Thực hiện Kết luận số 2742- KL/TU ngày 20/5/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án nhập huyện Đông Sơn vào Tp.Thanh Hóa và thành lập các phường thuộc Tp.Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa, vừa qua, UBND tỉnh Thanh Hóa đã triển khai Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến cử tri và thông qua HĐND cấp xã, cấp huyện tán thành chủ trương nhập huyện Đông Sơn vào Tp.Thanh Hóa. Việc này nhằm tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân với chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023- 2030.
Mục đích, yêu cầu đặt ra của kế hoạch là thông tin, tuyên truyền kịp thời, đầy đủ để cử tri hiểu rõ ý nghĩa, nội dung của việc lấy ý kiến; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cử tri; động viên cử tri tham gia tích cực, đồng thuận, thống nhất cao đối với việc nhập huyện Đông Sơn vào Tp.Thanh Hóa, thành lập các phường thuộc Tp.Thanh Hóa và sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của tỉnh.
Về việc tổ chức lấy ý kiến cử tri, kế hoạch đưa ra phạm vi, nội dung lấy ý kiến đối với từng đơn vị; việc lập niêm yết danh sách cử tri, thành lập tổ lấy ý kiến cử tri, thời gian và hình thức thực hiện. Riêng về hình thức lấy ý kiến cử tri có thể triển khai thông qua tổ chức hội nghị hoặc tổ chức phát phiếu lấy ý kiến theo hộ gia đình.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Đỗ Minh Tuấn cho rằng, việc nhập huyện Đông Sơn vào Tp.Thanh Hóa và thành lập các phường trực thuộc Tp.Thanh Hóa, sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã là chủ trương đúng đắn, quan trọng đã được quy định tại kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Hoạt động lấy ý kiến cử tri là một trong những yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng nhằm thực hiện hiệu quả Đề án sáp nhập huyện Đông Sơn vào Tp.Thanh Hóa và Đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của tỉnh Thanh Hóa.
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các địa phương tập trung cao cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp, tổ chức thực hiện của chính quyền, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đồng thời lưu ý, việc tổ chức lấy ý kiến cử tri phải bảo đảm công khai, minh bạch, dân chủ, khách quan, đúng quy định của pháp luật, đúng thời gian, tiến độ đề ra. Trong quá trình thực hiện, các đơn vị, địa phương phải đặt nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền lên hàng đầu; tập trung hướng dẫn, cung cấp kịp thời các thông tin để cử tri hiểu đúng, đầy đủ về quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về việc sáp nhập, sắp xếp các ĐVHC nhằm tạo sự đoàn kết, thống nhất, tin tưởng trong các tầng lớp Nhân dân.
Tp.Thanh Hóa được thành lập năm 1993 từ thị xã Thanh Hóa cũ, trở thành đô thị loại hai năm 2003, đến năm 2014 được công nhận đô thị loại một. Hiện thành phố có diện tích tự nhiên 147 km2, 30 phường và 4 xã, quy mô dân số gần 500.000. Đây là thành phố trực thuộc tỉnh có nhiều phường nhất cả nước.
Theo dự thảo đề án sáp nhập, toàn bộ gần 83 km2, dân số hơn 88.000 của huyện Đông Sơn sẽ nhập vào Tp.Thanh Hóa. Sau sáp nhập, thành phố sẽ có diện tích tự nhiên hơn 228 km2, dân số gần 594.000, với 37 phường và 11 xã. Có 7 phường dự kiến được lập mới gồm Rừng Thông, Hoằng Quang, Hoằng Đại, Đông Tiến, Đông Văn, Đông Khê và Đông Thịnh.
Dự kiến, lộ trình sáp nhập huyện Đông Sơn và Tp.Thanh Hóa sẽ được thực hiện trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 12/2024. Sau sáp nhập, tỉnh Thanh Hóa sẽ giảm 1 đơn vị hành chính cấp huyện, còn 2 thành phố (Sầm Sơn, Thanh Hóa), 2 thị xã (Nghi Sơn, Bỉm Sơn) và 22 huyện với 559 đơn vị hành chính cấp xã.
Dự thảo đề án nêu rõ việc sáp nhập nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển thành phố xứng tầm đô thị loại một, với vai trò, vị thế là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học kỹ thuật của một trong những tỉnh lớn nhất cả nước. Việc sáp nhập cũng phù hợp với văn hóa, lịch sử địa phương, góp phần tinh gọn đầu mối tổ chức đơn vị hành chính.
Ngoài ra, Ban soạn thảo đề án đề xuất lựa chọn 2 phương án tên gọi mới sau sáp nhập là Tp.Thanh Hóa hoặc Tp.Đông Sơn.