Đây là chỉ đạo của ông Trần Văn Huyến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang tại Hội nghị Tổng kết công tác tôn giáo năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 do Ban Chỉ đạo công tác tôn giáo tỉnh tổ chức chiều 20/1.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang đề nghị, năm 2025, cấp ủy, chính quyền tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền trong công tác tôn giáo, tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo, hướng dẫn, tạo điều kiện cho tổ chức tôn giáo hoạt động ổn định, theo quy định pháp luật; quan tâm thăm hỏi, động viên nhân dịp Tết, lễ trọng. Các cấp ủy, chính quyền quan tâm phát huy vai trò người có uy tín của các tổ chức tôn giáo trong phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống người dân nói chung và đời sống đồng bào tôn giáo nói riêng; nâng cấp, sửa chữa, phát huy các cơ sở tín ngưỡng thờ cúng anh hùng dân tộc để giáo dục truyền thống yêu nước gắn với phát triển du lịch tâm linh.
Đồng thời, các cấp ủy, chính quyền xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh trong vùng đồng bào tôn giáo, phát huy vai trò đảng viên, đoàn viên, hội viên có đạo và chức sắc, chức việc, đồng bào có đạo; thực hiện đầy đủ, kịp thời các Chương trình mục tiêu quốc gia, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phát động phong trào thi đua yêu nước gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, bảo vệ môi trường. Các địa phương tăng cường chuyển đổi số trong công tác tôn giáo, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, nhân rộng, phát huy các mô hình dân vận khéo trong vùng đồng bào tôn giáo.
Tỉnh Hậu Giang có 8 tôn giáo (gồm 12 tổ chức tôn giáo, hệ phái) được công nhận tư cách pháp nhân đang hoạt động. Năm 2024, công tác tôn giáo và hoạt động tôn giáo trên địa bàn tỉnh ổn định, hoạt động đảm bảo theo chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng bào các tôn giáo vui mừng, phấn khởi trước những thành tựu đạt được của đất nước và của tỉnh; đồng thuận trước quyết tâm sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy đang được cả hệ thống chính trị triển khai thực hiện.
Ngoài ra, đồng bào các tôn giáo tích cực quyên góp, ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai, tích cực thực hiện các hoạt động từ thiện nhân đạo với trị giá trên 13,9 tỷ đồng.
Các cấp, ngành trong tỉnh có sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời trao đổi thông tin trong công tác tôn giáo, không để xảy ra vụ việc phức tạp, điểm nóng tôn giáo; vai trò của chức sắc, chức việc, đoàn viên, hội viên có đạo, người có uy tín, cốt cán trong tôn giáo được phát huy khá tốt. Việc tuyên truyền, phổ biến, cập nhật chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cho các tổ chức tôn giáo, đồng bào có đạo được thực hiện kịp thời. Hệ thống chính trị triển khai khá hiệu quả việc đổi mới công tác dân vận trong vùng đồng bào tôn giáo bằng nhiều hình thức, duy trì, củng cố trên 35 mô hình, cách làm hay, sáng tạo trong vùng đồng bào tôn giáo gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, giảm nghèo bền vững.
Chính quyền các cấp tăng cường đối thoại, tạo sự đồng thuận với tổ chức tôn giáo trong giải quyết các vấn đề phát sinh ngay từ cơ sở; các địa phương chủ động gặp gỡ đồng bào tôn giáo trên địa bàn để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng. Qua các phong trào, cuộc vận động, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các địa phương đã tập hợp được hơn 14.480 đoàn viên, hội viên có đạo.
Hầu hết cán bộ, công chức phụ trách công tác tôn giáo kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền giữ ổn định an ninh tôn giáo trên địa bàn, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân được đảm bảo.