
Tại Hội nghị, hai bên đã thống nhất thành lập tỉnh Gia Lai mới có diện tích tự nhiên là 21.576,53 km² (đạt tỷ lệ 431,5% so với tiêu chuẩn); quy mô dân số là hơn 3,5 triệu người (đạt tỷ lệ 256% so với tiêu chuẩn). Tỉnh Gia Lai sau khi sắp xếp, sáp nhập có 135 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc (gồm 110 xã và 25 phường). Tỉnh Gia Lai sau khi sắp xếp, sáp nhập có Trung tâm chính trị hành chính đặt tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định hiện nay.
Về phương án và lộ trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan, tổ chức sau sắp xếp đơn vị hành chính, 2 bên cũng thống nhất đề án với nguyên tắc sắp xếp, hợp nhất vẫn giữ nguyên trạng cơ quan, tổ chức đang hiện diện và hợp nhất các сơ quan tham mưu giúp việc сó cùng chức năng, nhiệm vụ.
Theo đề án, Tỉnh ủy Gia Lai mới sẽ có 5 cơ quan tham mưu giúp việc và 2 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc; trong đó hợp nhất Đài Phát thanh - Truyền hình và báo địa phương của 2 tỉnh và chỉ còn 1 cơ quan báo chí; hợp nhất Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2 tỉnh. Riêng Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ có 14 cơ quan chuyên môn; trong đó có Sở Ngoại vụ (tách một phần chức năng nhiệm vụ của Văn phòng UBND tỉnh Gia Lai và nhập với Sở Ngoại vụ Bình Định). Bên cạnh đó, vẫn giữ nguyên trạng một số đơn vị mà chỉ có một tỉnh có như: Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Gia Lai (Gia Lai không có), Vườn Quốc gia Kon Ka King tỉnh Gia Lai (tỉnh Bình Định không có)…

Theo thống kê, hiện 2 tỉnh sẽ có 17.228 cán bộ, công chức, viên chức tiếp tục làm việc trên tinh thần giữ nguyên số lượng cán bộ, công chức, viên chức hiện có của hai tỉnh. Sau đó thực hiện rà soát tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ, bảo đảm thời hạn theo yêu cầu của Trung ương (thời hạn 5 năm). Trong đợt này, 2 tỉnh sẽ có khoảng 1.276 người nghỉ chế độ, chính sách theo quy định.
Đối với việc xử lý tài sản, trụ sở làm việc dôi dư, lãnh đạo 2 tỉnh cũng đã có phương án chuyển đôi, quản lý, sắp xếp và sử dụng có hiệu quả, không để xảy ra lãng phí, tiêu cực hoặc để tài sản, trụ sở hư hỏng, xuống cấp; cân đối, bố trí nguồn ngân sách để đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các trụ sở làm việc được tiếp tục sử dụng phục vụ hoạt động của đơn vị hành chính cấp dưới hình thành sau sắp xếp phù hợp với quy hoạch và điều kiện thực tế của địa phương.