Thủ đoạn của tội phạm công nghệ cao khiến người dân bất an, lo lắng

10/07/2024 21:00

Người dân rất bất an khi các đối tượng lừa đảo nắm rõ thông tin cá nhân, giả mạo cơ quan chức năng điện thoại khống chế, gây sức ép khiến họ thành nạn nhân.

Ngày 10/7, HĐND tỉnh Quảng Bình khóa XVIII tiến hành kỳ họp thứ 17 với sự tham gia đầy đủ của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và đông đảo khách mời là lãnh đạo các ngành, địa phương trong tỉnh.

Chiều cùng ngày, trong phiên thảo luận tại hội trường, đại biểu Trương Thị Phương Lan, Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Quảng Bình nêu ý kiến cần tiếp tục ngăn chặn, xử lý nghiêm các loại tội phạm.

Thời gian qua, UBND tỉnh Quảng Bình đã tích cực chỉ đạo công tác ngăn chặn, xử lý nghiêm các loại hình tội phạm; Công an tỉnh Quảng Bình đã mở nhiều đợt cao điểm tấn công trấn áp các loại tội phạm. Đấu tranh thành công nhiều chuyên án, vụ án lớn, đánh mạnh, đánh trúng và triệt xóa nhiều đường dây liên quan đến tín dụng đen, tội phạm sử dụng công nghệ cao, đánh bạc, ma túy… 

Tuy nhiên, theo bà Phương, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy luôn là vấn nạn nhức nhối của xã hội, là nỗi bức xúc, lo lắng trong nhân dân. Trong 6 tháng đầu năm 2024, các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ 127 vụ, 216 đối tượng mua bán, tàng trữ, vận chuyển, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy (tăng 12 vụ so với cùng kỳ). Tòa án nhân dân hai cấp đã thụ lý 158 vụ/250 bị cáo bị truy tố các tội liên quan đến ma túy (tăng 35 vụ so với cùng kỳ). Toàn tỉnh hiện có 129/151 xã phường, thị trấn liên quan đến ma túy, có 199 đối tượng nghiện ma túy có hồ sơ quản lý; 200 đối tượng sử dụng trái phép ma túy; hơn 1.000 đối tượng có dấu hiệu sử dụng trái phép chất ma túy.

Sự kiện - Thủ đoạn của tội phạm công nghệ cao khiến người dân bất an, lo lắng

Toàn cảnh kỳ họp thứ 17 HĐND tỉnh Quảng Bình khóa XVIII.

Các hành vi phạm tội về ma túy nổi lên là hoạt động mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng ma túy tổng hợp, trong đó có những vụ tàng trữ, vận chuyển số lượng lớn ma túy tổng hợp với phương thức thủ đoạn tinh vi. Đối tượng tham gia đa dạng về thành phần, được tổ chức chặt chẽ, thường xuyên thay đổi cung đường, phương tiện vận chuyển, thời gian, địa điểm giao nhận và sử dụng các phương tiện hiện đại để liên lạc, gây khó khăn cho công tác đấu tranh, phát hiện của cơ quan chức năng.

Thời gian gần đây, hoạt động của tội phạm liên quan đến tín dụng đen, cho vay lãi nặng, sử dụng công nghệ cao có sự gia tăng cả về số lượng lẫn tính chất, quy mô, với phương thức, thủ đoạn tinh vi. Trong 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng Công an đã phát hiện 23 vụ phạm tội, liên quan đến 115 đối tượng đánh bạc. Ngoài ra đã phát hiện, xử lý hành chính 73 vụ, 253 đối tượng; đã đấu tranh thành công một số chuyên án lớn đối với tội phạm đánh bạc dưới hình thức game online, cá độ bóng đá qua mạng, chiếm quyền truy cập tài khoản mạng xã hội của người khác để lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền lớn; lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức huy động tiền đáo hạn ngân hàng với số tiền chiếm đoạt hơn 100 tỷ đồng...

Đặc biệt, hiện nay người dân bức xúc, bất an trước tình trạng các đối tượng lừa đảo thường nắm rất rõ thông tin cá nhân, như: Số điện thoại, địa chỉ, công việc... giả mạo cơ quan chức năng, điện thoại thông báo đến cá nhân có các khoản phí, khoản nợ chưa thanh toán, từ đó khống chế, gây sức ép… Do đó, người dân rất dễ trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo. Đây là vấn đề mà cử tri mong muốn cơ quan chức năng, nhất là Công an sớm có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn, xử lý triệt để, giúp người dân yên tâm, cũng như bảo đảm ổn định trật tự, an toàn xã hội.

Để từng bước kiểm soát, kiềm chế sự gia tăng tội phạm và tệ nạn ma túy, tội phạm sử dụng công nghệ cao, đại biểu Trương Thị Phương Lan đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị chức năng tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến, pháp luật về phòng, chống ma túy, kiến thức, kỹ năng về phòng, tránh ma túy; kỹ năng nhận biết các phương thức, thủ đoạn hoạt động lừa đảo của tội phạm công nghệ cao; chú trọng hình thức tuyên truyền trực quan bằng hình ảnh nhằm tạo chuyển biến rõ hơn trong nhận thức, ý thức cảnh giác, tự phòng, tự bảo vệ của nhân dân, nhất là tầng lớp thanh, thiếu niên.

Phát huy hơn nữa vai trò của lực lượng Công an cấp xã, đặc biệt là nâng cao tinh thần, trách nhiệm của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) ở cơ sở vừa mới được thành lập, kiện toàn theo nghị quyết của HĐND tỉnh. Các cấp, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm triển khai, thực hiện có hiệu quả nghị quyết, nhất là việc cụ thể hóa 6 nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. Từ đó xây dựng lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở ngày càng vững mạnh, thực sự là cánh tay nối dài, đồng hành cùng lực lượng Công an đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật tại địa bàn cơ sở.

Bạn đang đọc bài viết "Thủ đoạn của tội phạm công nghệ cao khiến người dân bất an, lo lắng" tại chuyên mục Tin tức - Thời sự. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).