“Thiếu gia” trốn nợ vì bị “giang hồ quậy”?

14/01/2024 12:53

Sau khi Tạp chí Người cao tuổi đăng bài “Nỗi niềm của NCT có con phải “gánh nợ thay” hơn 70 tỉ đồng”, chị Bùi Nguyễn Trúc Linh nhận Quyết định số: 14/CSHS và 2 thông báo của Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT), Công an tỉnh Bình Thuận. Không đồng ý Quyết định này, chị Linh có đơn khiếu nại, đề nghị xử lí hình sự đối với ông Huỳnh Lê Tấn Tuyến; và Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Bình Thuận mời chị Linh làm việc sáng 2/1/2024...

Khiếu nại Quyết định “không khởi tố vụ án hình sự”

Ngày 15/12/2023, nhân viên bưu điện đến gia đình chị Bùi Nguyễn Trúc Linh, ở phường Xuân An, TP Phan Thiết giao bì thư của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận, bên trong có 3 văn bản: Quyết định số: 14/CSHS “không khởi tố vụ án hình sự”; Thông báo số 468/TB-CSHS về việc “không khởi tố vụ án hình sự” và Thông báo số: 475/TB-CSHS “kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm”. Cả 3 văn bản này đều do Thượng tá Nguyễn Văn Phương, Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận kí ngày 13/10/2023.

Thông báo số: 475/TB-CSHS thể hiện Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Bình Thuận nhận đơn tố giác về tội phạm của bà Bùi Nguyễn Trúc Linh, đã tiến hành giải quyết, kết quả: “Bà Linh và ông Huỳnh Lê Tấn Tuyến có mối quen biết với nhau. Lấy lí do cần tiền để bổ sung vốn trong hoạt động kinh doanh cũng như đáo hạn ngân hàng nên nhiều lần ông Tuyến vay tiền của bà Linh với số tiền là 5.424.000.000 đồng cũng như nhờ bà Linh đứng ra vay tiền từ nhiều người khác với tổng số tiền là 32.600.000.000 đồng, lãi suất 12%/tháng. Tổng cộng 2 khoản là 38.024.000.000 đồng. Đến nay ông Tuyến chỉ đưa 1.929.000.000 đồng để bà Linh trả lãi; còn lại bà Linh phải tự bỏ tiền của mình để trả gốc giúp ông Tuyến là 5.185.000.000 đồng và trả lãi giúp cho ông Tuyến với tổng số tiền là 23.468.000.000 đồng. Sau nhiều lần yêu cầu ông Tuyến trả tiền để bà Linh trả cho người cho vay nhưng ông Tuyến không thực hiện thì bà Linh và ông Tuyến đã làm giấy xác nhận các khoản nợ gốc, lãi trên với tổng số tiền là 70.592.000.000 đồng.

Đơn khiếu nại (trang đầu và trang cuối)  của chị Bùi Nguyễn Trúc Linh.
Đơn khiếu nại (trang đầu và trang cuối) của chị Bùi Nguyễn Trúc Linh.

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã thu thập được, cơ quan điều tra xác định: Bà Linh cho ông Tuyến vay mượn tiền, có hợp đồng vay mượn, có lãi suất, thời gian đầu ông Tuyến có trả lãi cho bà Linh. Sau đó, do làm ăn thua lỗ nên ông Tuyến không còn khả năng trả nợ cho bà Linh. Hiện nay, ông Tuyến vẫn còn nhiều tài sản đang thế chấp cho ngân hàng. Vì vậy, việc vay mượn tiền giữa bà Linh với ông Tuyến là giao dịch dân sự, hành vi của Tuyến không cấu thành tội phạm.

Căn cứ Khoản 2, Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự, Cơ quan CSĐT (PC02), Công an tỉnh Bình Thuận kết thúc việc xác minh và ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với tố giác về tội phạm trên”.

Về nội dung của 3 văn bản trên, chị Linh cho biết: “Cơ quan CSĐT xác định 2 khoản nợ gốc 38.024.000.000 đồng là đúng; trong đó, có 32.600.000.000 đồng do tôi đứng ra vay giùm cho ông Tuyến từ 8 chủ nợ lãi từ 9 - 12%/tháng. Khoản còn lại 5.424.000.000 đồng là tiền tôi cho ông Tuyến mượn, trong đó 4.500.000.000 đồng cho mượn không lãi suất; 924.000.000 đồng cho vay với lãi 1%/tháng. Toàn bộ phần nợ gốc này đến nay ông Tuyến chưa trả lại. Ông Tuyến chỉ trả lãi được 1.929.000.000 đồng, khoản tiền này tôi đã chuyển đóng lãi cho các chủ nợ. Tính đến ngày 8/1/2023, tôi đã đứng ra trả nợ thay ông Tuyến cả tiền gốc và tiền lãi là 28.653.000.000 đồng. Tại thời điểm ngày 8/1/2023, tổng số tiền mà ông Tuyến đã chiếm giữ là 61.492.000.000 đồng, bao gồm 34.077.000.000 đồng của tôi và 27.415.000.000 đồng tôi đứng ra vay giùm cho ông Tuyến”.

Ngày 27/12/2023, tôi có đơn khiếu nại Quyết định số: 14/CSHS của Cơ quan CSĐT (PC02), Công an tỉnh Bình Thuận. Ngày 29/12/2023, Thượng tá Ngô Xuân Thuỷ, Phó Chánh văn phòng Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Bình Thuận kí giấy mời tôi làm việc sáng 2/1/2024; và tôi xác nhận: Đơn đề khiếu nại ngày 27/12/2023 là do tôi viết, với các nội dung:

1) Khiếu nại việc chậm trễ giải quyết Đơn tố giác tội phạm của công dân. Ngày 10/2/2023, tôi trực tiếp gửi Đơn tố giác tội phạm (lần 1) tại Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Bình Thuận (có Biên bản tạm giữ đồ vật tài liệu ngày 10/2/2023 do Điều tra viên Tạ Trương Khắc Dũng lập). Ngày 4/8/2023, tôi trực tiếp gửi Đơn tố giác tội phạm (lần 2), nhưng đến ngày 17/10/2023 mới được Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Bình Thuận làm việc lấy lời khai.

Tại sao Quyết định số: 14/CSHS và 2 Thông báo (số 475/TB-CSHS, số 468/TB-CSHS) được kí, ban hành cùng ngày 13/10/2023, nhưng Điều tra viên không thông báo hay gửi 3 văn bản này cho tôi mà vẫn đề nghị tôi trình bày và đưa ra các tài liệu để chứng minh hành vi thể hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật của ông Tuyến (có Biên bản ghi lời khai)? 3 văn bản đã ban hành ngày 13/10/2023 nhưng đến ngày 15/12/2023, tôi mới được nhận?

“Thiếu gia” trốn nợ vì bị “giang hồ quậy”?
“Giang hồ” đến nhà của ông Huỳnh Lê Tấn Tuyến ở TP Phan Thiết quậy (theo tin nhắn của ông Tuyến).

2) Thông báo số: 475/TB-CSHS có nội dung thể hiện không đúng bản chất của vụ việc. Tôi cho ông Tuyến vay mượn số tiền 5.424.000.000 đồng, trong đó 4.500.000.000 đồng mượn không lãi và 924.000.000 đồng cho vay với lãi 1%/tháng. Số tiền còn lại, ông Tuyến nhờ tôi đứng ra vay mượn của nhiều người cho ông Tuyến chứ không phải là “bà Linh là người trực tiếp cho ông Tuyến vay tiền, mượn tiền, có hợp đồng vay mượn, có lãi suất” như trong Thông báo số: 475/TB-CSHS.

3) Hành vi thể hiện dấu hiệu chiếm đoạt tài sản của ông Tuyến có dấu hiệu hình sự chứ không phải là giao dịch dân sự như nội dung Quyết định số: 14/CSHS. Điều này, tôi cung cấp thêm cho Cơ quan điều tra tài liệu, trong đó có 37 trang trích tin nhắn Zalo, điện thoại giữa tôi và ông Tuyến, ông Huỳnh Lê Tấn Thư (anh ông Tuyến) và bà Lê Thị Mỹ (mẹ ông Tuyến)”.

“Thiếu gia” vào Sài Gòn trốn nợ (?!)

Trong đơn khiếu nại, chị Linh viết: “Trong các Đơn tố giác đã được Cơ quan CSĐT (PC02), Công an tỉnh Bình Thuận tiếp nhận, tôi cung cấp dấu hiệu ông Tuyến dùng thủ đoạn gian dối. Ở đơn khiếu nại ngày 27/12/2023, tôi tiếp tục bổ sung các tài liệu, chứng cứ, chứng minh ông Tuyến có dấu hiệu “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đề nghị Thủ trưởng Cơ quan CSĐT (PC02), Công an tỉnh Bình Thuận xem xét”.

Chị Linh trình bày thêm: “Tôi và ông Tuyến quen biết với nhau từ lâu (khi ông Tuyến nằm trong Ban chấp hành Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Bình Thuận, còn tôi là Thư kí Hội). Biết tôi là cán bộ ngân hàng, ông Tuyến nhiều lần nhờ tôi hỗ trợ, đứng ra vay mượn tiền bên ngoài để giúp ông Tuyến “đáo hạn ngân hàng” và “đầu tư phát triển dự án, mở rộng sản xuất kinh doanh”. Ông Tuyến nêu lí do có bố ruột là nguyên lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận, nếu ông Tuyến đứng tên vay tiền bên ngoài, sợ gây ảnh hưởng đến uy thế gia đình và uy tín của lãnh đạo tỉnh nên mới nhờ tôi vay mượn giùm.

“Thiếu gia” trốn nợ vì bị “giang hồ quậy”?
Giấy “Cam kết thanh toán tiền theo hợp đồng mua bán đất” đề ngày 23/5/2022 của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Happy Shop.

Chị Linh cho biết: “Để tạo lòng tin với tôi, ông Tuyến khoe gia đình mình không chỉ quyền thế mà còn giàu có với rất nhiều bất động sản trong và ngoài nước (nhà bên Mỹ). Riêng ông Tuyến sở hữu 2 căn nhà mặt tiền (một căn ở đường Nguyễn Văn Trỗi, phường Đức Nghĩa, TP Phan Thiết và một căn ở phường 2, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh) trị giá cả trăm tỉ đồng. Ông Tuyến trưng ra 2 Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất cho tôi thấy để tăng thêm niềm tin.

Ông Tuyến còn khoe làm chủ 2 doanh nghiệp có vốn điều lệ hàng chục tỉ đồng (Công ty TNHH Thương mại Huỳnh Lê và Công ty Cổ phần Thương mại và Xuất khẩu Thương Nguyên). Cả 2 doanh nghiệp này đều do ông Tuyến làm đại diện theo pháp luật. Công ty Thương Nguyên chuyên xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc, được ngân hàng cấp vốn tín dụng lớn để đầu tư máy móc, trang thiết bị, hệ thống lạnh, nhà xưởng, v.v.

Với mác đại gia, con ông lớn, có khối tài sản kếch xù, làm chủ 2 doanh nghiệp lớn, ông Tuyến đã tạo ra vỏ bọc để tôi tin tưởng, đứng ra vay mượn tiền giúp ông Tuyến “đáo hạn ngân hàng” và “đầu tư phát triển dự án, mở rộng sản xuất kinh doanh.

Ngay từ đầu, ông Tuyến biết rõ mức lãi vay bên ngoài từ 9 - 12%/tháng, cao hơn nhiều lần so với ngân hàng, nhưng ông Tuyến chấp nhận vì ông xác định chỉ mượn tạm trong thời gian rất ngắn rồi trả lại, nên không quan tâm đến lãi suất. Người đầu tiên mà tôi hỏi vay tiền là ông Trần Minh Sơn, được chính ông Tuyến giới thiệu. Giữa ông Tuyến và ông Sơn đã quen biết nhau từ trước. Thời gian đầu, ông Tuyến luôn trả lãi đúng ngày, trả tiền gốc đúng hẹn, như để chứng minh năng lực tài chính của công ty cũng như uy tín cá nhân ông và gia đình, nhằm tạo lòng tin vững chắc với tôi. Cứ mỗi lần vay mượn và trả tiền, ông Tuyến luôn cảm ơn và tỏ thái độ trân trọng tôi, khiến tôi càng thêm tin tưởng. Đây chính là dấu hiệu thể hiện thủ đoạn vô cùng tinh vi của ông Tuyến, nhằm tạo lòng tin gần như tuyệt đối, khiến tôi không chút nghi ngờ. Từ đó, ông Tuyến nhờ tôi hỏi vay tiền ngày càng nhiều hơn, nhưng số lần trả lại ít đi, rồi ông lấy lí do “đầu tư mở rộng nhà xưởng” và trấn an tôi bằng khối tài sản kếch xù của gia đình cùng với uy tín của người cha từng làm Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận.

Cuối năm 2021, đầu 2022, ông Tuyến đã nợ hàng chục tỉ đồng nhưng lại muốn nhờ tôi vay mượn giùm tiếp để ông ta “xử lí dự án” và “đáo hạn ngân hàng”. Sau khi giải quyết đáo hạn xong, ngân hàng cho vay lại, ông ta sẽ trả ngay tất cả nợ cũ lẫn nợ mới.

Thấy không ổn, ngày 5/1/2022, tôi nhắn tin qua mạng Zalo cho ông Tuyến, nội dung: “Em luôn tin vào anh, nên vẫn giúp anh đến giây phút cuối. Nhưng em nghe nhiều người nói anh cố để em gán nợ rồi anh bỏ đi, làm em mất ăn mất ngủ”.

Ông Tuyến liền lấy tài sản kếch xù và gia đình quyền thế để thuyết phục tôi:“Anh khùng hay sao mà bỏ đi. Cả cơ ngơi tài sản gia đình ở đây. Uy tín danh dự gia đình bỏ đâu?”. Tin nhắn này cùng nhiều tin nhắn khác của ông Tuyến khiến tôi tin tưởng nên tiếp tục giúp ông Tuyến thêm một lần nữa, với mong muốn ông ta sớm thanh toán toàn bộ khoản nợ đã nhờ tôi đứng ra vay mượn giùm.

Tôi tiếp tục đứng ra vay giùm ông Tuyến 17.800.000.000 đồng từ 2 ông Trần Minh Sơn (6.000.000.000 đồng) và Nguyễn Em Tám (11.8000.000.000 đồng). Sau khi ôm thêm được khoản tiền lớn, ông Tuyến bắt đầu lánh mặt, từ chối nghe điện thoại. Chiều 7/6/2022, ông Tuyến nhắn tin cho cho tôi qua zalo có nội dung: “Hôm nay có người đặt cọc nhà ở quận 2, giờ anh đi Sài Gòn để giao dịch; mất 1, 2 ngày mới có tiền”. Để tạo lòng tin, ông Tuyến gửi Giấy “Cam kết thanh toán tiền theo hợp đồng mua bán đất” đề ngày 23/5/2022 của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Happy Shop và Giấy “ủy nhiệm chi” ngày 7/6/2022 của một ngân hàng với số tiền 4 tỉ đồng đặt cọc mua thửa đất số 534, tờ bản đồ số 20, phường Thảo Điền, quận 2, TP Hồ Chí Minh.

Tôi tin tưởng, chờ ông Tuyến bán nhà đất để giải quyết hết các khoản nợ. Nhưng một lần nữa, ông này lại tạo niềm tin rồi lẩn trốn khiến tôi hoang mang, lo sợ. Do ông Tuyến không trả nợ, các chủ nợ gây sức ép, đòi lên cơ quan “quậy”, buộc tôi phải trả thay cho ông Tuyến.

Ngày 29/8/2022, qua sự hỗ trợ của vợ chủ nợ Nguyễn Em Tám, tôi đã gặp được ông Tuyến tại trụ sở Công ty Huỳnh Vũ, ở TP Phan Thiết. Sau khi đối chiếu các giấy tờ liên quan, ông Tuyến đã kí xác nhận 9 Giấy mượn tiền cùng 1 Giấy mượn tiền được ông Tuyến kí ngày 5/1/2022, với tổng số tiền là 70.592.000.000 đồng. Trong tất cả các Giấy mượn tiền, ông Tuyến đều xác nhận rõ: “Người mượn tiền là Huỳnh Lê Tấn Tuyến; người đứng ra mượn tiền giùm cho ông Tuyến là Bùi Nguyễn Trúc Linh”.

Sau khi kí xác nhận nợ, tôi liên tục gọi điện, nhắn tin hối thúc ông Tuyến trả nợ. Ngày 8/9/2022, tôi nhắn tin cho ông Tuyến, nội dung: “Anh gọi em, tình hình nguy lắm”. Ông Tuyến đáp lại:“Giờ anh phải ở Sài Gòn trốn là em biết anh không xử lí được gì rồi. Ba ngày qua, giang hồ qua nhà, qua công ty anh quậy tùm lum hết. Nó đòi làm lớn chuyện cho anh nổi tiếng luôn, mệt mỏi gì đâu”. Tôi hoang mang hỏi lại: “Vậy giờ em như thế nào, anh nói và nghe điện thoại đi”. Ông Tuyến đáp lại: “Anh vô né để xử lí tiền. Anh ở ngoài đó là lớn chuyện”.

Ngày 9/9/2022, ông Tuyến tiếp tục nhắn tin cho tôi:“Khả năng cao là anh không xử lí được tiền, ngày càng tệ hơn. Đám giang hồ đang lùng anh trong Sài Gòn tối qua tới giờ…”.

Những dấu hiệu gian dối

Trong đơn chị Linh viết: “Do bị các chủ nợ gây áp lực, buộc thanh toán tiền, tôi liên tục nhắn tin hối thúc ông Tuyến giải quyết. Ngày 13/9/2022, ông Tuyến nhắn tin “hẹn 2 tuần” sẽ trả tiền. Ngày 22/9/2022, ông Tuyến nhắn tin thể hiện hù doạ và thách thức: “Tùy em, muốn chết thì làm đi. Còn anh đã báo công an hết rồi nên anh không lo gì. Còn em nói với ông Tám thì anh nói kết quả luôn, ổng sẽ nói em lừa ổng, qua mặt ổng thì ổng để em yên không? Còn ổng chẳng làm gì được anh đâu”.

Và ngày 23/9/2022, ông Tuyến nhắn tin cho tôi, tiếp tục hẹn và thách thức: “Chậm nhất 15 ngày nữa anh mới trả được. Em hẹn được người ta thì hẹn, còn không gửi đơn kiện anh đi”.

Ngày 9/10/2022, tôi từ Phan Thiết vào TP Hồ Chí Minh gặp người nhà của ông Tuyến. Tôi sững sờ khi người nhà tiết lộ: Giấy “Cam kết thanh toán tiền theo hợp đồng mua bán đất” ngày 23/5/2022 có dấu hiệu là giả.

Do liên lạc qua mạng Zalo nhiều lần nhưng ông Tuyến không trả lời, nên ngày 19/10/2022, tôi nhắn tin cho ông Tuyến qua số điện thoại 0975122xxx. Ông Tuyến thách thức đáp lại: “Em kiếm đủ người kiện anh chưa?”. Đây là tin nhắn cuối cùng của ông Tuyến gửi cho tôi. Từ đó đến nay, ông Tuyến cắt đứt mọi liên lạc”.

Nạn nhân (chị Linh) viết tiếp trong đơn khiếu nại: “Xâu chuỗi toàn bộ sự việc diễn ra, tôi nhận thấy ông Tuyến lợi dụng mối quan hệ quen biết với tôi lâu năm, đã dựng kịch bản, lên kế hoạch nhằm lừa tôi đứng ra vay tiền giùm để ông Tuyến chiếm đoạt với thủ đoạn tinh vi. Tại thời điểm cuối năm 2021, đầu 2022, ông Tuyến đã hoàn toàn mất khả năng thanh toán các khoản nợ hàng chục tỉ đồng. Thế nhưng, ông Tuyến lại bất chấp hậu quả, cứ tiếp tục dùng thủ đoạn gian dối để lừa tôi vay tiếp 17.800.000.000 đồng rồi chiếm đoạt. Sau đó, ông Tuyến hứa hẹn, tìm nhiều lí do trì hoãn, rồi không trả tiền, bỏ trốn. Ông Tuyến còn thách thức tôi thưa kiện, thể hiện ý chí chiếm đoạt tới cùng. Theo tôi được biết, hành vi của ông Tuyến có dấu hiệu “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

“Thiếu gia” trốn nợ vì bị “giang hồ quậy”?
Ông Huỳnh Lê Tấn Tuyến nhắn tin cho chị Bùi Nguyễn Trúc Linh, xác nhận đã bỏ trốn (hình do chị Linh cung cấp).

Sau khi ông Tuyến trốn biệt, cắt đứt mọi liên lạc, tôi đã cất công thu thập thêm tài liệu, chứng cứ để vạch trần toàn bộ hành vi của ông Tuyến.

Dấu hiệu thứ nhất: Ông Tuyến đã tạo ra vỏ bọc là “thiếu gia”, có bố từng làm Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, gia đình quyền thế, có khối tài sản kếch xù, bản thân ông Tuyến làm chủ 2 doanh nghiệp lớn… nên ông Tuyến không muốn đứng ra vay tiền, sợ ảnh hưởng đến uy thế của gia đình. Từ đó, ông Tuyến nhờ tôi đứng ra vay tiền giùm.

Thực tế, ông Tuyến đã ôm nợ lớn từ trước và từng đi vay bên ngoài, trong đó có ông Trần Minh Sơn. Chính ông Tuyến giới thiệu ông Sơn cho tôi đứng ra vay tiền đầu tiên trong 8 chủ nợ. Từ đây có thể thấy, ông Tuyến đã tạo vỏ bọc để lợi dụng tôi đứng ra vay tiền giùm với lãi cao rồi chiếm đoạt.

Dấu hiệu thứ hai: Ngày 17/10/2022, TAND TP Phan Thiết ra Thông báo số: 19/TB-TLVA thụ lí “vụ án kinh doanh thương mại” giữa Ngân hàng Agribank (nguyên đơn) với Công ty cổ phần Thương mại và Xuất khẩu Thương Nguyên (Công ty Thương Nguyên) do ông Tuyến làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, đại diện theo pháp luật (bị đơn). Theo đó, nguyên đơn yêu cầu Toà án buộc bị đơn phải trả số tiền nợ là 103.658.977.890 đồng. Trong đó, nợ gốc là 94.450.000.000 đồng và nợ lãi là 9.208.977.890 đồng, tạm tính đến ngày 31/8/2022.

Trong Thông báo số:19/TB-TLVA, Tòa án xác định nhiều tài sản của gia đình ông Tuyến đã thế chấp vay tiền tại Agribank. Trong đó có nhà đất ở phường 2, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh. Tài sản đã thế chấp ngân hàng, nhưng ông Tuyến đem khoe nhằm tạo lòng tin với tôi để tôi đứng ra giúp ông Tuyến vay mượn tiền bên ngoài lãi suất cao rồi ông Tuyến chiếm đoạt.

Dấu hiệu thứ ba: Văn bản số: 19/TB-TLVA của TAND TP Phan Thiết thể hiện: Agribank cho ông Tuyến vay tiền từ năm 2018 đến năm 2021, với tổng nợ gốc là 94.450.000.000 đồng. Việc nợ lãi 9.208.977.870 đồng có thể ông Tuyến không đáo hạn ngân hàng. Khi ông Tuyến thực hiện đáo hạn, đồng nghĩa với việc đã trả gốc và lãi, ngân hàng sẽ cho vay lại. Ông Tuyến không thực hiện việc “đáo hạn” và không trả khoản nợ lãi nên ngân hàng khởi kiện đòi nợ. Với số tiền lãi chỉ chiếm 10% của khoản vay mà ông Tuyến cũng không trả nổi. Rất có khả năng, ông Tuyến không sử dụng khoản tiền đã nhờ tôi vay mượn bên ngoài để “đáo hạn ngân hàng”.

Dấu hiệu thứ tư: Công ty Thương Nguyên có vốn điều lệ 15 tỉ đồng, quy mô hoạt động kinh doanh rất lớn, nên mới được ngân hàng cấp một khoản vay cực lớn lên đến 94.450.000.000 đồng. Tổng số tiền mà ông Tuyến vay ngân hàng và số tiền ông Tuyến nhờ tôi vay mượn bên ngoài, cùng với các khoản vay của nhiều đơn vị cá nhân khác lên đến hàng trăm tỉ đồng. Thực tế, từ năm 2016 đến nay, tổng số tiền thuế mà Công ty Thương Nguyên đã nộp là 160.150.000 đồng. Tính đến ngày 29/11/2023, Công ty Thương Nguyên còn nợ thuế 3.307.997 đồng. Từ năm 2018 - 2020, Công ty Thương Nguyên 3 lần bị Cục Thuế tỉnh Bình Thuận xử phạt vi phạm hành chính về thuế bằng Quyết định số: 1339/QĐ-CTBT ngày 23/8/2018 xử phạt 2.800.000 đồng; Quyết định số: 1287/QĐ-XPVPHC ngày 23/7/2019 xử phạt 700.000 đồng và Quyết định số: 1916/QĐ-XPVPHC ngày 15/12/2020 xử phạt 2.100.000 đồng.

Với số tiền nộp thuế và nợ thuế nói trên, thể hiện Công ty Thương Nguyên không có hoạt động kinh doanh lớn, ông Tuyến không hề sử dụng khoản tiền đã nhờ tôi vay mượn bên ngoài bổ sung vốn trong hoạt động kinh doanh, đầu tư phát triển dự án.

Dấu hiệu thứ năm: Giấy “Cam kết thanh toán tiền theo hợp đồng mua bán đất” khu đất thửa 534, tờ bản đồ số 20, phường Thảo Điền, quận 2, TP Hồ Chí Minh do ông Tuyến gửi cho tôi, được người nhà ông Tuyến xác định là dấu hiệu giả. Và có thể cả Giấy “ủy nhiệm chi” ngày 7/6/2022 cũng thể hiện là ngụy tạo?

Từ những nội dung trình bày trong Đơn khiếu nại, tôi kính đề nghị Thủ trưởng Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Bình Thuận xem xét 4 vấn đề sau:

1/Thu hồi huỷ bỏ Quyết định số: 14/CSHS ngày 13/10/2023 của Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Bình Thuận.

2/ Xem xét, khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Tuyến về dấu hiệu phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” hoặc “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

3/ Đề nghị Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Bình Thuận ra Quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn xuất cảnh đối với ông Tuyến cho đến khi vụ án được giải quyết xong. Đồng thời có phương án bảo vệ tính mạng cho tôi và gia đình.

Việc Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Bình Thuận phản hồi Đơn tố giác của tôi và mời tôi làm việc ngay sau khi tiếp nhận Đơn khiếu nại là thể hiện dấu hiệu tích cực. Tôi và gia đình hoàn toàn tin tưởng sự thật của vụ việc sẽ sớm được đưa ra ánh sáng”.

Nỗi niềm của người cao tuổi có con phải “gánh nợ thay“ hơn 70 tỉ đồng Nỗi niềm của người cao tuổi có con phải “gánh nợ thay“ hơn 70 tỉ đồng

Bạn đang đọc bài viết "“Thiếu gia” trốn nợ vì bị “giang hồ quậy”?" tại chuyên mục Pháp Luật. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 08 6883 9892) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).