp tục đưa ra lý do và không hoàn trả số tiền. Đến tháng 10/2024, Trâm đã trả lại 156 triệu đồng cho bà Th., nhưng vẫn còn nợ 805 triệu đồng.

Khai báo với công an, Trâm cho biết do trước đây từng làm giáo viên hợp đồng, nên hiểu rõ nhu cầu của các giáo viên muốn chuyển công tác gần nhà.

Sau khi gặp thất bại trong đầu tư bất động sản, Trâm đã nảy sinh ý định lừa đảo các giáo viên để chiếm đoạt tiền. Lãnh đạo Phòng CSHS Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, sau khi nhận được tin báo, lực lượng công an đã nhanh chóng vào cuộc và làm rõ hành vi lừa đảo của Trâm.

Bạn đang đọc bài viết "Thủ đoạn lừa chạy chuyển trường chiếm đoạt tiền tỷ của cựu giáo viên" tại chuyên mục Pháp Luật. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).