Thành phố Phú Quốc: Đẩy mạnh CCHC phục vụ phát triển kinh tế, xã hội

09/09/2024 21:00

(Chinhphu.vn) – Với quyết tâm cao và cách làm mới, công tác CCHC của thành phố Phú Quốc từ vị trí “em út” đã vươn lên thứ 4/15 trong các đơn vị cấp huyện của tỉnh Kiên Giang năm 2023. Đây là nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị, hướng tới xây dựng Phú Quốc trở thành đô thị hiện đại, thông minh, vì dân phục vụ.

Thành phố Phú Quốc: Đẩy mạnh CCHC phục vụ phát triển kinh tế, xã hội- Ảnh 1.

Công tác CCHC ở Phú Quốc lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là thức đo đối với sự phục vụ của cơ quan nhà nước - Ảnh: VGP/LS

Quyết tâm chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử

Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, ông Phạm Văn Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phú Quốc cho biết: Việc thực hiện chuyển đổi số và xây dựng chính quyền điện tử không đơn giản và không thể có kết quả ngay bởi cần từng bước thay đổi nhận thức của người dân, phải có quyết tâm cao và chứng minh được hiệu quả thiết thực của quá trình này, đó là người dân thấy việc tiếp xúc với cơ quan hành chính thuận tiện hơn, nhanh chóng hơn, giảm được chi phí và thời gian đi lại, thực hiện thủ tục với cơ quan nhà nước.

"Thành phố Phú Quốc được xác định là địa bàn quan trọng trên tất cả các lĩnh vực của tỉnh Kiên Giang, đặc biệt là phát triển kinh tế, xây dựng đô thị thông minh và hiện đại. Vì thế, công tác CCHC được đặc biệt quan tâm, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là thức đo đối với sự phục vụ của cơ quan nhà nước", Phó Chủ tịch UBND thành phố Phú Quốc cho hay.

Trong bối cảnh khối lượng công việc ngày càng nhiều, biên chế ngày càng giảm nên Phú Quốc xác định ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số là yêu cầu tất yếu. Thành ủy, HĐND, UBND thành phố ban hành các Nghị quyết, chương trình hành động để thực hiện chuyển đổi số, thể hiện quyết tâm chính trị rất cao trong thực hiện chuyển đổi số.

Theo đó, 100% các phòng, ban, cơ quan chuyên môn, UBND các xã, phường đều đã sử dụng phần mềm văn phòng điện tử VNPT để xử lý công việc. 100% các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố đã thực hiện việc ký số, phát hành văn bản điện tử; 100% các xã, phường đã sử dụng Văn phòng điện tử để nhận và gửi văn bản.

Thành phố Phú Quốc đã thực hiện tốt việc áp dụng phần mềm phòng họp không giấy eCabinet cho các kỳ họp HĐND tại thành phố Phú Quốc và việc thay chữ ký số cho việc ký và gửi văn bản truyền thống.

ISO điện tử: Minh bạch công việc - người thực hiện - cách thực hiện

Về hiệu quả áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO điện tử thay cho hệ thống quản lý chất lượng trước đây (ISO giấy), theo báo cáo của thành phố Phú Quốc, mục tiêu của ISO điện tử là hướng đến xây dựng và thực hiện hệ thống quy trình xử lý công việc khoa học, hợp lý, phù hợp với quy định của pháp luật, tạo điều kiện để người đứng đầu cơ quan, đơn vị kiểm soát quá trình giải quyết công việc trong nội bộ. Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý và cung cấp dịch vụ công tại địa phương.

Với ưu điểm minh bạch công việc - người thực hiện - cách thực hiện, Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO được áp dụng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của UBND thành phố Phú Quốc đã mang lại hiệu quả thiết thực, phù hợp với xu thế xây dựng nền hành chính hiện đại theo hướng công khai, minh bạch, đáp ứng nhu cầu hội nhập, chuyển đổi số của chính quyền địa phương và hỗ trợ đắc lực trong công tác thực hiện Chương trình cải cách hành chính của Chính phủ đề ra.

Với phầm mềm ISO điện tử này, việc cập nhật quy trình ISO thuận lợi hơn, nhanh chóng hơn khi được thực hiện trên môi trường điện tử, cách làm này giúp cán bộ, công chức, viên chức và nhân viên tiết kiệm rất nhiều thời gian, công sức, kiểm soát được công việc, đặc biệt là chi phí cho đơn vị (trước đây mất nhiều chi phí cho việc in ấn, triển khai thực hiện). Công tác triển khai mang tính đồng bộ, có thể truy cập dữ liệu mọi lúc, mọi nơi đạt được tính hiệu quả hơn khi thực hiện bản giấy.

Tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả (Bộ phận một cửa), thành phố Phú Quốc đã được trang bị các trang thiết bị đảm bảo cho hoạt động tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thành phố như: ghế ngồi chờ, bàn để viết, máy tính có kết nối mạng, camera giám sát, tivi theo dõi số thứ tự, nước uống, điện thoại tiếp nhận thông tin.

Đồng thời, bố trí khu vực đặt các trang thiết bị như máy lấy số xếp hàng tự động, các màn hình cảm ứng phục vụ tổ chức, cá nhân tra cứu thông tin, TTHC và các bảng niêm yết dễ dàng tiếp cận và trực quan. Ngoài ra, còn trang bị 02 máy tính hỗ trợ, hướng dẫn người dân thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến, có bố trí nhân viên hỗ trợ, hướng dẫn. Việc bố trí trang thiết bị đầy đủ và hiện đại giúp người dân thực hiện TTHC dễ dàng và nhanh chóng, tạo sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp.

Có mặt tại Bộ phận một cửa làm thủ tục hộ đăng ký kinh doanh, bà Bùi Thị Hồng Nam, tổ 4, khu phố 8, thị trấn An Thới, thành phố Phú Quốc cho biết: Việc làm thủ tục được công chức hướng dẫn cụ thể cả trên máy và trên giấy rất nhanh gọn, không thấy khó khăn gì.

"Tôi được công chức Bộ phận một cửa hướng dẫn cụ thể, có những thông tin chưa nắm rõ thì được cập nhật bổ sung, nhất là việc nộp hồ sơ trực tuyến với người già như chúng tôi chưa thể tiếp cận được nên sự hỗ trợ của công chức rất thuận lợi và cần thiết cho người dân", bà Hồng Nam chia sẻ.

Bà Lê Thị Thu Thảo, Tổ trưởng Bộ phận một cửa thành phố Phú Quốc cho biết: Để giải quyết nhanh chóng hồ sơ, thủ tục của người dân khi đến nộp tại Bộ phận một cửa, công chức các lĩnh vực phải xử lý hồ sơ giấy vừa hướng dẫn người dân thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến để từng bước nâng cao kỹ năng của người dân trong xử lý hồ sơ trực tuyến.

"Tuy mất thêm nhiều thời gian để hướng dẫn người dân nhưng nhưng chúng tôi thấy vui khi người dân dần có thói quen ứng dụng công nghệ thông tin, thay đổi nhận thức khi xử lý công việc trên môi trường điện tử ngày càng nhanh chóng, thiết thực", bà Thảo nói.

Thành phố Phú Quốc: Đẩy mạnh CCHC phục vụ phát triển kinh tế, xã hội- Ảnh 2.

Cán bộ xã Cửa Dương trao đổi nghiệp vụ cải cách hành chính với Sở Nội vụ Kiên Giang - Ảnh: VGP/LS

Giải quyết TTHC ‘phi địa giới hành chính’

Hiện nay, Bộ phận một cửa thành phố Phú Quốc còn được giao tiếp nhận hồ sơ đất đai (thuộc thẩm quyền giải quyết cấp tỉnh) và hồ sơ cấp căn cước (ngành dọc đóng tại địa phương) tiếp nhận 8 tháng đầu năm là 11.485 hồ sơ.

Việc công khai địa chỉ và thực hiện việc tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức đối với TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của thành phố thực hiện tốt, đầy đủ và đúng quy định. Có bố trí thùng thư góp ý, phát phiếu thăm dò ý kiến với 02 bằng phiếu giấy và trực tuyến – QR code trên Cổng Zalo dịch vụ công thành phố và Cổng thông tin điện tử thành phố) để tiếp nhận các ý kiến góp ý của người dân, hàng tháng đều có tổng hợp đánh giá. Kết quả 9 tháng đầu năm đạt 95,78%.

Để giảm áp lực cho Bộ phận một cửa của thành phố, từ tháng 9/2024, Phú Quốc áp dụng 100% hóa đơn điện tử cho các xã, phường; thực hiện chữ ký số cho các xã, phường, công chức Bộ phận một cửa xuống tận xã, phường "cầm tay, chỉ việc" cho công chức xã, phường thực hiện các thao tác để xử lý các tình huống khi áp dụng phần mềm này.

Các xã thực hiện tốt các thủ tục liên thông như đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm cho trẻ dưới 6 tuổi; đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, giải quyết mai táng phí, tử tuất.

Đối với một số thủ tục liên thông cấp huyện đều được giải quyết tại Bộ phận một cửa như khi người dân đến thực hiện đăng ký kinh doanh thì sẽ cấp được mã số thuế mà không phải sang cơ quan thuế; khi làm căn cước tại Bộ phận một cửa thì người dân sẽ trả căn cước tại nhà.

Đặc biệt, đối với thủ tục đất đai, một trong những điểm mới đang được tỉnh Kiên Giang thí điểm thực hiện là tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đất đai của hộ gia đình, cá nhân không phụ thuộc địa giới hành chính trên địa bàn thành phố Phú Quốc, thành phố Rạch Giá và thành phố Hà Tiên, từ ngày 01/3/2024.

Theo đó, người dân có nhu cầu thực hiện TTHC về đất đai với 8 thủ tục, liên hệ thực hiện với một trong các Bộ phận một cửa của 3 địa phương trên được liên thông với nhau. Cụ thể, hồ sơ của người dân trên địa bàn Phú Quốc có thể nộp tại Rạch Giá hoặc Hà Tiên và ngược lại. Việc thí điểm này sẽ tạo điều kiện rất thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp không phải đi lại nhiều lần, giảm chi phí và thời gian, nhất là gia đình, cá nhân còn khó khăn.

‘Khó chỗ nào, tháo chỗ đó’

Bà Nguyễn Thị Mỹ Vân, Phó Chủ tịch xã Cửa Dương, thành phố Phú Quốc cho biết, xã Cửa Dương có 20 nghìn dân, hơn 6.000 hộ, diện tích hơn 18.000 ha, trong khi công chức chỉ 19 người nên áp lực công việc cao. Trong khi đó, đây là xã nông nghiệp, trình độ tiếp cận công nghệ thông tin chưa cao nên việc thực hiện chuyển đổi số của chính quyền xã không dễ dàng.

Xã cũng đã thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng đa số thành viên của Ấp, có nhóm Zalo để hướng dẫn, nhờ cán bộ Đoàn thanh niên hỗ trợ cho thanh niên trong hộ gia đình để phổ biến cho các thành viên trong gia đình.

"Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là người dân thay đổi nhận thức và tiếp cận dần với công nghệ để thấy được hiệu quả rõ rệt trong cuộc sống", bà Vân bày tỏ.

Tuy nhiên, một trong những bất cập lớn nhất mà các xã ở Phú Quốc đang vướng mắc là việc tích hợp thông tin các ngành, lĩnh vực với nhau và quá trình chia sẻ, truy xuất, khai thác thông tin, dữ liệu để thực hiện quản lý nhà nước trên địa bàn hiệu quả chưa cao.

Nhìn nhận những khó khăn này, Phó Chủ tịch UBND xã Cửa Dương cho rằng, các khó khăn, bất cập là điều không tránh khỏi trong quá trình chuyển đổi số, nhất là khi áp dụng cái mới, vẫn còn tâm lý ngại thay đổi của một bộ phận người dân. Thay đổi nhận thức là một quá trình, công chức các cấp không vì thế mà cứ than phiền, cần tự mình phải nỗ lực hơn, nhất là quá trình tiếp xúc, hướng dẫn các thủ tục cho người dân phải kiên nhẫn và dành nhiều thời gian để nhân dân hiểu, thấy được lợi ích thiết thực và nhiệt tình ủng hộ.

"Khó chỗ nào, tháo chỗ đó là phương châm làm việc khi tiếp xúc với dân của chúng tôi", bà Mỹ Vân chia sẻ.

Việc công khai TTHC và danh mục TTHC của thành phố Phú Quốc được số hóa thành mã QR code giúp người dân và doanh nghiệp dễ dàng tra cứu, cũng như đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của thành phố và Zalo Cổng dịch vụ công của thành phố.

Theo đó, Phú Quốc có 297 thủ tục hành chính cấp huyện. Kết quả giải quyết hồ sơ TTHC được tiếp nhận tại Bộ phận một cửa của thành phố Phú Quốc trong 8 tháng đầu năm 2024 là 6.628 hồ sơ, tỷ lệ giải quyết đúng hạn đạt 95,78%.

Trong đó, hồ sơ trực tuyến là 5.742 hồ sơ, hồ sơ tiếp nhận được cung cấp toàn trình là 5.500 hồ sơ, thanh toán trực tuyến là 3.386/5.500 hồ sơ, chứng thực điện tử là 242 hồ sơ, số hóa hồ sơ khi tiếp nhận là 6.335/6.440 hồ sơ, số hóa hồ sơ kết quả giải quyết là 5.080/5.276 hồ sơ.

Lê Sơn

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Xây dựng Phú Quốc trở thành trung tâm du lịch biển đảo tầm cỡ quốc tếXây dựng Phú Quốc trở thành trung tâm du lịch biển đảo tầm cỡ quốc tế
Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
20 năm thực hiện đề án phát triển Phú Quốc: Tăng trưởng gần 20% mỗi năm20 năm thực hiện đề án phát triển Phú Quốc: Tăng trưởng gần 20% mỗi năm
Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát một số công trình, dự án tại TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên GiangThủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát một số công trình, dự án tại TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang

Bạn đang đọc bài viết "Thành phố Phú Quốc: Đẩy mạnh CCHC phục vụ phát triển kinh tế, xã hội" tại chuyên mục Xã hội. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).