Thị trường trái phiếu doanh nghiệp - Bài 1: Rủi ro trả nợ gia tăng trong bối cảnh tái cấu trúc

02/10/2024 20:13

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) tại Việt Nam trong năm 2024 đang trải qua giai đoạn đầy biến động với nhiều rủi ro và thách thức mà cả nhà đầu tư lẫn tổ chức phát hành phải đối mặt. Điều này đang khiến các nhà đầu tư lo ngại về việc đảm bảo tính thanh khoản và quản lý rủi ro của thị trường này.

Dữ liệu mới nhất từ CTCP xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam (VIS Rating) cho thấy, trong tháng 9/2024, có khoảng 245.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đến hạn, tăng so với tháng trước là 181.000 tỷ đồng. Đặc biệt, có khoảng 18.000 tỷ đồng trái phiếu không thể trả nợ đúng hạn, hầu hết thuộc các doanh nghiệp bất động sản nhà ở và xây dựng.

Nhiều doanh nghiệp thiếu khả năng thanh toán

Theo VIS Rating, doanh nghiệp bất động sản nhà ở và xây dựng là một trong những nhóm ngành có tỷ lệ rủi ro cao nhất trên thị trường trái phiếu hiện nay, chiếm tới 76% tổng giá trị các trái phiếu có nguy cơ chậm trả nợ gốc.

Trong khi đó, tổng số trái phiếu chậm trả lũy kế từ đầu năm 2024 đến cuối tháng 8 đã đạt con số 127.000 tỷ đồng, một dấu hiệu cho thấy tình hình tài chính của nhiều doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khăn trong việc duy trì khả năng trả nợ.

Chú thích ảnh Trái phiếu không thể trả nợ đúng hạn hầu hết thuộc các doanh nghiệp bất động sản nhà ở và xây dựng. Ảnh minh họa

Chưa kể, trong tháng 8/2024, lượng phát hành trái phiếu mới tăng lên 57,7 nghìn tỷ đồng, từ mức 46,8 nghìn tỷ đồng trong tháng 7/2024. Cụ thể, các ngân hàng thương mại đã phát hành tổng cộng 51,3 nghìn tỷ đồng, tiếp tục chiếm phần lớn trong các đợt phát hành mới.

Đáng chú ý, trong số các trái phiếu do các ngân hàng phát hành vào tháng 8/2024, có 40% là trái phiếu thứ cấp đủ điều kiện tính vào vốn cấp 2, được phát hành bởi các ngân hàng. Các trái phiếu vốn cấp 2 này có kỳ hạn trung bình 8,1 năm và lãi suất từ 5,5% đến 7,6% trong năm đầu tiên. Các trái phiếu khác là trái phiếu không có tài sản đảm bảo với kỳ hạn 3 năm và lãi suất cố định từ 5,2% đến 7,7%.

VIS Rating nhận định, đây không chỉ là thách thức cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu mà còn gây ra những rủi ro nghiêm trọng cho các nhà đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư cá nhân có ít kinh nghiệm trong việc đánh giá rủi ro của trái phiếu.

Điển hình là Tập đoàn Novaland, một trong những tập đoàn bất động sản lớn, đã phải gia hạn thời gian đáo hạn trái phiếu của mình từ tháng 7/2023 thêm một năm và đến tháng 8/2024 lại tiếp tục gia hạn thêm một lần nữa cho đến tháng 8/2025. Đây là minh chứng rõ ràng cho sự khó khăn mà nhiều doanh nghiệp bất động sản, hiện phải đối mặt trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu đang chịu nhiều biến động.

Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính, mặc dù tình hình chậm trả nợ có dấu hiệu cải thiện nhẹ trong quý III/2024, với tỷ lệ chậm trả giảm xuống 149% so với mức 151% của tháng trước đó, nhưng rủi ro tiềm ẩn từ các khoản nợ đáo hạn vẫn là một yếu tố đáng lo ngại cho thị trường. Trong 12 tháng tới, dự báo có khoảng 18% trong số các trái phiếu đáo hạn thuộc diện có nguy cơ chậm trả, tạo nên một áp lực lớn lên hệ thống tài chính doanh nghiệp.

Nguyên nhân chính dẫn đến rủi ro chậm trả nợ của nhiều doanh nghiệp hiện nay xuất phát từ việc thị trường tài chính, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản, đang trải qua giai đoạn khó khăn với nhu cầu tín dụng cao nhưng khả năng tiếp cận vốn lại bị hạn chế.

Thậm chí, nhiều doanh nghiệp đã phải sử dụng biện pháp tái cấu trúc nợ, chẳng hạn như việc gia hạn thời gian đáo hạn trái phiếu hoặc đàm phán với các trái chủ để trì hoãn việc thanh toán. Theo đó, tạo ra một áp lực lớn không chỉ cho doanh nghiệp phát hành mà còn cho cả các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Ông Ketut Ariadi Kusuma, chuyên gia tài chính Ngân hàng Thế giới (World Bank) nhận định: “Thị trường phát hành trái phiếu riêng lẻ ở Việt Nam về cơ bản hạn chế về việc công bố thông tin và bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ. Điều này khiến các nhà đầu tư cá nhân thiếu kinh nghiệm gặp phải rủi ro lớn hơn và cũng là một trong những nguyên nhân chính, dẫn đến tình trạng rủi ro gia tăng trên thị trường TPDN”.

Nỗ lực cải thiện tình hình

Mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, nhưng thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam cũng đã chứng kiến một số nỗ lực cải thiện nhất định trong thời gian gần đây.

Cụ thể, trong tháng 8/2024, 13 tổ chức phát hành trái phiếu đã hoàn trả tổng cộng 24.000 tỷ đồng tiền gốc cho các trái chủ, đánh dấu một bước tiến trong việc giảm thiểu áp lực tài chính cho các nhà đầu tư.

Chú thích ảnh Nhiều doanh nghiệp đang chủ động hơn trong việc đàm phán tài chính để mua lại trái phiếu. Ảnh minh họa

Trong đó, các doanh nghiệp như Công ty Xuất nhập khẩu Nông sản và Vật tư (CAJIMEX) đã từng chậm trả lãi coupon lần đầu vào năm 2023 và đến tháng 8/2024 mới hoàn tất việc mua lại toàn bộ trái phiếu theo thỏa thuận với các trái chủ. Đây là một trong những tín hiệu tích cực, cho thấy các doanh nghiệp đang chủ động hơn trong việc đàm phán và giải quyết các vấn đề tài chính nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.

Ngoài ra, các biện pháp của Chính phủ và cơ quan quản lý như Bộ Tài chính đã góp phần đáng kể vào việc cải thiện tính minh bạch của thị trường. Nghị định 65/2022/NĐ-CP với các quy định chặt chẽ hơn về việc phát hành trái phiếu riêng lẻ, yêu cầu các doanh nghiệp phải công bố thông tin đầy đủ và minh bạch hơn, giúp giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư cá nhân.

Tuy nhiên, dù đã có những nỗ lực cải thiện, nhưng triển vọng dài hạn của thị trường TPDN vẫn còn nhiều thách thức. Một trong số đó là việc thị trường này vẫn còn phụ thuộc quá nhiều vào kênh phát hành riêng lẻ, với khoảng 90% trái phiếu được phát hành dưới hình thức này, trong khi chỉ có chưa tới 10% trái phiếu phát hành ra công chúng. Việc phát hành trái phiếu riêng lẻ tuy có lợi thế về thời gian và chi phí, nhưng lại thiếu tính minh bạch và tiềm ẩn rủi ro lớn cho nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Ngoài ra, khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn hạn chế, trong khi thị trường vẫn chủ yếu do các doanh nghiệp lớn chi phối, đặc biệt là trong lĩnh vực ngân hàng và bất động sản. Điều này dẫn đến sự mất cân bằng trong cung cầu, làm giảm tính thanh khoản của thị trường.

Ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV cảnh báo: “Tỷ lệ trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn và quá hạn thanh toán vẫn ở mức cao. Rủi ro lan truyền giữa các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán và bất động sản luôn tiềm ẩn, gây ra những nguy cơ lớn cho sự ổn định tài chính của thị trường”.

Với những thách thức hiện tại, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cho rằng: "Cần nhanh chóng hoàn thiện và nâng cao hiệu lực Luật Phá sản để thị trường trái phiếu vận hành trên quy luật đào thải tự nhiên. Việc cải cách các quy định pháp lý, đặc biệt là trong lĩnh vực phá sản và xếp hạng tín nhiệm sẽ giúp tạo ra một môi trường đầu tư minh bạch hơn, từ đó thu hút thêm các nhà đầu tư có kinh nghiệm và tạo sự ổn định cho thị trường”.

Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng cho rằng, sự phát triển bền vững của thị trường TPDN Việt Nam cũng cần đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ từ các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và nhà đầu tư. Việc cải thiện tính minh bạch, tăng cường quản lý rủi ro và khuyến khích các quỹ đầu tư tổ chức tham gia sẽ là những yếu tố quan trọng để thị trường phát triển theo chiều sâu, giảm thiểu những rủi ro tiềm ẩn và đảm bảo sự ổn định lâu dài.

Bài 2: Tìm giải pháp cho sự phát triển bền vững

Bạn đang đọc bài viết "Thị trường trái phiếu doanh nghiệp - Bài 1: Rủi ro trả nợ gia tăng trong bối cảnh tái cấu trúc" tại chuyên mục Tài chính - Chứng khoán. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).